Người khiến Jeff Bezos phải dè chừng!

Tobias “Tobi” Lütke không phải là một CEO bình thường. Những người có thể khiến cho Jeff Bezos, người đàn ông từng giàu nhất thế giới phải kiêng dè đều không phải là người bình thường.

Người khiến Jeff Bezos phải dè chừng!
Giám đốc điều hành Shopify, Tobias Lutke tại Sở giao dịch chứng khoán New York trong ngày IPO của công ty.

Tobi Lütke như là người đồng sáng lập Shopify, “gã khổng lồ” thương mại điện tử giúp các công ty thiết lập và điều hành các cửa hàng trực tuyến tại hơn 175 quốc gia. Năm 2014, tờ báo The Globe and Mail của Canada đã công nhận Tobi Lütke là “CEO của năm”. Điều này đã khiến người sáng lập Amazon Jeff Bezos, người giàu thứ hai thế giới, thậm chí còn coi Shopify là một đối thủ cạnh tranh đáng gờm của đế chế Amazon.

Điều gì đã khiến Tobi Lütke, một doanh nhân “biết lập trình”, người có giá trị tài sản ròng hiện ước tính hơn 6 tỷ đô la Mỹ, lại khiến Jeff Bezos phải dè chừng?

Đam mê máy tính và bỏ học

Giống như một số tỷ phú khác, CEO của Shopify chưa bao giờ học đại học. Sinh ra ở Koblenz, Đức, vào năm 1981, Lütke nhận được chiếc máy tính đầu tiên của mình vào năm 6 tuổi và đến năm 12 tuổi, anh ấy đã biết cách viết lại mã cho các trò chơi máy tính của mình.

Lütke bỏ học trung học năm 16 tuổi vì theo cách nói của anh, “máy tính thú vị hơn nhiều”. Lütke đã theo học nghề lập trình máy tính tại Siemens. Bước ngoặt cuộc đời đến với Lütke khi anh đã làm việc cho một ông chủ khác thường tên là Jürgen, người đã có tác động to lớn đến Lütke sau này.

Người khiến Jeff Bezos phải dè chừng!
“Tobi Lütke như là người đồng sáng lập Shopify, “gã khổng lồ” thương mại điện tử giúp các công ty thiết lập và điều hành các cửa hàng trực tuyến tại hơn 175 quốc gia.

Jürgen là một kẻ nổi loạn, ông bỏ qua các quy định về trang phục của công ty, từ chối ngôn ngữ lập trình tiêu chuẩn, và kêu gọi mọi người về những ý tưởng xấu một cách công khai. Nhưng mọi người đều tôn trọng ông vì những kết quả làm việc. Sau này, Lütke đã mô tả trải nghiệm làm việc cho Jürgen trong một blog có tiêu đề “Lập trình viên tập sự”.

“Đó có lẽ là điều quan trọng nhất đã xảy ra với tôi trong cuộc đời. Jürgen là một giáo viên bậc thầy, ông ấy đã tạo ra một môi trường không chỉ có thể mà còn dễ dàng di chuyển qua 10 năm phát triển sự nghiệp. Đó là một phương pháp và một môi trường mà tôi đang quyết liệt cố gắng tái tạo tại Shopify”.

Và Lütke đã dành bảy năm tại Siemens trước khi đi trượt ván và gặp một cô gái từ Ottawa, chính điều này đã thúc đẩy Lütke chuyển đến Canada. Năm 2004, ông bắt đầu kinh doanh cửa hàng ván trượt tuyết trực tuyến với Scott Lake.

Vượt qua thế khó

Tua nhanh đến năm 2008, Shopify thời điểm đó chỉ có khoảng 10 nhân viên và doanh thu 60.000 USD mỗi tháng. Tất cả khó khăn đã dồn dập đến với Lütke khi người đồng sáng lập và giám đốc điều hành của Shopify, Scott Lake quyết định rời đi.

