Những dấu ấn lịch sử và sự phát triển của nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam
Cách đây 71 năm, ngày 15/3/1953, tại Thái Nguyên – “Thủ đô gió ngàn Việt Bắc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh “Thành lập Đội Nhiếp ảnh Việt Nam” đánh dấu một bước quan trọng trong lịch sử nhiếp ảnh Việt Nam. Điều này đã tạo nền móng cho sự phát triển của hai ngành nghệ thuật Nhiếp ảnh và Điện ảnh trong thời kỳ sau này.
Khu vực Đồi Cọ tại Thái Nguyên, được biết đến với tên gọi ATK (An toàn khu) trong thời kỳ kháng chiến, đã chứng kiến những ngày khó khăn, nhưng cũng là nơi có đóng góp quan trọng của Nhiếp ảnh trong việc tuyên truyền và ghi lại lịch sử. Các nghệ sĩ Nhiếp ảnh đối mặt với thiếu thốn, nhưng những bức ảnh cỡ lớn được tạo ra từ những điều kiện khắc nghiệt này đã trở thành chứng nhận cho cuộc kháng chiến và chiến thắng của cách mạng Việt Nam.
Ngày 15/3/2002 chính thức được lựa chọn làm Ngày Truyền thống của Nhiếp ảnh Việt Nam, là dịp để kỷ niệm và tri ân những đóng góp của các nghệ sĩ Nhiếp ảnh. Những người làm nghệ thuật này đã không chỉ ghi lại những hình ảnh của quá khứ mà còn giúp đưa Nhiếp ảnh Việt Nam trở thành một phần quan trọng của nền văn hóa.
Nhìn lại quá khứ đầy gian truân và hào hùng, Nhiếp ảnh Việt Nam đã không chỉ là người ghi lại sự kiện lịch sử mà còn là nguồn cảm hứng và niềm tự hào về văn hóa, đất nước và con người Việt Nam.
Tiếp thu truyền thống của Đoàn Nhiếp ảnh thuộc Văn nghệ Việt Nam ở chiến khu Việt Bắc (1949), Ban Liên lạc Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam thuộc Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam (1958), Hội nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam chính thức thành lập ngày 8/12/1965 với 71 hội viên sáng lập…
Và đánh dấu một cột mốc quan trọng nữa vào năm 2023, Câu lạc bộ Nhiếp ảnh Quốc tế Việt – Đức (trực thuộc Tạp chí điện tử Việt – Đức) được thành lập, không chỉ là ban ảnh của Tạp chí mà còn là nơi hội tụ nhiều Nghệ sĩ nhiếp ảnh có chuyên môn cao. Tuy rằng thời gian thành lập chưa lâu nhưng đã có những bước tiến quan trọng khi trở thành thành viên của Hiệp hội Nhiếp ảnh Hoa Kỳ (PSA) vào tháng 1 năm 2024. Điều này thể hiện sự hội nhập và đánh dấu thành công của những thành viên trong Câu lạc bộ, cũng như những định hướng đúng đắn theo xu thế trên trường quốc tế.
Phải nói rằng, chưa bao giờ nhiếp ảnh nước ta phát triển và giành được nhiều thành tựu ngoạn mục như trong giai đoạn hiện nay. Sự phát triển đó có sự đóng góp của rất nhiều thế hệ các nghệ sỹ nhiếp ảnh, ngoài các thế hệ “gạo cội” trước, cũng phải kể đến nhiếp ảnh gia Lý Hoàng Long đến từ thành phố Đà Lạt. Hơn 30 năm gắn bó với nghệ thuật này và giành tới 350 giải thưởng trong nước và quốc tế, anh được biết đến với danh xưng “ông vua của thể loại ảnh số”.
Thời thơ ấu, anh đã bị cuốn hút bởi màu sắc và hình ảnh, sau đó anh chuyển hướng sang thiết kế đồ họa. Năm 1993, một số bức ảnh của người bạn đã làm thức tỉnh niềm đam mê của anh với việc “vẽ ánh sáng” từ chiếc máy ảnh. Điều này đã mở ra một chương mới trong cuộc đời nhiếp ảnh gia này.
Với sự tận tụy và sáng tạo trong công việc, Lý Hoàng Long không chỉ là một nhiếp ảnh gia xuất sắc mà còn là Uỷ viên Hội đồng Nghệ thuật Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam các khóa VII – VIII – IX và giám khảo của nhiều cuộc thi ảnh quốc tế từ năm 2001 đến nay. Công trình nghệ thuật của anh không chỉ xuất hiện trong các cuộc triển lãm trong nước mà còn được xuất bản bởi các tổ chức quốc tế như National Geographic, Bộ Du lịch Indonesia, Cục xúc tiến Du lịch đảo quốc Mauritius.
