Nhân giá trị cầu vốn
Sức hấp thụ vốn của doanh nghiệp và nền kinh tế từ chỗ yếu trong quý I, dự kiến sẽ tăng trở lại từ quý III và cải thiện hơn nữa vào cuối năm 2024.
Sự phục hồi của sản xuất, xuất khẩu và cầu tiêu dùng là các yếu tố đồng loạt thúc đẩy trực tiếp nhu cầu vốn của doanh nghiệp nửa cuối năm 2024. Các chính sách để “nhân ba công lực” cho giá trị hấp thu vốn đối với tăng trưởng GDP càng cần sự hóa giải khéo léo của các nhà điều hành.
Ông Trần Văn Lâm – Giám đốc Trung tâm Tiếp thị Doanh nghiệp kiêm Giám đốc Trung tâm Giao dịch Hội sở Ngân hàng Shinhan Việt Nam nhận định, trong quý I, việc hấp thụ vốn vay của nền kinh tế trong nước rất yếu, dẫn đến các ngân hàng và tổ chức tín dụng bị tồn đọng vốn, do đó lãi suất huy động rất thấp. Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của chính phủ, sự điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt của NHNN, nền kinh tế trong nước đã dần khởi sắc trong quí II/2024, nhu cầu vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh đã dần tăng, kết hợp với chính sách điều hành tỷ giá ổn định, từ đó dẫn đến việc lãi suất huy động của các ngân hàng và các tổ chức tín dụng cũng có xu hướng tăng nhẹ.
Dù vậy, đại diện Shinhan Bank cho rằng, tình hình hấp thụ vốn có được cải thiện song cũng tập trung chủ yếu ở những doanh nghiệp có vốn đầu tư từ nước ngoài, những dự án đầu tư lớn và đầu tư công.
Ông Lâm cũng kỳ vọng nhu cầu vốn cho 6 tháng cuối năm sẽ cải thiện tốt hơn nửa đầu năm nhờ vào những dấu hiệu phục hồi kinh tế, chính sách điều hành kinh hoạt của NHNN và chính các ngân hàng cũng chủ động điều hành tiết giảm chi phí để duy trì mặt bằng lãi suất cho vay thấp, từ đó tăng tính hấp dẫn nhu cầu vốn cho doanh nghiệp.
Ngoài xu hướng tăng giá vốn của thị trường 1, ghi nhận những ngày đầu tháng 7, trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất cho vay qua đêm tiền đồng sau khi giảm nhẹ vào cuối tháng 6/2024 đã bật tăng trở lại về vùng 4,5%/năm, tương đương lãi suất tái cấp vốn. Đây là kết quả của các biện pháp bơm – hút, bán ngoại tệ mà NHNN đã triển khai trong thời gian, và cũng đang được lưu ý có thể là dấu hiệu của thanh khoản tiền đồng trở nên căng hơn. Bởi điều này sẽ dẫn đến rủi ro về mặt thanh khoản của hệ thống trong thời gian tới khi cung tiền M2 và huy động tăng chậm, trong bối cảnh tín dụng tăng trưởng rất mạnh bắt đầu những ngày cuối tháng 6.
Rủi ro thanh khoản, -xu hướng giá vốn đắt lên khiến lãi suất vay giữ mặt bằng thấp hiện đang là một thách thức của các ngân hàng. Để sẵn sàng cho nguồn vốn trung và dài hạn, bổ sung vốn cấp 2 nhằm đảm bảo các chỉ tiêu an toàn vốn và vốn cho hoạt động kinh doanh, hàng loạt ngân hàng đã tăng phát hành trái phiếu kỳ hạn từ 2-7 năm, trong 2 tháng 5 và 6 vừa qua.
Các chuyên gia FiinRatings cũng cho rằng đây là kết quả của tín hiệu phục hồi của khu vực sản xuất, bên cạnh xu hướng lãi suất huy động tăng. Theo đó các nhà băng tăng tốc đón nhu cầu vốn với mục tiêu tăng trưởng tín dụng đang và sẽ được tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ. Song thực tế đây vẫn chỉ là một phần nguồn bổ sung và phục vụ nhu cầu cơ cấu vốn của các ngân hàng. Áp lực của tiền đồng và hệ thống nếu căng, rất có thể sẽ đẩy đến những bước đi đầu tiên của chính sách tiền tệ thắt chặt.
Đã có những dự báo ngày càng cụ thể về khả năng tăng lãi suất điều hành. Nhà đầu tư trên thị trường gần như không còn đặt câu hỏi về khả năng này, mà là quan tâm đến thời điểm nào thì nhà điều hành sẽ tăng lãi suất. Trước một tín hiệu quan trọng của tăng trưởng GDP với nhu cầu vốn đang tăng, thì lựa chọn nào để có một kịch bản đẹp theo kỳ vọng là lãi suất huy động tăng nhẹ, nhưng không tăng lãi suất cơ bản? Điều đó đang đặt vào các điều kiện gồm kiểm soát chặt lạm phát, hạ nhiệt tỷ giá ổn định, rõ ràng.
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp