NHNN cho phép “đảo nợ”: Khoảng cách từ chính sách đến thực tế còn xa

Thông tư 06/2023 đi vào cuộc sống sẽ vẫn còn khoảng cách lớn, khi các ngân hàng vừa phải có cơ chế giải ngân nhanh, bảo đảm an toàn vốn nhưng chi phí, lãi suất thấp cho người vay thì chưa thấy.

Phân hoá giữa các ngân hàng

Theo Thông tư 06/2023 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), từ ngày 1/9, cá nhân vay mua nhà, mua xe được vay ngân hàng này trả nợ ngân hàng khác bên cạnh các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Theo đó, lãi suất ngân hàng buộc phải hấp dẫn để cạnh tranh nhau nếu muốn hút khách hàng góp phần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.

NHNN cho phép “đảo nợ”: Khoảng cách từ chính sách đến thực tế còn xa

Đã có một số “ông lớn” ngân hàng công bố triển khai chính sách cho khách hàng cá nhân vay vốn với lãi suất thấp để trả nợ trước hạn khoản vay tại ngân hàng khác

Việc cho vay để trả trước hạn khoản vay cũ tại ngân hàng khác sẽ tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh, các ngân hàng phải cân đối để giữ được khách hàng của mình thông qua việc đưa ra mức lãi suất phù hợp. Đồng thời, quy định này sẽ giúp ngân hàng thuận lợi trong việc đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng trong những tháng cuối năm.

Bên cạnh đó, đã có một số “ông lớn” ngân hàng công bố triển khai chính sách cho khách hàng cá nhân vay vốn với lãi suất thấp để trả nợ trước hạn khoản vay tại ngân hàng khác.

Thực tế, Thông tư 06 là một Thông tư nằm trong nhóm giải pháp của NHNN trong việc thúc đẩy tín dụng và nắn dòng chảy tín dụng không vào một số lĩnh vực. Hiện nay, chúng ta đang nhìn thấy một vấn đề đó là lãi suất điều hành đã giảm khá nhiều lần, tuy nhiên đây mới chỉ là lãi suất chính sách. Làm sao để lãi suất điều hành có thể đi vào thị trường là hạ lãi suất cho vay mới là một vấn đề lớn của hệ thống ngân hàng.

Chúng ta đều hiểu, khi không có tăng trưởng tín dụng, đặc biệt không tăng trưởng tín dụng vào những thành phần tốt của nền kinh tế có nhu cầu vay thật, sẽ dẫn đến việc tăng trưởng về cung tiền cũng như tăng trưởng GDP đều bị ảnh hưởng. Chính vì vậy theo góc nhìn của tôi, đây là một giải pháp để hỗ trợ tăng trưởng tín dụng và giúp vòng quay và luồng vốn của hệ thống ngân hàng đến được những nơi có tài sản đảm bảo tốt, những khoản nợ tốt có khả năng trả nợ và làm giảm lãi suất trung bình của nền kinh tế xuống.

Trước đây, theo Thông tư 39 việc “đảo nợ” sẽ chỉ được cho phép nếu đó là khoản vay phục vụ hoạt động kinh doanh. Còn với Thông tư 06 đã dỡ bỏ quy định này và cho phép người có nhu cầu vay của ngân hàng này trả nợ cho ngân hàng khác.

Nhìn từ mặt tích cực sẽ thấy Thông tư khi đi vào triển khai, tạo ra các lợi ích như: Thứ nhất, hỗ trợ tăng trưởng tín dụng vào các lĩnh vực có thể hấp thụ được vốn, cũng như mang lại tăng trưởng kinh tế. Theo số liệu, tháng 7/2023 chúng ta có mức tăng trưởng tín dụng âm và từ đầu năm đến nay mới có 4,56% tăng trưởng tín dụng. Trong khi đó, NHNN định hướng năm 2023 sẽ tăng trưởng tín dụng từ 14-15%, nhưng với các vấn đề khó khăn trước mắt thì mục tiêu này còn nhiều thách thức.

Hiện tại, các ngân hàng bắt đầu có sự phân hóa, một số ngân hàng có chi phí huy động thấp và có điểm CAMEL (gồm mức độ an toàn vốn; chất lượng tài sản; quản trị; thu nhập; và tính thanh khoản) cao sẽ có mức cho vay ưu đãi hơn so với những ngân hàng yếu hơn. Ví dụ Vietcombank áp dụng mức lãi suất cho vay ưu đãi 6,9% một năm trong 6 tháng đầu hoặc 7,5% một năm trong 12 tháng đầu; một số ngân hàng khác như ACB áp dụng lãi suất 8% năm đầu tiên; hay BIDV đưa ra mức lãi suất 6% một năm…

Trong bảng xếp hạng điểm CAMEL, những ngân hàng có điểm tốt sẽ có dư địa để tăng trưởng tín dụng tốt và họ đang rất mong muốn có thể đưa gói lãi suất thấp ra ngoài thị trường.

Thứ hai, định hướng mục tiêu giảm lãi suất cho vay tại những ngân hàng có quản trị tốt. Những ngân hàng quốc doanh hoặc những ngân hàng thương mại lớn có chi phí huy động thấp thì có thể đưa ra các gói lãi suất cho vay ưu đãi.

Thứ ba, kỳ vọng của Thông tư 06 đó là giải quyết tình trạng nợ xấu. Chúng ta đều thấy tình trạng nợ xấu của hệ thống ngân hàng đang có tốc độ tăng trưởng rất cao. Nếu nợ xấu ở một ngân hàng do lãi suất quá cao mà ngân hàng khác có thể có giải pháp cho vay thấp hơn, ưu đãi hơn, hoặc có giải pháp tài chính tốt hơn thì họ được quyền chuyển khoản nợ đó sang ngân hàng khác.

Vì vậy dưới góc nhìn của tôi về mặt chính sách Thông tư 06 nhằm vào ba mục tiêu: một là tăng trưởng tín dụng, hai là giảm lãi suất cho vay và ba là giảm tỷ lệ nợ xấu trong mặt bằng chung của hệ thống ngân hàng.

Một vấn đề đặt ra là, những ngân hàng đang có nợ xấu rồi thì chắc chắn sẽ rất khó chuyển đi các ngân hàng khác. Tuy nhiên các khoản nợ đang tốt lại có thể bị chuyển khiến một số ngân hàng đã yếu lại càng yếu hơn. Do đó, các ngân hàng có hệ thống quản trị tốt sẽ có thêm lợi nhuận do việc cho phép thu hút những khách hàng có các khoản vay trên chuẩn trở thành khách hàng của mình, dẫn đến thị trường ngân hàng có sự biến động và phân hoá.

Chi phí cho vay còn cao

Bên cạnh những mặt tích cực, hoạt động “đảo nợ” này cũng có một số vấn đề cần quan sát. Trên thực tế luôn luôn có độ chênh giữa kỳ vọng của nhà quản lý với thị trường và người có nhu cầu cho vay đảo nợ sẽ phải cân đối giữa các mức lãi suất cho vay ưu đãi.

NHNN cho phép “đảo nợ”: Khoảng cách từ chính sách đến thực tế còn xa

Cũng có nhiều thông tin cho rằng, đi vay ngân hàng này trả nợ ngân hàng kia là không dễ dàng để hưởng lãi suất thấp

Đáng chú ý, ở hệ thống ngân hàng có một phần rất ít được nhắc đến đó là các khoản phí. Đối với khoản vay cũ, người vay cho hoạt động tiêu dùng sẽ phải trả phí phạt trả nợ trước hạn, trung bình khoảng 2% và phí này thu một lần khi tất toán hợp đồng tín dụng trong thời hạn đã ký với ngân hàng cũ. Cùng với đó là phí phạt chuyển đổi nợ từ ngân hàng cũ sang ngân hàng mới.

Tiếp đến, khi chuyển sang ngân hàng mới sẽ phát sinh phí thẩm định tài sản đảm bảo, phí giao dịch đảm bảo và rất nhiều loại phí khác… Đây là một điểm mà người vay định chuyển đổi sẽ cần phải cân nhắc về chi phí tài chính.

Riêng về tài sản đảm bảo, người có nhu cầu vay phải chuyển tài sản thế chấp khác để thế chấp cho ngân hàng cho vay mới, sau đó có dòng tiền để đi tất toán các khoản vay cũ ở ngân hàng ban đầu.

Theo quan điểm cá nhân tôi, nếu so sánh giữa hai khoản vay cũ và mới, người vay có khả năng trả nợ tốt, sẽ khó phát sinh nhu cầu chuyển; cho nên vấn đề sẽ nằm ở việc nếu đó là khoản nợ xấu, thì mới cố gắng chuyển để được một số ưu đãi ban đầu với ngân hàng đang cần tăng trưởng tín dụng.

Gần đây có nhiều thông tin cho rằng, đi vay ngân hàng này trả nợ ngân hàng kia là không dễ dàng để hưởng lãi suất thấp. Chúng ta sẽ nhìn thấy trên thực tế, để Thông tư này khi đi vào cuộc sống vẫn còn khoảng cách rất lớn, đặc biệt trong việc giúp các ngân hàng có cơ chế nào đó để giải ngân nhanh, vừa bảo đảm an toàn cho ngân hàng nhưng thủ tục, chi phí, lãi suất thấp cho người thực sự cần thì chưa thấy.

Ngoài ra, chúng ta cũng cần quan tâm đến một điểm nữa đó là, đối với ngân hàng muốn cho vay thấp thì chi phí huy động cũng phải thấp và càng ngân hàng có thị phần lớn thì chi phí sẽ càng thấp. Nhìn chung, chi phí của năm 2023 ở một số ngân hàng đã lên mức gần 8% cộng với NIM của ngân hàng 3%, sẽ rất khó để họ hạ lãi suất cho vay, đơn cử như OCB 7%, VPBank 7%…

Tôi cho rằng, gốc của vấn đề là cần phải làm là giảm chi phí vốn cho ngân hàng, mà điều đó phụ thuộc vào một luồng thông tin rất ít được quan tâm đó là từ ngày 1/10, tỉ lệ huy động vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn đưa về mức 30%. Nếu quy định chính thức áp dụng thì chi phí của hệ thống ngân hàng sẽ vẫn cao và rất khó trong một môi trường vừa đảm bảo an toàn hệ thống lại vừa hạ lại suất cho vay.

Bài Viết Liên Quan

Back to top button