Nhiều giải pháp bù khoản lỗ của EVN ngoài việc tăng giá điện
Việc điều chỉnh giá điện sẽ được tính toán, đánh giá, cân nhắc đầy đủ tác động đến lạm phát, đời sống người dân và điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ.
Tại họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 02/02, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã làm rõ việc cập nhật tiến độ đánh giá tác động về điều chỉnh giá điện hiện nay.
Xung quanh câu hỏi về việc điều chỉnh giá điện, cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân hiện nay, ông Đỗ Thắng Hải cho biết đã được thực hiện theo quy định tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ.
Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng cho biết, EVN đã đề xuất một số giải pháp khác ngoài tăng giá điện để đảm bảo cân bằng kết quả sản xuất kinh doanh năm 2022 lỗ khoảng 31.000 tỷ đồng.
Theo đó, “nếu thông số đầu vào thay đổi làm giá bán lẻ điện bình quân tính toán tăng từ 3% trở lên thì giá điện được phép điều chỉnh tăng, nếu giảm thì giá điện được điều chỉnh giảm. Do giá điện có tác động lớn đến kinh tế vĩ mô và đời sống người dân nên tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg cũng đã quy định việc báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét có ý kiến về phương án điều chỉnh giá điện trước khi thực hiện” Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.
Cụ thể, EVN cần khẩn trương hoàn thành báo cáo quyết toán chi phí sản xuất kinh điện năm 2022, thuê các đơn vị kiểm toán độc lập thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính năm 2022 của EVN và các đơn vị thành viên để đoàn kiểm tra liên bộ (gồm Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan) kiểm tra và công bố công khai chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2022. Trên cơ sở kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2022, kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện năm 2023 đã được Bộ Công Thương phê duyệt tại Quyết định số 2976/QĐ-BCT ngày 30/12/2022, EVN ước kết quả sản xuất kinh doanh điện trong năm 2023 và tính toán giá bán điện bình quân.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ Công Thương cũng yêu cầu EVN phối hợp với các cơ quan liên quan (Tổng cục Thống kê) để đánh giá kỹ các tác động đến tình hình kinh tế vĩ mô và các nhóm khách hàng sử dụng điện để đề xuất lộ trình điều chỉnh giá bán lẻ điện năm 2023 và mức độ điều chỉnh phù hợp, đảm bảo ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội. Trên cơ sở báo cáo của EVN về đề xuất điều chỉnh phương án điều chỉnh giá điện, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, cơ quan liên quan để kiểm tra, rà soát đề xuất của EVN.
“Việc điều chỉnh giá điện sẽ được tính toán, đánh giá, cân nhắc đầy đủ tác động đến lạm phát, đời sống người dân và điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ. Mức điều chỉnh và thời điểm điều chỉnh sẽ được quyết định trong khung giá của mức bán lẻ điện bình quân do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và phải phù hợp theo thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương và EVN trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ” Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định.
Về xử lý khoản lỗ của EVN, theo báo cáo của EVN, dự kiến kết quả sản xuất kinh doanh năm 2022 lỗ khoảng 31.000 tỷ đồng. Để đảm bảo cân bằng tài chính cho EVN, Thủ tướng Chính phủ đã giao Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phối hợp các Bộ ngành, cơ quan liên quan rà soát đề xuất các giải pháp ngoài phương án điều chỉnh giá điện.
Thực hiện chỉ đạo của Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, EVN đã đề xuất một số giải pháp khác ngoài giải pháp tăng giá điện để đảm bảo cân bằng kết quả sản xuất kinh doanh năm 2022 và các năm tiếp theo của EVN để tạo điều kiện cho EVN tháo gỡ các khó khăn tài chính và đảm bảo cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế xã hội trong giai đoạn tới.
Hiện nay, Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đang chủ trì, phối hợp với các Bộ ngành rà soát, xử lý các giải pháp do EVN đề xuất để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.