Nhóm sinh viên Đại học Thủy Lợi sáng tạo làm khẩu trang từ rơm rạ
TGA – Một nhóm sinh viên nữ Đại học Thủy Lợi đã có đề tài “Chế tạo tấm màng Nano sinh học từ rơm rạ, ứng dụng vào sản xuất khẩu trang B-Mask”.
Theo Tạp Chí Sở Hữu Trí Tuệ & Sáng Tạo đưa tin, là nhóm nữ duy nhất tham gia cuộc thi “Sáng tạo trẻ Bách khoa 2020”, nhóm 3 bạn nữ sinh Hoàng Bảo Linh, Phạm Tùng Dương và Hoàng Thị Anh Thư – thuộc Khoa Hóa và Môi trường, Đại học Thủy Lợi đã đưa ra sáng kiến khẩu trang thông minh B-Mask-B-Plastic. Nhóm sinh viên này dùng công nghệ để tách chiết, chế tạo thành công tấm màng nano sinh học từ rơm rạ, có thể ứng dụng vào sản xuất khẩu trang, vừa giúp bảo vệ sức khỏe vừa thân thiện với môi trường.
Đều sinh ra trong gia đình nhà nông, nhóm nghiên cứu nhận thấy rằng sau mỗi mùa vụ, rơm rạ tại các vùng quê được thải ra rất nhiều. Tuy nhiên, cách xử lý hiện nay còn thô sơ, chủ yếu là đốt rơm ủ phân, trồng nấm… Các biện pháp này đều gây ra ô nhiễm thứ cấp hoặc hiệu quả kinh tế chưa cao. Chính vì thế, nhóm đã lên ý tưởng biến những phụ phẩm nông nghiệp thành màng lọc, ứng dụng vào sản xuất khẩu trang.
Theo Trưởng nhóm nghiên cứu – Hoàng Bảo Linh, khẩu trang B-Mask là khẩu trang vải có một lớp màng có thể thay thế, lớp vải bên ngoài sau khi giặt có thể tái sử dụng. Ngoài ra, B-Mask còn có loại đặc biệt dành cho người khiếm thính làm bằng nhựa sinh học. Màng lọc khẩu trang được làm từ vật liệu tự nhiên, không gây độc hại cho người sử dụng. Các tính chất của khẩu trang như hiệu suất lọc bụi, hàm lượng kim loại nặng, vi sinh đã được kiểm tra theo đúng tiêu chuẩn cho phép.
Bên cạnh đó, dự án còn giúp giảm rác thải y tế. Mỗi phút trong ngày thế giới vứt bỏ khoảng 3 triệu chiếc khẩu trang. Rác khẩu trang gây ra các chất độc hại cho môi trường. Trong khi đó, khẩu trang từ rơm rạ không gây hại môi trường bởi chỉ cần thay màng lọc là có thể tái sử dụng.
Đề tài “Chế tạo tấm màng Nano sinh học từ rơm rạ ứng dụng vào sản xuất khẩu trang B-Mask” là 1 trong 6 đề tài lọt vào vòng chung kết và đạt giải Khuyến khích của cuộc thi “Sáng tạo trẻ Bách khoa 2020”. Tại cuộc thi, đề tài của nhóm sáng tạo Hoàng Bảo Linh, Phạm Tùng Dương và Hoàng Thị Anh Thư được Ban Giám khảo đánh giá là có ý tưởng tốt, thức thời.
Báo Lao Động cũng cho biết thêm, mong muốn trong thời gian tới của nhóm có thể ứng dụng sản phẩm ra thị trường. Nhưng do còn thiếu kinh phí nên các sản phẩm vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. Sắp tới, nhóm sẽ tìm kiếm nguồn đầu tư để có thể đưa sản phẩm áp dụng vào thực tế.
Minh Trần(tổng hợp)