Những chuyến du lịch nhặt rác bất đắc dĩ

Rác tràn lan ở những địa điểm du lịch đẹp. Nhiều du khách đã kết hợp tổ chức nhặt rác, bảo vệ cảnh quan trong chuyến du lịch của mình.

Những chuyến du lịch nhặt rác bất đắc dĩ
Những chai nhựa, túi ni lông đang làm mất vẻ đẹp của các điểm du lịch. Ảnh: Linh Huỳnh.

“Hố Da (Đắk Nông) đẹp và yên bình, tôi không muốn rác làm mất đi vẻ đẹp ấy. Vì vậy tôi và nhóm bạn đã cùng nhau dọn sạch khu vực này”, Việt Anh (du khách Bình Phước) chia sẻ.

Du lịch kết hợp nhặt rác

Nam du khách đã dành thời gian lượm rác xung quanh đầm lầy thủy sinh này và mang về điểm tập kết rác. Việt Anh cho rằng việc xả rác bừa bãi không phải là mới, nó phụ thuộc vào ý thức con người. Ở đâu có người biết tới thì ít nhiều cũng xuất hiện rác.

Gặp anh Lưu và Hải đang cùng nhau nhặt rác tại bờ kè biển Tân Thành (Tiền Giang) trong hành trình đạp xe chinh phục Mũi Cà Mau, cả hai chia sẻ thường dừng chân ngắm cảnh tại các địa điểm đẹp dọc đường đi. Những nơi đẹp thì nhiều người đến, kéo theo rác cũng nhiều. Vì vậy hai người thường cùng nhau dọn rác xung quanh trước khi tiếp tục lên đường.

“Trước hết, chúng tôi mang đi những gì mình mang đến, sau đó sẽ nhặt rác xung quanh các điểm dừng chân trong khả năng của mình”, hai nam du khách nói.

Những năm gần đây, xu hướng tìm đến những nơi vắng vẻ, gần gũi thiên nhiên ngày càng được ưa chuộng. Tuy nhiên, tại các địa điểm tham quan tự phát thường không được trang bị thùng rác dẫn đến việc du khách để lại rác xung quanh các địa điểm du lịch, ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường và trải nghiệm của du khách.

Suối Cửa Tử (Thái Nguyên) là một địa điểm du lịch mới, được nhiều trekker yêu thích bởi sở hữu vẻ đẹp hoang sơ, không khí mát mẻ, phù hợp cho nhiều hoạt động vui chơi như dã ngoại, bơi lội, trượt thác…

Vừa trở về từ chuyến khám phá địa điểm trên, Trương Sến (sống tại Hà Nội) cho biết địa điểm này ngày càng xuất hiện nhiều rác. “Trên đường vào cửa một và hai có nhiều vỏ chai nhựa, vỏ lon, túi nylon… Càng đi sâu vào trong thì không có rác vì ít người đi hơn”.

Anh cho biết để không phá hỏng cảnh quan, anh và bạn bè đã thu gom rác hữu cơ như hoa quả, rau thừa bỏ vào bụi để tự phân hủy. Các vỏ chai nhựa và vỏ lon thì porter hoặc đoàn sẽ mang về rồi đem đến điểm xử lý.

Địa điểm mất sức hút vì rác

Đinh Thu Hương, đồng sáng lập Lalita Tam Coc Resort & Spa, chia sẻ: “Là người làm du lịch, lại ưa thích trải nghiệm, khám phá, tôi thật sự rất buồn khi nhìn thấy rác bị bỏ lại tại các điểm du lịch”.

Chị cho rằng nếu cảnh quan, môi trường bị ảnh hưởng thì chính địa phương sẽ bị thất thoát nguồn khách sang địa phương khác. Rộng hơn nữa, du khách sẽ bị thu hút bởi các điểm đến khác thực hiện công tác bảo vệ tốt hơn.

“Vì vậy trong lúc chờ đợi du khách nâng cao ý thức, chính quyền cần có ngay những biện pháp để ngăn chặn và xử lý như bố trí thêm thùng rác, thực hiện công tác tuyên truyền, tăng phí tham quan hoặc cho doanh nghiệp đủ tiêu chuẩn thầu kinh doanh và quản lý để phát triển bền vững”, chị Hương nói.

Là người dân TP Đà Lạt, anh Thành Công thường tham gia vào các công tác bảo vệ môi trường tại các điểm du lịch ở địa phương. “Tôi thấy việc xả rác chủ yếu xảy ra ở các điểm du lịch tự phát như công viên, khu cắm trại, các địa điểm săn mây. Vì vậy tôi sẽ nhắc nhở du khách gom rác bỏ vào túi và để bên vệ đường lớn, tránh chặt phá cây, làm chủ thao tác an toàn khi đốt lửa”, anh chia sẻ.

Cũng cùng mong muốn gìn giữ sự xanh sạch và sức hút của thành phố mộng mơ, Brilliant (Đà Lạt) và bạn đã lập nên nhóm tình nguyện, tổ chức nhặt rác 2-3 lần/tháng tại các điểm du lịch trên địa bàn thành phố. “Thấy mọi người tình nguyện cùng nhau nhặt rác, làm sạch môi trường vào Ngày Hội Sống Xanh tại TP.HCM đã truyền cảm hứng cho chúng tôi bắt tay vào hành động”, anh nói.

Bắt đầu từ cung đường quanh đập thủy điện Ankroet, anh cùng nhóm bạn sẽ thu gom và chở rác về điểm tập kết, bàn giao bộ phận ở đó đảm nhận và tiếp tục xử lý. “Tôi hy vọng nỗ lực của chúng tôi sẽ phần nào giúp gìn giữ nét đẹp vốn có của Đà Lạt”, Brilliant chia sẻ.

Nguồn: zingnews.vn

Bài Viết Liên Quan

Back to top button