Nhiều tiềm năng lớn thúc đẩy phát triển du lịch giữa Việt Nam – Trung Quốc
Trung Quốc luôn là thị trường gửi khách hàng đầu của du lịch Việt Nam, chiếm tỉ lệ cao (trung bình khoảng 30%) trong tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam.
Năm 2019, lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam đạt gần 6 triệu lượt, tăng 16,9% so với năm 2018. Riêng đối với Thủ đô Hà Nội, năm 2019, lượng khách du lịch Trung Quốc (có lưu trú) đến đạt gần 0,8 triệu lượt, chiếm 16% tổng khách quốc tế đến Hà Nội. Trong 10 tháng năm 2023, lượng khách du lịch Trung Quốc (có lưu trú) đến đạt gần 210 nghìn lượt, chiếm gần 10% tổng lượng khách quốc tế đến Hà Nội.
Việt Nam là một trong 5 thị trường nước ngoài gửi nhiều khách tới Trung Quốc. Theo số liệu của Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc, năm 2019, có gần 8 triệu lượt khách Việt Nam đến Trung Quốc bao gồm cả khách du lịch trong ngày xuất biên nhập biên.
Do tình hình dịch bệnh COVID-19 và các biện pháp hạn chế đi lại được áp dụng với thị trường Trung Quốc từ ngày 31/1/2020, trao đổi khách du lịch giữa hai nước bị ngưng trệ. Trung Quốc áp dụng mở cửa trở lại cho phép đón khách du lịch quốc tế từ ngày 8/1/2023 và với nỗ lực hợp tác từ hai bên, Trung Quốc đã bổ sung Việt Nam vào danh sách thí điểm trên từ ngày 15/3/2023. Theo đó, 10 tháng năm 2023, Việt Nam đón gần 1,3 triệu lượt khách Trung Quốc đến tham quan du lịch.
Nhằm khai thác hiệu quả hợp tác song phương tương xứng với tiềm năng sẵn có hai bên, việc tăng cường thúc đẩy, làm sâu sắc, hiệu quả thiết thực hơn nữa mối quan hệ hợp tác toàn diện giữa các tỉnh, thành phố dọc hành lang kinh tế giữa hai bên là vô cùng cần thiết.
“Hai quốc gia, sáu điểm đến”
Tại Hội nghị hợp tác hành lang kinh tế 5 tỉnh, thành phố Lào Cai, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh (Việt Nam) và Vân Nam (Trung Quốc) lần thứ X năm 2023, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang đề nghị, hai bên tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp lữ hành thuộc các tỉnh, thành phố trong hành lang kinh tế về cơ chế chính sách, thủ tục hành chính về xuất nhập cảnh nhằm tạo điều kiện hơn nữa cho khách du lịch đi lại giữa hai nước; tăng cường phối hợp quảng bá, xúc tiến du lịch chung thông qua mời các đoàn doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, báo chí hai bên tham quan khảo sát các điểm đến du lịch; tham dự hội chợ, hội thảo du lịch chuyên đề do các tỉnh, thành phố hai bên tổ chức.
Đặc biệt, hai bên tăng cường trao đổi kinh nghiệm quản lý Nhà nước về du lịch; hỗ trợ nhau trong công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực du lịch về quản lý, điều hành du lịch, xây dựng sản phẩm du lịch, hướng dẫn viên du lịch tiếng Trung Quốc và tiếng Việt Nam; trong đó trọng tâm là nghiên cứu hoàn thiện và triển khai chương trình (tour) du lịch kiểu mẫu “Hai quốc gia, sáu điểm đến”.
Bên cạnh đó, hai địa phương phát triển tuyến du lịch bền vững nhằm thu hút khách du lịch “Côn Minh – Châu Hồng Hà (Trung Quốc) – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh (Việt Nam); Khuyến khích hình thành các liên minh kích cầu giữa doanh nghiệp du lịch hai bên để xây dựng các tour du lịch theo tuyến Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh – Lào Cai – Vân Nam có chất lượng cao và giá cạnh tranh trên nguyên tắc bình đẳng và cùng có lợi.
Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cũng khẳng định: “Thành phố Hà Nội cam kết chủ động, tích cực tham gia vào các chương trình quảng bá du lịch đối ứng với hành lang kinh tế 5 tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, Lào Cai (Việt Nam) với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) và các hoạt động xúc tiến du lịch quốc tế khác, trong đó chúng tôi sẽ nghiên cứu để báo cáo Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức các chương trình quảng bá, xúc tiến sản phẩm du lịch tại tỉnh Vân Nam, Trung Quốc”.
Tăng cường hợp tác Việt – Trung
Trên cơ sở đó, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội đề xuất một số biện pháp tăng cường hợp tác hiệu quả thiết thực hơn nữa các tỉnh, thành phố dọc hành lang kinh tế giữa hai bên.
Về văn hóa, bà Đặng Hương Giang cho rằng, hai bên cần tăng cường hoạt động trao đổi đoàn nhằm chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý văn hoá; bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hoá; bảo tàng, thư viện, điện ảnh; phát huy nguồn lực văn hoá xây dựng thành phố sáng tạo giữa hai Thành phố.
Về hợp tác du lịch, hai bên tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp lữ hành thuộc các tỉnh, thành phố trong hành lang kinh tế về cơ chế chính sách, thủ tục hành chính về xuất nhập cảnh nhằm tạo điều kiện hơn nữa cho khách du lịch đi lại giữa hai nước, cũng như trao đổi kinh nghiệm quản lý nhà nước về du lịch…
Về hợp tác y tế, hai bên có thể tăng cường hỗ trợ, hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý nhà nước, cung ứng dịch vụ y tế công, xây dựng chính sách, chiến lược, các giải pháp điều hành; phối hợp xây dựng cơ chế liên kết, hợp tác giữa các bệnh viện lớn, uy tín ở Thành phố Hà Nội và với các bệnh viện địa phương trong hành lang kinh tế Việt – Trung, xây dựng các đề án bệnh viện vệ tinh theo chuyên ngành…
Các đại biểu từ tỉnh Vân Nam chia sẻ dù có nhiều tiềm năng, lợi thế và sự nỗ lực vượt bậc trong triển khai các hợp tác giữa các bên, nhưng thực tế vẫn còn chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có, năng lực của địa phương cũng như chưa đạt được nhu cầu mà hành lang kinh tế đặt ra, đồng thời đề xuất tăng cường các hoạt động trao đổi đoàn, chương trình và cơ chế hợp tác cụ thể hơn nữa.
Qua đó, Hội nghị cũng đã thảo luận đưa ra các đề xuất, kiến nghị hợp tác mới, thiết thực, phù hợp với tình hình thực tế. Đây sẽ là cơ sở quan trọng để các cơ quan, ngành hữu quan của tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) và các tỉnh, thành phố (Việt Nam) dọc tuyến hành lang kinh tế tiếp tục nghiên cứu cơ chế, chính sách phù hợp, phối hợp triển khai thực hiện hiệu quả và thực chất hơn nữa các nội dung và dự án hợp tác trong bối cảnh và tình hình mới.