Nhiều hàng rong, ít hoạt động giải trí ở phố đi bộ Nguyễn Huệ

Nhiều hàng rong, ít hoạt động giải trí ở phố đi bộ Nguyễn HuệNgười bán hàng rong quá nhiều trong khi hoạt động vui chơi lại ít là những chia sẻ thường gặp của du khách khi được hỏi về phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1, TP.HCM).

Nhiều hàng rong, ít hoạt động giải trí ở phố đi bộ Nguyễn Huệ
Những gánh hàng rong biến phố đi bộ hiện đại trở thành chợ quê. Ảnh: Linh Huỳnh.

Một số du khách lần đầu tới Nguyễn Huệ bày tỏ sự bất ngờ khi phố đi bộ lại được nhiều người bán hàng rong “xí chỗ”, bày nhiều ghế nhựa cho khách ngồi ăn uống như những hàng quán vỉa hè.

Nicholas Van Driessche, nam du khách 30 tuổi đến từ Bỉ, chia sẻ: “Tôi đến từ châu Âu, cơ thể vốn không quen thuộc với thực phẩm nơi đây nên sợ việc ăn đồ không rõ nguồn gốc sẽ gây bệnh”.

Hàng rong xô bồ, nhếch nhác

Trao đổi với Zing, Lệ An (du khách đến từ Hà Nội) cho biết mình rất thích phố đi bộ Nguyễn Huệ. Nơi đây mang đến cho chị cảm giác thảnh thơi giữa lòng thành phố, một khoảng nghỉ cho tâm hồn sau một ngày dài.

Nhiều hàng rong, ít hoạt động giải trí ở phố đi bộ Nguyễn Huệ
Phố đi bộ Nguyễn Huệ trở thành phố ẩm thực vì quá nhiều hàng rong được bày bán. Ảnh: Linh Huỳnh.

Du khách này cho rằng không nên bày bán hàng rong trên phố đi bộ vì gây mất mỹ quan đô thị, tạo ra hình ảnh ăn uống xô bồ, bẩn thỉu. “Nếu người dân thích ăn thì tự mang đồ ăn, tự gói ghém và vứt vào thùng rác sau khi ăn xong”, Lệ An chia sẻ.

Chị cho biết gia đình mình đã tự chuẩn bị vài món ăn nhẹ, thức uống mang ra phố đi bộ để cả nhà có thể ăn uống và trò chuyện sau khi dạo chơi.

Nhiều hàng rong, ít hoạt động giải trí ở phố đi bộ Nguyễn Huệ
Hàng rong được thiết kế theo dạng xe đẩy nhỏ. Khi lực lượng chức năng đi tuần, người bán sẽ nhanh chóng đẩy xe đi. Ảnh: Linh Huỳnh.

Tuyết Nhi (19 tuổi, ngụ quận 5) và hai người bạn của mình cũng bày tỏ thái độ không đồng tình với việc bày bán hàng rong tràn lan trên phố đi bộ Nguyễn Huệ. Tình trạng các hàng quán bày bán ở nơi công cộng như vậy gây ảnh hưởng đến trải nghiệm của khách tham quan. Ba bạn trẻ cho biết không bao giờ mua hàng ở các xe đẩy vì lo ngại về vấn đề an toàn thực phẩm.

Theo Tuyết Nhi, lực lượng quản lý đô thị nên quy hoạch một khu vực riêng biệt để bán hàng và kiểm soát chất lượng của các sản phẩm được bày bán. Việc bày khắp nơi như bây giờ làm thu hẹp không gian vui chơi, tham quan của du khách.

Thiếu hoạt động vui chơi, trải nghiệm

Chị Lệ An chia sẻ: “Ở Hà Nội, các phố đi bộ vào buổi tối thường có những chương biểu diễn nghệ thuật, văn hóa dân gian. Nếu phố đi bộ Nguyễn Huệ cũng có các chương trình như vậy sẽ vừa mang lại không gian giải trí, vừa quảng bá văn hóa nghệ thuật nước ta đến với mọi người”.

Nicholas cho biết trong một tuần ở TP.HCM, tối nào anh cũng ra phố đi bộ ngồi thư giãn, lặng nhìn dòng người qua lại. “Không khí ở đây rất riêng biệt, mọi người tận hưởng không gian của chính mình giữa con phố đông đúc này. Thỉnh thoảng có một số nhóm trẻ chơi nhạc tự phát, trông khá vui. Nhưng không phải bạn nào cũng hát hay”, nam du khách chia sẻ.

Nhiều hàng rong, ít hoạt động giải trí ở phố đi bộ Nguyễn Huệ
Nicholas (du khách Bỉ) rất thích ngồi thư giãn ở phố đi bộ Nguyễn Huệ vào buổi tối. Ảnh: Linh Huỳnh.

Nicholas cho biết thêm phố đi bộ ở Bỉ cũng thường có những ban nhạc, nhóm nhảy đường phố biểu diễn, nhưng trình độ nghệ thuật khá cao. Nếu phố đi bộ Nguyễn Huệ tổ chức thêm các chương trình biểu diễn nghệ thuật đường phố, chắc chắn nơi này sẽ thu hút thêm nhiều khách du lịch đến trải nghiệm.

“TP.HCM là một nơi an toàn, đường phố liên tục được quét dọn rất sạch sẽ, con người ở đây rất thân thiện, tôi sẽ quay trở lại đây”, Nicholas nói.

63 tỉnh thành trong nước chứa đựng vô số điểm đến đa dạng về văn hóa, độc đáo về lịch sử. Zing giới thiệu tới bạn đọc những trang sách về hành trình khám phá Việt Nam.

> Xem thêm: Tủ sách du lịch Việt Nam

Nguồn: zingnews.vn

Bài Viết Liên Quan

Back to top button