Trước đó, Lütke chỉ hoàn toàn tập trung vào sản phẩm và dường như không có ý kiến gì về tài chính hay công việc kinh doanh của Shopify, nhưng giờ đây anh không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đảm nhận vai trò CEO. Sau này, Lütke đã chia sẻ: “Khi tôi đảm nhận vị trí Giám đốc điều hành, về cơ bản tôi phải tìm mọi cách để lấy bằng MBA (Thạc sỹ quản trị kinh doanh) trong vài tuần”.

Người khiến Jeff Bezos phải dè chừng!
Shopify là nền tảng thương mại điện tử cho phép tạo website bán hàng online tích hợp với mạng xã hội.

Lütke đã nghiên cứu và đọc mọi thứ về việc trở thành CEO và điều hành một doanh nghiệp. Anh quyết định đến Thung lũng Silicon tại Mỹ để tìm CEO và gặp gỡ các công ty đầu tư mạo hiểm (VC), xin tài trợ cho Shopify. Nhưng, khi gặp các VC, họ lại sử dụng những thuật ngữ mà anh không hiểu và hỏi những câu hỏi về công việc kinh doanh mà anh không thể trả lời. Với bản tính tìm tòi và ham học hỏi, Lütke đã nghiên cứu kiến thức vào ban đêm để có thể trả lời các câu hỏi của VC.

Tuy nhiên, kể cả như vậy, Lütke cũng đã không tìm thấy kết quả tốt đẹp trong chuyến đi đến Thung lũng Silicon, nhưng anh ấy đã học được những điều cơ bản để trở thành CEO của một công ty mới thành lập. Khoảng thời gian vật lộn với Shopify lúc này, đó là khoảng thời gian mà Lütke buộc phải sống ở nhà bố mẹ của bạn gái mình, nhờ bạn bè và gia đình trang trải bảng lương.

Rất may cho Lütke, anh đã gặp được John Phillips, một nhà đầu tư thiên thần ban đầu, người đã cố gắng thuyết phục Lütke tiếp tục làm Giám đốc điều hành. Bởi theo John Phillips, Lütke đã có đầy đủ những “khó khăn nền tảng” để trở thành một CEO mạnh mẽ sau này.

Tạo lập văn hóa doanh nghiệp bền vững

Có lẽ Shopify đã không thể xây dựng một doanh nghiệp tuyệt vời phục vụ hàng trăm nghìn người bán nếu không có một nền tảng khó khăn lúc đầu. Lütke đã liên tục thách thức nhóm của anh ấy làm được nhiều hơn thế, giống như cái cách mà Jürgen đã dạy cho Lütke tại Siemens.

Tại Shopify, Lütke đã tạo ra một không gian văn hóa doanh nghiệp với khẩu hiệu: “Sự phát triển cá nhân của bạn rất quan trọng đối với chúng tôi và chúng tôi sẽ cung cấp cho bạn mọi thứ bạn cần để biến điều đó thành hiện thực.

Chúng tôi khuyến khích bạn thử nghiệm, chấp nhận rủi ro và theo đuổi những điều bạn quan tâm. Và nếu bạn làm sai? Điều đó không sao, hãy học hỏi từ nó và chia sẻ kinh nghiệm của bạn với nhóm. Chúng tôi đang phát triển nhanh chóng, vì vậy có rất nhiều cơ hội để học hỏi và phát triển”.

Buck Hartzell, Giám đốc Học tập và Hoạt động của Nhà đầu tư tại The Motley Fool, đã từng cho rằng: “Những doanh nghiệp vĩ đại có những nhà lãnh đạo năng động, những người xây dựng nền tảng văn hóa xuất sắc. Những nền văn hóa đó không phải lúc nào cũng ngăn ngừa được sai lầm, nhưng chúng cho phép công ty thích nghi nhanh hơn và học hỏi từ thất bại”.

Shopify được Hartzell nhắc đến như một khuôn mẫu của một nền văn hóa doanh nghiệp. Theo Hartzell, dưới sự lãnh đạo và văn hóa doanh nghiệp mà Tobi Lütke đã xây dựng tại Shopify là lý do chính khiến doanh nghiệp này thành công và sẽ tiếp tục thành công lâu dài trong tương lai.

 

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp

Bài Viết Liên Quan

Back to top button