Những ấn tượng về VCCI trong tôi
Tôi làm việc ở VCCI trọn 37 năm, từ 1966 đến lúc nghỉ hưu năm 2003. 20 năm cũng đã trôi qua kể từ khi tôi về hưu, song duyên nợ với cộng đồng doanh nghiệp (DN) Việt Nam vẫn tạo nhiều dịp cho tôi trở về với VCCI. Hơn nửa thế kỷ gắn kết với VCCI đã để lại trong tôi nhiều ấn tượng sâu sắc; mặt khác chính những điều này đã khiến tôi gắn bó với VCCI lâu đến thế.
Bà Phạm Chi Lan và ông Dương Văn Đàm – Chủ tịch đầu tiên của VCCI
Trước hết, tôi thích VCCI với sứ mệnh và tính chất của một tổ chức xã hội, phục vụ cộng đồng. Ngay từ khi thành lập vào năm 1963, VCCI – với tên gọi chính thức là Phòng Thương mại nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa – đã được xác định là tổ chức “dân gian” (theo cách gọi thời đó để chỉ các tổ chức xã hội, phi chính phủ), nhằm hỗ trợ DN và xúc tiến quan hệ thương mại với các nước ngoài khối xã hội chủ nghĩa. Trong suốt 60 năm, đất nước ta trải qua bao biến động, VCCI cũng đã nhiều lần thay đổi từ tên gọi, điều lệ, chức năng nhiệm vụ, đến tổ chức, quy mô, phương thức vận hành và các hoạt động cụ thể. Song sứ mệnh và tính chất của một tổ chức xã hội, phục vụ cộng đồng DN không thay đổi, được giữ vững và trở nên sâu sắc, rộng mở, toàn diện hơn theo đà phát triển của cộng đồng DN và nền kinh tế nước nhà. VCCI ngày một vững vàng trên vị thế một tổ chức quốc gia đại diện cho cộng đồng DN Việt Nam trong các quan hệ trong nước và quốc tế, liên kết DN, bảo vệ lợi ích chính đáng của DN, nói lên tiếng nói của DN và cung cấp nhiều loại hình dịch vụ phục vụ DN, giống như các phòng thương mại – công nghiệp ở các nước tiên tiến khác.
Thứ hai, tôi thích tính chất linh hoạt, cởi mở, hợp tác của VCCI. Là tổ chức xã hội, không trong hệ thống quyền lực, với sứ mệnh phục vụ cộng đồng DN và xúc tiến thương mại, đương nhiên VCCI cần cởi mở, hợp tác với DN và các đối tác liên quan ở trong và ngoài nước, biết lắng nghe và sẵn sàng phục vụ những yêu cầu chính đáng của DN. Các thế hệ lãnh đạo của VCCI từ ngày đầu thành lập trong thời chiến tranh và bao cấp đã tạo dựng nét riêng đó cho VCCI, sau này khi đất nước thống nhất và đổi mới, mở cửa, hội nhập, điều đó càng trở thành một thứ bản sắc khiến VCCI khác nhiều tổ chức khác ở nước ta. Đội ngũ những người làm việc ở VCCI hầu hết là giàu nhiệt huyết, làm việc tận tâm, đam mê công việc và có tinh thần phục vụ, ý thức hợp tác, thái độ thân thiện. Trong một thời gian dài, VCCI được DN và các tổ chức khác tin tưởng, sẵn sàng hợp tác nhờ có tiếng tăm là vừa hiểu biết, có năng lực chuyên môn, vừa nhiệt tình, khách quan, vô tư trong công việc và có môi trường làm việc lành mạnh.
Thứ ba, tôi thích VCCI về ý thức học hỏi, sẵn sàng chủ động đổi mới, sáng tạo để thích ứng với bối cảnh mới. Với vị trí khá “chênh vênh” ban đầu, không phải tổ chức nhà nước cũng chẳng phải DN, không quản lý ai (trừ bản thân mình) mà cũng không bị ai quản quá chặt, các nhà lãnh đạo VCCI đã luôn chủ động học hỏi, tìm kiếm những công việc phù hợp với Điều lệ để làm. Đầu năm 1982, VCCI đã chủ động trình và được Chính phủ chấp thuận Điều lệ mới, chuyển từ Phòng Thương mại thành Phòng Thương mại và Công nghiệp, mở rộng chức năng nhiệm vụ và diện hội viên, phát triển các dịch vụ phục vụ DN và thực hiện cơ chế tự chủ về tài chính trên nguyên tắc phi lợi nhuận. Dấu mốc đó tạo nên một bước ngoặt quan trọng cho VCCI thu hút đông đảo hội viên mới trong các ngành sản xuất, tuyển dụng nhiều người có năng lực, mở hàng loạt hoạt động mới, thiết thực đáp ứng nhu cầu “phá rào” của nhiều DN, ngành hàng và địa phương để kịp thời đón luồng gió mới khi chủ trương Đổi mới được ban hành. Năm 1993, Đại hội lần thứ hai của VCCI được tổ chức, mở ra một thời kỳ mới cho VCCI phát triển mạnh mẽ, nâng cao vị thế và tạo nên tầm vóc xứng đáng với cộng đồng DN và nền kinh tế đang bừng nở sau Đổi mới.
Thứ tư, tôi thích VCCI về tính tiên phong, dám nghĩ dám làm trong nhiều công việc. Về phương thức tổ chức và hoạt động, VCCI được coi là đơn vị đầu tiên “dám” bỏ bầu sữa ngân sách nhà nước để thực hiện tự chủ về tài chính, chủ động phát triển nhiều dịch vụ tạo nguồn thu, tự tạo lập nền tảng về nguồn lực con người, tài chính và cơ sở vật chất vững chắc để liên tục mở rộng mạng lưới hoạt động ở trong và ngoài nước. Không ít dịch vụ do VCCI “mở màn” ở phía Bắc đã lôi cuốn các đơn vị khác và DN cùng làm, tạo nên nguồn cung ngày càng phong phú các loại hình dịch vụ phục vụ kinh doanh. VCCI cũng luôn là đơn vị đi tiên phong trong các hoạt động góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, đóng góp vào cải cách thể chế, phản biện chính sách, bảo vệ lợi ích chính đáng của DN, tổ chức và vận động DN thực hiện trách nhiệm xã hội, bảo vệ môi trường, đạo đức trong kinh doanh,… theo các chuẩn mực quốc tế.
Năm 1992 – ông Tạ Cả (thứ 3 từ bên trái) – quyền Chủ tịch VCCI, bà Phạm Chi Lan (thứ 2 từ trái sang)
cùng đoàn doanh nghiệp tham dự hội thảo xúc tiến thương mại, đầu tư tại Nhật Bản
Về đối ngoại, với sự ủng hộ của các cơ quan nhà nước có liên quan, VCCI đã chủ động xúc tiến, thúc đẩy giao lưu thương mại với nhiều nước phương Tây kể cả trước khi quan hệ ngoại giao giữa nước ta với họ được chính thức thiết lập, như Nhật Bản, Singapore, Úc, Anh, Đức,… Đặc biệt, VCCI đã góp phần tích cực mở đường trong quan hệ thương mại với Hàn Quốc, Đài Loan, Israel và Mỹ, là bốn địa bàn trước đây do những điều kiện phức tạp nên việc thiết lập quan hệ với họ hết sức khó khăn. Sau khi nước ta gia nhập WTO và ký kết hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) với các nước, VCCI đã nhanh chóng thiết lập các chương trình nghiên cứu, phổ biến thông tin, hướng dẫn DN tham gia thực hiện các cam kết mới và tận dụng các cơ hội mới để cạnh tranh và phát triển.
Được làm việc ở VCCI trong suốt thời gian dài qua các thời kỳ lịch sử của đất nước là một niềm hạnh phúc đối với tôi. Tôi luôn cảm thấy may mắn đã được VCCI đào tạo và trưởng thành, được làm công việc yêu thích và qua đó thực hiện tâm nguyện phụng sự đất nước và nhân dân Việt Nam của mình.
Tôi biết ơn các vị lãnh đạo VCCI cùng tất cả anh chị em đã làm việc trong hệ thống của VCCI và những người đã cộng tác với VCCI qua các thời kỳ đã sát cánh và giúp tôi “lớn lên” trong công việc. Đặc biệt, những nhà lãnh đạo từ thời đầu của VCCI như các ông Dương Văn Đàm, Lê Dũng, Hoàng Trọng Đại ở cương vị Chủ tịch, hay Chủ tịch Đoàn Duy Thành (từ 1993 – 2003) và các ông Nguyễn Tâm, Đoàn Ngọc Bông ở cương vị Tổng Thư ký đã để lại những dấu ấn thật sâu đậm cho VCCI.
Tôi cũng không bao giờ quên ơn các vị lãnh đạo đất nước đã quá cố, từ Thủ tướng Phạm Văn Đồng – người ký quyết định phê chuẩn điều lệ thành lập VCCI, đến Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải đã nâng tầm và tạo thuận lợi cho VCCI thời Đổi mới, cũng như các nhà lãnh đạo tiếp nối sau này đã luôn coi VCCI là một đối tác tin cậy, chung sức thúc đẩy sự phát triển của DN Việt Nam. Không có tầm nhìn của họ chắc khó có VCCI ngày nay.
Phạm Chi Lan
Nguyên Phó Chủ tịch VCCI
Nguồn: Vietnam Business Forum