Nhanh chóng gỡ nút thắt hoàn thuế cho doanh nghiệp

Cộng đồng doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn, từ vay tiền ngân hàng đến dòng vốn bị kẹt ở khách hàng, ở cơ quan thuế… Vì vậy, tình trạng này cần phải được giải quyết nhanh chóng.

Đọng vốn vì chậm hoàn thuế

Từ đầu năm đến nay, nhiều doanh nghiệp trên cả nước phải đối mặt với khó khăn về tài chính khi đơn hàng giảm mạnh, thu nhập doanh nghiệp bị ảnh hưởng dẫn đến nguồn ngân sách duy trì sản xuất ngày càng cạn kiệt. Bên cạnh việc tiếp cận các nguồn vốn còn gặp nhiều trở ngại, thì việc hoàn thuế GTGT cũng khiến doanh nghiệp lao đao.

Nhanh chóng gỡ nút thắt hoàn thuế cho doanh nghiệp

Cơ quan thuế phải làm đúng theo quy định của luật quản lý thuế và những văn bản hướng dẫn của ngành trong việc hoàn thuế GTGT

LS. Phạm Ngọc Hưng,Trưởng VP Luật sư Phạm Hưng chia sẻ, nhiều doanh nghiệp phàn nàn về việc hoàn thuế chậm ngay cả khi trong Luật quản lý thuế đã có quy định rõ về việc hoàn thuế trước kiểm tra sau, đó là doanh nghiệp nộp đủ hồ sơ trong vòng 6 ngày sẽ phải hoàn thuế. Trừ một số trường hợp đặc biệt trong luật quy định là phải kiểm tra trước, hoàn thuế sau thì cũng có một khoảng thời gian để xác minh là khoảng 40 ngày, còn nếu hoàn thuế chậm sẽ phải tính lãi.

“Đối với những trường hợp hoàn thuế chậm, cơ quan thuế cho biết cần phải xác minh, nhưng việc xác minh này lại không khả thi. Ví dụ trong một tháng, doanh nghiệp xuất 30 containers hàng cho 30 khách hàng khác nhau, thì làm sao cơ quan thuế có thể xác minh là có xuất thật hay không? Đặc biệt các doanh nghiệp xuất hàng đi Trung Quốc bị nghi ngờ là xuất giả, sau đó cũng phải xác minh, trong khi điều kiện của cơ quan thuế hiện nay là không thể thực hiện.

Vậy khi doanh nghiệp xuất cả ngàn containers hàng, mà cơ quan thuế không xác minh được và không hoàn thuế thì làm sao các doanh nghiệp có đồng vốn quay vòng nhanh chóng, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Ngược lại, các doanh nghiệp nộp thuế chậm sẽ bị phạt tiền nộp chậm”, LS. Phạm Ngọc Hưng nói.

Có thể thấy, thời điểm hiện tại cộng đồng doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn, từ vay tiền ngân hàng, đến dòng vốn bị kẹt ở khách hàng, ở cơ quan thuế… Vì vậy, tình trạng này cần phải được giải quyết nhanh chóng, khơi thông dòng tiền và những ách tắc về thủ tục hành chính, để tạo đà phát triển cho các tháng cuối năm.

Trong 7 tháng đầu năm 2023 (tính đến hết ngày 27/7/2023), cơ quan thuế cả nước số đã ban hành 9.800 quyết định hoàn thuế GTGT, tương ứng số thuế đã hoàn 70.356 tỷ đồng.

Giải đáp thắc mắc về tình trạng trên, Bộ Tài chính cho biết, qua công tác rà soát các hồ sơ thuộc diện kiểm tra trước hoàn thuế sau (hồ sơ hoàn thuế lần đầu, hồ sơ của người nộp thuế trong thời hạn 2 năm kể từ thời điểm bị xử lý về hành vi trốn thuế; Hồ sơ rủi ro cao theo phân loại quản lý rủi ro …), cơ quan thuế phát hiện một số hồ sơ đề nghị hoàn thuế có đầu vào đề nghị hoàn là các hóa đơn GTGT hàng hóa, dịch vụ mua của các doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế và hóa đơn. Do vậy, cơ quan thuế cần thực hiện các biện pháp kiểm tra, xác minh, đối chiếu để xác định số thuế GTGT đủ điều kiện hoàn thuế, kiểm soát chặt chẽ tránh gian lận, thất thoát ngân sách nhà nước.