Năm 2014, tác phẩm “Thả lưới” của Lý Hoàng Long tại hồ Tuyền Lâm đã đoạt giải vàng FIAP. Bức ảnh “Đan lưới” của anh cũng giành giải Khu vực châu Á – Thái Bình Dương tại cuộc thi ảnh Quốc tế CBRE Urban Photographer of the Year 2014. Năm 2015, Lý Hoàng Long nhận được giải đặc biệt hạng mục “Khuôn mặt, con người, gặp gỡ” tại cuộc thi Nhiếp ảnh gia du lịch. Tác phẩm “Ngư dân Việt Nam” của anh đã được chọn làm một trong 111 bức ảnh xuất sắc trong cuộc thi “Nhiếp ảnh về môi trường thế giới 2015”.
Nhiều tác phẩm của Anh được chọn triển lãm tại Festival Chemins de Photos (Pháp) từ 2020 đến nay. Đặc biệt năm 2024, dù rất bận rộn với lịch công việc, tuy nhiên anh đã nhận lời đảm nhiệm vị trí Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nhiếp ảnh Quốc tế Việt – Đức (trực thuộc Tạp chí điện tử Việt – Đức) với vai trò đầu tàu về chuyên môn cho Câu lạc bộ.
Một số tác phẩm tiêu biểu của Nhiếp ảnh gia Lý Hoàng Long
Ngoài ra cũng phải kể đến nhiếp ảnh gia Helena Vân, hiện chị là Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nhiếp ảnh Quốc tế Việt – Đức; Đại sứ hình ảnh cho Hiệp hội Nhiếp ảnh Hoa Kỳ (PSA) tại Việt Nam.
Nhiếp ảnh gia Helena Vân, tên thật là Nguyễn Ngọc Vân, sinh ra và lớn lên tại Hà Nội. Chị có nhiều năm du học và làm việc ở các nước trên thế giới. Được tiếp xúc, trải nghiệm những điều mới mẻ và thú vị, nhưng tình yêu với quê hương đã thôi thúc chị trở về. Helena Vân đã đến nhiều nơi trên cả nước, ghi lại những khoảnh khắc đẹp của cuộc sống và làm công tác thiện nguyện. Tuy đến với nhiếp ảnh chưa lâu nhưng nhiếp ảnh gia Helena Vân đã giành 100 giải thưởng quốc tế và có hàng trăm tác phẩm được chọn triển lãm tại hơn 20 nước trên thế giới.
Đây cũng là năm thứ 2, Nhiếp ảnh gia Helena Vân đảm nhiệm vị trí Đại sứ hình ảnh cho Hiệp hội Nhiếp ảnh Hoa Kỳ (PSA) tại Việt Nam, một vị trí mà nhiều Nghệ sĩ nhiếp ảnh, nhiếp ảnh gia mơ ước.
Theo ông Tomislav Peternek, một người công tác trong lĩnh vực báo ảnh 23 năm với vai trò quan trọng trong biên tập viên ảnh Tạp chí hàng tuần NIN: “Helena Vân nổi bật với tài năng và cách tiếp cận của một phóng viên ảnh chuyên nghiệp. Những khung hình của cô ấy tràn đầy sức sống trong mọi hình thức, từ đó tuân theo ý tưởng cơ bản và chủ đề chính của báo ảnh”.
Năm 2024, NAG Helena Vân với vai trò Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ Nhiếp ảnh Quốc tế Việt – Đức về chuyên môn, chị có những suy nghĩ và mong muốn mang những hình ảnh đất nước, con người và nét đẹp Việt Nam giới thiệu ra toàn thế giới cũng như mang nhiếp ảnh thế giới, đương đại đến gần hơn với nhiếp ảnh Việt Nam. Chị cũng là người kết nối để Câu lạc bộ Nhiếp ảnh Quốc tế Việt – Đức trở thành thành viên chính thức của Hiệp hội Nhiếp ảnh Hoa Kỳ (PSA).
Đặc biệt, phóng sự ảnh và bài viết của chị về Gốm Phù Lãng được chọn là bài báo hay nhất tháng 12/2023 của Tạp chí Hoa Kỳ – PSA Journal: một Tạp chí nhiếp ảnh uy tín có 90 năm lịch sử.
Dưới đây là một số tác phẩm tiêu biểu của NAG Helena Vân
Có thể nói, nhiếp ảnh không chỉ là việc ghi lại hình ảnh mà còn là nghệ thuật của những khoảnh khắc. Chỉ có những con người với niềm đam mê chân thành mới có khả năng làm nên những tác phẩm nhiếp ảnh đích thực, đậm chất nghệ thuật…
Đỗ Linh