Nhiều mô hình, cách làm hay giảm nghèo ở Đắk Nông
Tỉnh Đắk Nông có nhiều mô hình, cách làm hay để đạt các chỉ tiêu giảm nghèo bền vững...
Huyện biên giới Tuy Đức
Huyện Tuy Đức là huyện biên giới, huyện nghèo ở tỉnh Đắk Nông. Địa phương đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát huy tối đa mọi nguồn lực, triển khai hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững.
Năm 2024, gia đình chị Thị Uyên, bon Bu N’Đơr B, xã Quảng Tâm được hỗ trợ 1 con bò để tạo sinh kế chăn nuôi. Nhờ chăm sóc tốt, đến nay, bò đã đẻ được 1 bê con. Chị Thị Uyên thuộc hộ nghèo của xã nhiều năm liền do thiếu đất đai sản xuất, chủ yếu làm thuê cuốc mướn. Việc hỗ trợ bò đã giúp gia đình chị Thị Uyên có thêm động lực để vươn lên trong cuộc sống. Chị Thị Uyên cho biết: “Con bò là tài sản lớn giúp tôi có thêm điều kiện để vươn lên trong cuộc sống. Chúng tôi cố gắng chăn nuôi tốt để bò sinh sản thêm nhiều bê con hơn”.
Chị Thị Uyên, bon Bu N’Đơr B, xã Quảng Tâm,huyện Tuy Đức được hỗ trợ 1 con bò để tạo sinh kế chăn nuôi
Không chỉ hỗ trợ bò để phát triển chăn nuôi, nhiều hộ dân ở bon Bu N’Đơr B còn được hỗ trợ làm nhà ở, tư liệu sản xuất. Bà Thị Hớch là một trong những hộ được hỗ trợ xây dựng nhà ở cuối năm 2023. Căn nhà có diện tích khoảng 45 – 50m2, rộng rãi, kiên cố, sạch sẽ với số tiền khoảng 120 triệu đồng, trong đó, xã hỗ trợ 44 triệu đồng. “Nhiều năm sống trong căn nhà xuống cấp, không an toàn nên gia đình luôn mơ ước làm được căn nhà mới. Mấy tháng nay, được ở trong căn nhà mới kiên cố, gia đình tôi yên tâm để lao động sản xuất, không lo trời mưa hay nắng”.
Theo ông Đoàn Văn Hiền, Bí thư Chi bộ bon Bu N’Đơr B, trên cơ sở các kế hoạch của Đảng ủy xã, chi bộ đã xây dựng phương án phân công đảng viên phụ trách nhóm hộ gia đình DTTS để giúp bà con thoát nghèo. Năm 2023, chi bộ có 10 nhóm tổng 120 hộ, trong đó 99 hộ DTTS tại chỗ. Các đảng viên có trách nhiệm giúp đỡ, hướng dẫn người dân phát huy hiệu quả các nguồn hỗ trợ từ các chương trình, dự án về phát triển sản xuất, xây dựng nhà ở…
Cấp ủy, chính quyền, đoàn thể Đắk Nông luôn coi giảm nghèo là nhiệm vụ hàng đầu
Toàn bon hiện còn 69 hộ nghèo, giảm 51 hộ so với năm 2022, trong đó có 38 hộ DTTS tại chỗ. “Chúng tôi quan điểm không chạy theo thành tích mà chủ yếu để đồng bào DTTS tự giác, chăm chỉ lo làm ăn, thoát nghèo để phục vụ xây dựng nông thôn mới, phát triển chung của địa phương”, ông Hiền cho biết.
Nhiều hộ nghèo ở xã Quảng Tâm, huyện Tuy Đức được hỗ trợ sinh kế, khoa học kỹ thuật để áp dụng vào thực tế sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng cây trồng
Theo Đảng ủy xã Quảng Tâm, thực hiện Nghị quyết số 06 của Huyện ủy, Đảng ủy xã ban hành Kế hoạch số 36 để triển khai thực hiện. Qua hai năm thực hiện, hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS tại chỗ của bon Bu N’Đơr B đã giảm, đạt chỉ tiêu nghị quyết đề ra.
Bài học rút ra qua 2 năm thực hiện Nghị quyết số 06 của Đảng ủy xã Quảng Tâm đó là cần có sự lãnh đạo trực tiếp và sâu sát của cấp ủy, chi bộ, nhất là vai trò của người đứng đầu và đảng viên đối với mỗi nhiệm vụ, phần việc cụ thể.
Bên cạnh đó, Đảng ủy đã phân công các Đảng ủy viên, đảng viên trong chi bộ trực tiếp phân công giúp đỡ các hộ nghèo trong phát triển kinh tế, xóa nghèo bền vững. Xã chủ trương, các nguồn lực hỗ trợ cần tập trung, ưu tiên cho đồng bào DTTS tại bon Bu N’Đơr B. Quá trình triển khai thực hiện, các ban, tổ chức đoàn thể được giao nhiệm vụ đều phải thực địa cơ sở, phân tích được tình hình nguyên nhân nghèo của mỗi hộ.
Trên cơ sở đó, địa phương mới có sự hỗ trợ đúng người dân cần về đất sản xuất, nhà ở hay phương tiện, tư liệu sản xuất để xây dựng kế hoạch, chương trình hành động sát, phù hợp thực tế của bà con.
Quyết tâm giảm nghèo bền vững
Theo TUV, Bí thư Huyện ủy Tuy Đức Dương Huy Toàn, công tác bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện trong nhiệm kỳ 2020 – 2025.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, Ban Thường vụ Huyện ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã tập trung chỉ đạo các cấp, ngành huy động, lồng ghép mọi nguồn lực của Trung ương, địa phương; đồng thời kết hợp chặt chẽ giữa chính sách giảm nghèo với phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, đoàn thể Đắk Nông luôn quan tâm công tác giảm nghèo bền vững
Nhiều mô hình hiệu quả
Nghề trồng dâu nuôi tằm được đánh giá là mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, giúp nhiều người dân xã Quảng Khê, huyện Đắk Glong (tỉnh Đắk Nông) thoát nghèo. Gia đình chị Đoàn Thị Út Cưng, thôn Đắk Lang, xã Quảng Khê đã đầu tư trồng dâu nuôi tằm với diện tích 1ha dâu và 3 hộp tằm/lứa. Sau 2 năm triển khai mô hình, nghề trồng dâu nuôi tằm cũng đã giúp gia đình chị Cưng thoát khỏi danh sách hộ nghèo của địa phương.
Trồng dâu nuôi tằm mô hình giảm nghèo hiệu quả ở Đắk Nông
Chị Đoàn Thị Út Cưng chia sẻ, nhờ áp dụng quy trình trồng, thâm canh giống dâu mới và kỹ thuật nuôi tằm chất lượng cao, bình quân mỗi hộp chị thu được khoảng 60kg kén. Ngoài ra, phân tằm được gia đình tận dụng để bón cho cây dâu, nhờ đó mà mỗi năm gia đình tiết kiệm được một khoản chi phí đầu tư mua phân bón.
Theo UBND xã Quảng Khê, năm 2020, trên địa bàn xã chỉ có vài hộ trồng dâu nuôi tằm với quy mô nhỏ. Đến nay, toàn xã đã có trên 100 hộ nuôi với diện tích trồng dâu hơn 50ha. So với nhiều loại cây trồng khác, chi phí đầu tư trồng dâu thấp, nuôi tằm nhanh cho thu hoạch, giá kén tương đối ổn định nên nghề trồng dâu nuôi tằm được đánh giá là giúp giảm nghèo nhanh, bền vững.
Theo ông Hoàng Viết Nam, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh-Xã hội Đắk Nông, ngoài Tuy Đức, những năm qua, nhiều địa phương, ngành, đoàn thể tỉnh đã có những cách làm hay, nhiều mô hình để giúp người dân xóa nghèo bền vững. Các mô hình về hỗ trợ sinh kế, tập huấn kỹ thuật cho bà con như bò giống, trồng dâu nuôi tằm, trồng mắc-ca, chăm sóc cây công nghiệp chủ lực cà phê, hồ tiêu, chăn nuôi gia cầm, hỗ trợ vốn vay ưu đãi từ ngân hàng chính sách xã hội. Nhiều cấp ủy Đảng ở cơ sở thực hiện cụ thể mục tiêu giảm nghèo vào nghị quyết, phân công cấp ủy, nhóm đảng viên hướng dẫn, hỗ trợ để hộ nghèo thoát nghèo bền vững. Cụ thể như mô hình “5 đảng viên giúp 1 hộ nghèo” thoát nghèo ở huyện Đắk Song, hay mô hình trồng dâu nuôi tằm ở huyện Đắk Glong.
“Giảm nghèo bền vững không chỉ là việc của các cấp, ngành, hệ thống chính trị mà nó là trách nhiệm của mỗi người dân đối với cuộc sống của chính mình. Do đó, bên cạnh lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ, Đắk Nông sẽ tăng cường tuyên truyền, khơi dậy ý thức thoát nghèo, tự lực vươn lên cho người dân”, ông Hoàng Viết Nam cho hay.
Nguyễn Tây