Đối với số thuế đã có kết quả kiểm tra, xác minh thì cơ quan thuế kịp thời giải quyết hoàn thuế cho người nộp thuế theo quy định tại Điều 34 Thông tư số 80/2021/TT-BTC ngày 29/9/2021 của Bộ Tài chính, không chờ xác minh toàn bộ mới giải quyết hoàn thuế.

“Công tác hoàn thuế GTGT để hỗ trợ doanh nghiệp về nguồn vốn trong sản xuất kinh doanh luôn nhận được sự quan tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Thời gian qua Bộ Tài chính đã nhận được nhiều văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác giải quyết hoàn thuế GTGT.

Theo đó, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Thuế khẩn trương, quyết liệt có văn bản chỉ đạo các Cục Thuế trong công tác hoàn thuế GTGT đảm bảo giải quyết hồ sơ hoàn thuế cho doanh nghiệp theo đúng quy định. Trường hợp có vướng mắc thì thực hiện đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp để có biện pháp tháo gỡ và giải thích cụ thể”, Bộ Tài chính thông tin.

Giải pháp đẩy nhanh tiến độ hoàn thuế

Về giải pháp tháo gỡ các vướng mắc này, LS. Phạm Ngọc Hưng khuyến nghị, đầu tiên, cơ quan thuế phải làm đúng theo quy định của luật quản lý thuế và những văn bản hướng dẫn của ngành.

Nhanh chóng gỡ nút thắt hoàn thuế cho doanh nghiệp
LS. Phạm Ngọc Hưng

Cơ quan thuế luôn luôn phải là một “người bạn đồng hành” hỗ trợ doanh nghiệp trong việc kinh doanh, xuất nhập khẩu đặc biệt khi lĩnh vực xuất nhập khẩu của Việt Nam đang khó khăn về các đơn hàng.

“Đối với trường hợp hoàn thuế chậm thì phải có chế tài, đền bù cho doanh nghiệp theo thời gian, với khoản tiền trả chậm nhân với thuế suất mà trong Luật thuế đã quy định. Đồng thời cán bộ nào làm chậm, cán bộ đó sẽ phải chịu trách nhiệm cá nhân với Cục thuế.

Thời gian vừa qua, công tác cải cách hành chính của cơ quan thuế rất tốt, như khai báo thuế, thanh toán thuế qua mạng rất tốt; nhưng riêng việc hoàn thuế vì một lý do nào đó khiến các doanh nghiệp bị chậm hoàn thuế thì không nên để tình trạng này kéo dài mà cần giải quyết càng sớm càng tốt”, vị Luật sư nhấn mạnh.

Ngày 2/8/2023, Tổng cục Thuế cũng đã họp bàn đưa ra một số giải pháp để đẩy nhanh và giải quyết các vướng mắc trong hoàn thuế GTGT, về chính sách, về chỉ đạo chung toàn ngành, về đẩy mạnh triển khai ứng dụng CNTT, về đẩy mạnh tiến độ xây dựng, triển khai ứng dụng phân tích rủi ro; và về nâng cấp hoàn thiện ứng dụng theo dõi kết quả xác minh hóa đơn…

Trong đó, Tổng cục Thuế đang rà soát để báo cáo Bộ Tài chính trình cấp có thẩm quyền các quy định tại Luật Thuế GTGT và các văn bản hướng dẫn về đối tượng chịu thuế, không chịu thuế, thuế suất và các điều kiện về hoàn thuế GTGT đối với hàng hóa xuất khẩu và rà soát quy định về thủ tục hoàn thuế tại Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn.

Cùng với đó, triển khai toàn diện, nâng cấp tối đa ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác giải quyết hoàn thuế theo quy trình hoàn thuế mới. Áp dụng, triển khai trí tuệ nhân tạo (AI) để phân tích dữ liệu lớn trong chuỗi mua bán của các doanh nghiệp.

 

Bài Viết Liên Quan

Back to top button