Những liều thuốc “BIỆT DƯỢC” trị tham nhũng tiêu cực
(TGA) – Tại Hội nghị Trung ương 4, trả lời câu hỏi tại sao lần này lại tiếp tục bàn về việc đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, công tác xây dựng Đảng luôn luôn là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng nước ta. Tổng Bí thư nhấn mạnh, xây dựng, chỉnh đốn Đảng là để làm cho Đảng ta ngày càng mạnh hơn; cán bộ, đảng viên gương mẫu hơn; tổ chức đảng có sức chiến đấu cao hơn; đoàn kết nội bộ tốt hơn; gắn bó với nhân dân mật thiết hơn; thúc đẩy thực hiện nhiệm vụ chính trị đạt kết quả cao hơn…
Trong nhiệm kỳ XII của Đảng ta để lại dấu ấn rất đậm nét trong sự nghiệp xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Có thể nói trong lịch sử Đảng chưa bao giờ trong một nhiệm kỳ Đảng ta có nhiều nghị quyết, văn bản quan trọng về công tác phòng chống tham nhũng như vậy (Nghị quyết Trung ương 4, Trung ương 6, Trung ương 7 khóa XII, Quy định 08 về trách nhiệm nêu gương…).
Trong 4 năm của nhiệm kỳ XII, chúng ta đã xử lý 113 cán bộ cao cấp do Trung ương quản lý, trong đó có cả Ủy viên Bộ Chính trị, một số ủy viên Trung ương đương nhiệm và về hưu.
Điều này thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng ta rất cao; hơn thế nữa, quyết tâm chính trị không chỉ thể hiện trong nghị quyết mà còn đưa vào trong cuộc sống.
Kết quả quan trọng nhất không phải là xử lý được ai mà nằm ở việc củng cố được lòng tin của người dân và đảng viên đối với Đảng. Lòng tin của dân chính là cội nguồn sức mạnh của Đảng. Thông qua đấu tranh phòng chống tham nhũng, Đảng mạnh hơn, dân tin Đảng hơn.
Ngay sau Đại hội XIII, Đảng ta đã quyết định bổ sung thêm nhiệm vụ “phòng chống tiêu cực” vào Ban Chỉ đạo Trung ương, trở thành “Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”. Đồng thời, chỉ vỏn vẹn trong vòng chưa đầy 3 tháng, Trung ương, Bộ Chính trị đã ban hành 3 văn bản vô cùng quan trọng liên quan đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng:
1. Kết luận 14 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung ban hành ngày 22/9/2021
Kết luận của Hội nghị Trung ương 4 khẳng định, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, tiêu cực, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ có cả nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu, bắt nguồn từ việc bản thân cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện; lập trường tư tưởng không vững vàng; sa vào chủ nghĩa cá nhân, quên mất trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước dân. Kết luận lần này đã quán triệt sâu sắc tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng để xác định mục tiêu mới là:
- Đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền, sức chiến đấu của Đảng; hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước; đổi mới nội dung, phương thức và nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội.
- Đồng thời bổ sung, nhấn mạnh thêm nhóm nhiệm vụ, giải pháp về “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu gắn với đổi mới, sắp xếp tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả“. Bảo đảm nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ; quán triệt sâu sắc vai trò của công tác cán bộ là “then chốt của then chốt“, có ý nghĩa quyết định mọi thành công của cách mạng nước ta, cả trước mắt và lâu dài.
2. Quy định 37 của Ban Chấp hành Trung ương về những điều Đảng viên không được làm ban hành ngày 1/11/2021
Quy định 37 của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm vừa được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký vẫn giữ nguyên 19 điều như Quy định số 47 năm 2011 nhưng có nhiều điểm mới đáng chú ý. Chặn những ai mượn cái mũ “dám nghĩ, dám làm” để làm sai, làm trái. Những điều đảng viên không được làm cũng là căn cứ, cơ sở quan trọng để xem xét, xử lý các vi phạm của cán bộ, đảng viên nhằm xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh toàn diện.
3. Quy định 41 Bộ Chính trị về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ ban hành ngày 3/11/2021
Việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ không phải mới nhưng từ trước giờ áp dụng rất ít, năm thì mười họa mới có chuyện miễn nhiệm, còn chuyện từ chức thì hiếm khi. Vì vậy, Quy định 41 của Bộ Chính trị lần này với những quy định rõ ràng, cụ thể có ý nghĩa rất sâu sắc, đem đến không khí chính trị mới trong toàn Đảng, toàn dân và có thể là một sự mở đường cho thời kỳ chỉnh đốn và đổi mới Đảng một cách mạnh mẽ, chống lại những thói hư tật xấu trong cơ quan công quyền.
PV (Tổng hợp)