Nhật Bản bỏ lãi suất âm và con đường bình thường hoá chính sách
Ngân hàng trung ương Nhật Bản cho rằng, có sự không chắc chắn xung quanh các hoạt động kinh tế và giá cả của đất nước, nên sẽ gặp nhiều vấn đề trong việc bình thường hóa lãi suất.
Mới đây, ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) đã thực hiện bước đi đầu tiên trong việc chấm dứt kỷ nguyên tiền rẻ chưa từng có, khi từ bỏ chính sách lãi suất âm kéo dài 8 năm. Các biện pháp được đưa ra nhằm nỗ lực khắc phục tình trạng giảm phát tại quốc gia này.
BoJ cũng bãi bỏ chính sách giới hạn lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm ở mức 1% và sẽ không mua các quỹ giao dịch trao đổi và quỹ tín thác đầu tư bất động sản nữa. Giới phân tích nhìn nhận, về hình thức, việc chi phí đi vay trở lại dương là một sự kiện mang tính bước ngoặt trong nỗ lực kéo dài hàng thập kỷ của Nhật Bản, nhằm khắc phục thiệt hại do vụ nổ “bong bóng” tài sản cuối những năm 1980 gây ra.
Sự kết thúc của chế độ lãi suất âm – một công cụ hoạch định chính sách cấp tiến, nhưng những nghi ngờ về tính hiệu quả của chính sách này ngày càng gia tăng trong những năm gần đây. Đặc biệt khi lạm phát bắt đầu tăng mạnh do các cú sốc về nguồn cung gây ra bởi đại dịch Covid-19 và cuộc xung đột Nga – Ukraine.
Có thể thấy, sự thay đổi chính sách của BoJ là rất đáng chú ý, nó không chỉ cho thấy ngân hàng trung ương ngày càng tự tin rằng họ có thể đạt được mục tiêu lạm phát 2% một cách bền vững, mà còn củng cố sự phục hồi mạnh mẽ của chứng khoán Nhật Bản, khiến chỉ số Nikkei 225 đã tăng lên mạnh mẽ.
Các nhà đầu tư nước ngoài, những người đang thúc đẩy sự phục hồi của thị trường chứng khoán tin rằng Nhật Bản đã quay trở lại. Trong một báo cáo được công bố vào ngày 19/3, Morgan Stanley cho biết: “BoJ có thể cần thêm thời gian để có sự điều chỉnh đặc biệt về chính sách tiền tệ nhờ môi trường kinh tế vĩ mô được cải thiện, đặc trưng bởi một chu kỳ lành mạnh của tăng trưởng GDP danh nghĩa, tiền lương, giá cả và lợi nhuận doanh nghiệp”.
Còn theo Bank of America, mặc dù Nhật Bản vẫn sẽ là thị trường được các nhà đầu tư lựa chọn ở châu Á, nhưng sự không chắc chắn về triển vọng tăng trưởng và lạm phát vẫn tồn tại.
Các chuyên gia kinh tế đánh giá, sau những thay đổi về chính sách lãi suất, thì chính ngân hàng trung ương và Chính phủ Nhật Bản là hai trong số các đối tượng bị thiệt hại tài chính nhiều nhất. Với Chính phủ Nhật Bản, lãi suất cho vay tăng sẽ ảnh hưởng tới bảng cân đối tài chính khi đất nước này có nợ công cao nhất trong nhóm các nền kinh tế phát triển, với quy mô gấp hơn hai lần GDP. Còn với BoJ, khi lãi suất tăng lên, ngân hàng này sẽ phải trả lãi cho khoản tiền dự trữ của các ngân hàng thương mại.
Ngoài ra, lãi suất ngắn hạn tăng lên cũng gây áp lực tăng lợi suất trái phiếu chính phủ, từ đó khiến kho trái phiếu chính phủ khổng lồ mà BoJ đang nắm giữ chịu lỗ trên sổ sách. Hiện tại, ngân hàng này đang nắm giữ lượng trái phiếu chính phủ lớn hơn sản lượng của nền kinh tế trong một năm.
Ở chiều ngược lại, các tổ chức tài chính được hưởng lợi lớn khi lãi suất tăng, đặc biệt là các ngân hàng thương mại trong dài hạn.
BoJ nhấn mạnh rằng, việc thoát khỏi chính sách “siêu lỏng lẻo” sẽ diễn ra dần dần và không thể so sánh được với sự gia tăng mạnh mẽ về chi phí đi vay ở Hoa Kỳ hay khu vực đồng Euro. Ngân hàng trung ương cho biết, có sự không chắc chắn rất cao xung quanh hoạt động kinh tế và giá cả, Nhật Bản sẽ gặp nhiều vấn đề trong việc bình thường hóa lãi suất.
Hiện Nhật Bản vẫn phải đối mặt với các vấn đề về cơ cấu như suy giảm nhân khẩu học, gánh nặng nợ công và tốc độ tăng trưởng yếu kéo dài. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán, nền kinh tế này sẽ chậm lại trong năm nay khi các yếu tố hỗ trợ tăng trưởng vào năm 2023 suy giảm.
Tuy nhiên, BoJ chấm dứt lãi suất âm vào thời điểm này cũng được cho là khá thích hợp, khi khoảng cách giữa lãi suất trái phiếu Nhật Bản và Mỹ vẫn còn lớn, duy trì áp lực giảm giá đối với đồng Yên và góp phần gây lạm phát. Mặc dù tình trạng giảm phát đã được khắc phục, nhưng nhiệm vụ bình thường hóa chính sách có thể còn khó khăn.
Theo SCMP, nhà phân tích tài chính Jesper Koll lưu ý, đánh bại giảm phát vẫn là sứ mệnh bao trùm của BoJ, nhưng thách thức phải đối mặt trong những tháng tới chính là bình thường hóa chính sách. “Rõ ràng Nhật Bản có rất ít sự lựa chọn ngoài việc tiến hành một cách thận trọng trong việc thoát khỏi chính sách khác thường. Tỷ lệ âm đến nay đã là quá khứ, con đường bình thường hóa chính sách sẽ còn dài và gập ghềnh”.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn