Nhận diện gian lận báo cáo tài chính
Với 3.370 quan sát từ 350 doanh nghiệp niêm yết trên sàn HOSE và HNX từ năm 2013 đến năm 2022, ghi nhận kết quả các doanh nghiệp có tỷ lệ nợ cao, hay có vốn chủ sở hữu lớn, đều gia tăng hành vi gian lận báo cáo tài chính (BCTC), với một số hình thức.
Các nhà quản lý doanh nghiệp có xu hướng thực hiện hành vi gian lận trên BCTC nhằm đáp ứng các kỳ vọng của nhà đầu tư, của chủ nợ và của chính nhà quản lý.
Vì sao cần xem xét kỹ BCTC?
Tập trung nhận diện hành vi gian lận BCTC của các doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam với các khoản mục, chỉ tiêu, tỷ số trên BCTC, có thể xem xét sự nhạy cảm với hành vi gian lận BCTC trên ba khía cạnh là: đặc điểm doanh nghiệp gian lận, phương thức gian lận và mục đích gian lận. Sau đó, tiếp tục xem xét liệu chiều hướng tác động sẽ thay đổi ra sao khi quy mô nợ vay và quy mô vốn chủ sở hữu thay đổi.
Dữ liệu của chúng tôi từ năm 2013- 2022 cho thấy các doanh nghiệp có tỷ lệ nợ cao, hay có vốn chủ sở hữu lớn đều gia tăng hành vi gian lận BCTC, với hình thức gian lận là khai khống doanh thu và khai thiếu chi phí, để làm đẹp các chỉ số về khả năng thanh toán (biểu hiện qua khả năng đảm bảo lãi vay), các chỉ số về khả năng sinh lời (biểu hiện qua EPS), và các chỉ số về hoạt động (biểu hiện qua số vòng quay hàng tồn kho).
Ngoài ra, chúng tôi nhận thấy các dữ liệu cũng cung cấp bằng chứng về mối quan hệ hình chữ U giữa đặc điểm của doanh nghiệp (có tỷ lệ nợ cao, hay vốn chủ sở hữu lớn) với khả năng gian lận BCTC. Cụ thể khi tỷ lệ nợ, hoặc vốn chủ sở hữu còn ở mức thấp thì doanh nghiệp chưa/hạn chế thực hiện hành vi gian lận, nhưng khi quy mô (vốn và nợ) tăng lên thì doanh nghiệp gia tăng thực hiện hành vi gian lận.
Một số hành vi gian lận
Về nguyên nhân chính dẫn đến hành vi gian lận BCTC, có 3 nguyên nhân: (1) đáp ứng kỳ vọng của chủ nợ theo các các điều khoản vay nợ; (2) đáp ứng kỳ vọng của nhà đầu tư, chủ sở hữu thông qua các mục tiêu về lợi nhuận, về tăng trưởng, về duy trì và phát triển các hoạt động của doanh nghiệp để giữ giá cổ phiếu; (3) đáp ứng mục tiêu cá nhân của nhà quản lý để được thưởng theo thoả thuận.
Trong nhiều trường hợp, việc đạt được các kỳ vọng của nhà đầu tư, chủ sở hữu (nguyên nhân số 2) cũng sẽ giúp bản thân nhà quản lý đạt được mục tiêu cá nhân là “được thưởng” (nguyên nhân số 3). Tuy nhiên trong một số trường hợp, các động cơ cũng có thể khác nhau, ví dụ nhà quản lý doanh nghiệp có thể chỉ đạo thực hiện các khoản bán chịu nhiều rủi ro để có được lợi nhuận cao trong năm hiện tại nhằm nhận được các khoản tiền thưởng bất chấp những tổn thất có thể xảy ra cho chủ sở hữu khi không thể thu hồi những khoản nợ phải thu này trong tương lai.
Hành vi gian lận BCTC của các doanh nghiệp niêm yết xuất phát và diễn biến theo các yếu tố gồm:
Thứ nhất, phương thức gian lận của doanh nghiệp là khai khống doanh thu và khai thiếu chi phí, cụ thể là giá vốn hàng bán. Như vậy, cả hai cách thức đều được doanh nghiệp thực hiện để thực hiện hành vi gian lận.
Thứ hai, là mục tiêu gian lận. Doanh nghiệp gian lận BCTC là để đáp ứng khả năng thanh toán, đáp ứng các mục tiêu về khả năng sinh lời, cũng như đáp ứng các mục tiêu về hoạt động của doanh nghiệp. Số vòng quay tài sản có ý nghĩa thống kê, tuy nhiên trái với kỳ vọng, nên được xem là không có ảnh hưởng đến gian lận BCTC.
Thứ ba, là đặc điểm doanh nghiệp gian lận. Doanh nghiệp có tỷ lệ nợ cao thì ít thực hiện hành vi gian lận BCTC. Điều này trái với kỳ vọng rằng các doanh nghiệp có áp lực nợ cao thì gia tăng gian lận để đáp ứng các điều khoản của hợp đồng vay. Nguyên nhân có thể là, các doanh nghiệp trong mẫu nghiên cứu, mặc dù có áp lực nợ cao, nhưng chưa gặp khó khăn về tài chính nên họ chưa/giảm thực hiện hành vi gian lận. Hơn nữa, theo lý thuyết về vốn, khi tỷ lệ nợ thấp thì doanh nghiệp chưa gặp phải các áp lực nên hành vi gian lận có thể giảm; và khi áp lực gia tăng, doanh nghiệp phải đối mặt với mất khả năng thanh toán thì doanh nghiệp có thể gia tăng thực hiện gian lận để đáp ứng các hợp đồng vay.
Doanh nghiệp có tỷ lệ vốn chủ sở hữu cao sẽ ít thực hiện hành vi gian lận trên BCTC. Điều này đúng với kỳ vọng, vì doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu cao thì sẽ chấp nhận tốn các chi phí giám sát để giám sát bên ủy nhiệm, và như vậy sẽ hạn chế cơ hội gian lận.
Chúng tôi cũng thấy rằng, khi tỷ lệ nợ thấp thì doanh nghiệp hạn chế hoặc ít thực hiện hành vi gian lận BCTC. Khi tỷ lệ nợ tăng thì doanh nghiệp gia tăng thực hiện hành vi gian lận BCTC. Bên cạnh đặc điểm tỷ lệ nợ, kết quả cũng cho thấy rằng mục đích của doanh nghiệp gia tăng gian lận để làm đẹp các chỉ số sinh lời, làm đẹp khả năng thanh toán và làm đẹp các chỉ số về hoạt động của doanh nghiệp. Số vòng quay tài sản có ý nghĩa thống kê, nhưng trái dấu với kỳ vọng
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp