Những điểm du lịch hấp dẫn ở Điện Biên Đông du khách nên ghé thăm
Điện Biên Đông là một huyện thuộc tỉnh Điện Biên, nằm ở phía Tây Bắc Việt Nam. Địa hình huyện Điện Biên Đông với nhiều núi non hùng vĩ, cao nhất là đỉnh Pu Ta Leng với độ cao 3.096m so với mặt nước biển. Nơi đây có một nền văn hóa đa dạng và phong phú, với sự giao thoa giữa các dân tộc thiểu số như Thái, Mông, Dao, Khơ Mú… Với những nét đặc trưng về thiên nhiên và lịch sử, văn hóa, Điện Biên Đông đang dần trở thành một điểm đến hấp dẫn của du lịch Điện Biên.
Đỉnh săn mây Chóp Ly
Đỉnh Chóp Ly nằm trên đèo Keo Lôm thuộc huyện Điện Biên Đông. Có thể nói, những cung đường đèo là đặc sản quen thuộc của du lịch Điện Biên. Tuy nhiên, đèo Keo Lôm với đỉnh Chóp Ly có một sự khác biệt, bởi nơi đây đáp ứng được tiêu chí vừa đẹp, vừa an toàn cho hoạt động săn mây; rất thích hợp cho hoạt động trải nghiệm săn mây của những tín đồ “ưa xê dịch” và “kẻ săn mây lãng tử”.
Từ TP. Điện Biên Phủ di chuyển lên đỉnh Chóp Ly chỉ mất khoảng 35km. Đỉnh Chóp Ly luôn nổi bật với cảnh núi non bao la, trời mây tuyệt đẹp; hòa trong cảnh thiên nhiên hùng vĩ, tạo nên một khung cảnh nên thơ, trữ tình. Hơn thế, chinh phục đỉnh Chóp Ly sẽ cho du khách cảm giác gần gũi với thiên nhiên, như phiêu lãng, bồng bềnh trên mây. Hiện nay, điểm săn mây tuyệt đẹp trên đỉnh Chóp Ly đang trở thành một trong những điểm đến yêu thích của nhiều bạn trẻ, phượt thủ. Thời điểm săn mây trên đỉnh Chóp Ly đẹp nhất là trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 9 hàng năm. Đến đây thời điểm này, du khách sẽ được trải nghiệm trọn vẹn một đỉnh dèo hùng vĩ, nên thơ; thời tiết cũng ủng hộ du khách với tiết trời mát mẻ, mây trắng bồng bềnh găng qua.
Hồ Noong U
Hồ Noong U là hồ tự nhiên được bà con phát hiện ra trong quá trình ngược núi, luồn rừng đi tìm đất để khai hoang phát triển nông nghiệp. Hồ Noong U rộng chừng 4ha, nằm ở độ cao trên 1.000m so với mặt nước biển trong dãy núi Phù Lùng; thuộc bản Tìa Ló B, xã Pú Nhi, huyện Điện Biên Đông, cách TP. Điện Biên khoảng 30km. Cảnh sắc hồ Noong U phù hợp cho hoạt động phát triển du lịch trải nghiệm thiên nhiên, nhưng mãi đến gần đây hồ mới được khai thác.
Hồ Noong U còn có tên gọi khác là hồ Pa Già. Người dân địa phương ví hồ Noong U như “mắt rừng” bởi nó nằm trọn trong vòng ôm của dãy núi Phù Lùng. Ðây là hồ nước tự nhiên trên núi duy nhất và cũng lớn nhất ở huyện Ðiện Biên Ðông. Điểm nhấn cho khung cảnh của hồ là những cây cầu gỗ nhỏ bắc qua những vũng, vịnh nơi lòng hồ ăn sâu vào bờ, giúp cho bạn có thể khám phá được quanh lòng hồ thuận lợi. Tùy theo mùa, những thảm hoa xung quanh hồ khoe sắc, hay rặng lau ven bờ bung nở hoa trắng muốt; những bè cỏ, rong rêu và các ụ đá nổi nằm rải rác ven bờ càng tạo cho du khách có cảm giác đang khám phá hệ sinh thái của rừng ngập mặn ven biển.
Tháp Chiềng Sơ
Tháp Chiềng Sơ là tháp cổ được xây dựng vào khảng thế kỷ 15-16, là công trình kiến trúc cổ còn sót lại ở vùng đất Tây Bắc. Tháp được xây dựng bởi người Thái với kết cấu chân tháp hình vuông, nhiều tầng chồng lên nhau. Tương truyền, đây là tuyệt tác được xây dựng bởi tinh thần đoàn kết hữu nghị của hai dân tộc Việt – Lào, mang một giá trị nghệ thuật và kiến trúc rất cao.
Tháp Chiềng Sơ không chỉ đơn thuần là một tòa tháp mà còn ẩn chứa những tính toán thông minh, sáng tạo của cha ông để giữ cho công trình có thể vững vàng sau hàng trăm năm. Du khách phải trực tiếp đến đây và nhìn ngắm vẻ đẹp của tháp cổ Chiềng Sơ mới cảm nhận trọn vẹn vẻ đẹp cầu kỳ, tinh xảo mà công trình này mang lại. Tuy không sở hữu kích thước quá lớn nhưng ngọn tháp mang một giá trị văn hóa lịch sử quan trọng, là một minh chứng về thành quả lao động tuyệt vời của thế hệ ông cha. Năm 2011, Tháp Chiềng Sơ được Bộ VHTTDL xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia. Ngày nay, đây cũng là địa điểm check in ở Điện Biên rất độc đáo mà du khách không thể bỏ qua.
Hang Mường Tỉnh
Hang Mường Tỉnh ở bản Mường Tỉnh A, xã Xa Dung, huyện Điện Biên Đông, là di tích cách mạng lưu giữ nhiều kỷ vật, chứng tích lịch sử trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Gia đoạn 1945-1954, tại hang Mường Tỉnh đã diễn ra nhiều sự kiện cách mạng quan trọng, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Ngày 14/04/2011, hang Mường Tỉnh đã được Bộ VHTTDL xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia theo Quyết định số 1256/QĐ-BVHTTDL.
Bên cạnh là di tích lịch sử với những dấu tích quan trọng, hang Mường Tỉnh còn là hang động tự nhiên dạng karst ẩn mình trong núi đá vôi hùng vĩ với hệ thống thạch nhũ tuyệt đẹp. Cảnh quan khu vực hang Mường Tỉnh thông thoáng, đẹp đẽ; khí hậu trong lành, thích hợp cho du khách khám phám phá, trải nghiệm. Vào những khoảng thời gian khác nhau trong ngày, cảnh quan khu vực xung quanh hang Mường Tỉnh đều có một sự biến thiên nhất định, hứa hẹn cho du khách những trải nghiệm khác biệt.
Tháp Mường Luân
Tháp Mường Luân là công trình kiến trúc cổ nằm ở xã Mường Luân, là một trong những công trình đại diện cho tình đoàn kết của hai dân tộc Việt Nam – Lào ở vùng Tây Bắc. Tương truyền, năm 1569, Miến Điện tấn công nước Lào; một bộ phận dân chúng vùng Thượng Lào chạy nạn sang Điện Biên, về sau ở lại định cư và trở thành những công dân người Việt gốc Lào. Trong thời gian đó, tháp Mường Luân được một bộ phận người Lào xây dựng với sự giúp đỡ của những cư dân sở tại.
Tháp Mường Luân được xây dựng ở vị trí rất trang trọng, phong cảnh sơn thủy hữu tình. Hình ảnh của tháp được ví như một cô gái duyên dáng, dịu hiền, đứng lặng lẽ cạnh chân núi Hua Ta (hay còn gọi là núi đầu nguồn) soi bóng xuống dòng sông Mã trong xanh, hiền hòa.
Đặc biệt, các họa tiết, hoa văn trang trí trên tháp Mường Luân đều được làm bằng đất nung với nhiều màu sắc, càng tạo cho tháp nét cổ kính, nổi bật trên nền xanh thẫm của núi rừng cùng màu xanh biếc của bầu trời. Hàng năm, vào dịp đầu Xuân, các chàng trai, cô gái yêu nhau và nhân dân quanh vùng lại tụ tập về tháp Mường Luân để tổ chức Lễ hội.
Ngày 09/02/1991, tháp Mường Luân đã được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ VHTTDL) công nhận di tích cấp Quốc gia và trở thành điểm đến thu hút đông đảo khách du lịch đến tham quan trải nghiệm.
Vũ Hằng