Người dân làng chài Vạn Vỹ gìn giữ lưu truyền lễ hội đầu xuân
Vào chiều ngày 9/2 (tức mùng 12 tháng Giêng năm Ất Tỵ), Lễ hội truyền thống Làng chài Vạn Vỹ nay thuộc xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng, TP Hà Nội chính thức khai hội, thu hút sự tham gia đông đảo của nhân dân địa phương và du khách thập phương. Đây không chỉ là dịp để tưởng nhớ lịch sử, văn hóa của địa phương, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” mà còn góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc.
Hàng năm, người dân trong làng chài Vạn Vỹ nô nức chuẩn bị cho ngày khai hội từ chiều đêm ngày 12 cho tới rạng sáng ngày 13 tháng Giêng. Trên khắp các đường làng ngõ xóm, nhà nhà người người chung tay tổ chức Lễ cầu ngư – một ngày hội lớn của làng, với ước nguyện cho một năm mưa thuận gió hoà, người dân làng đánh bắt được thêm nhiều tôm, cá.
Làng chài Vạn Vỹ nay thuộc xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng, TP Hà Nội. Vốn dĩ dân trong làng Vạn Vỹ hầu hết là ngư dân, nhưng đến nay có nhiều chuyển biến, có người vẫn lựa chọn gắn bó với nghề chài lưới nhưng có người lại di cư lên đất liền lập nghiệp, vậy nên Lễ cầu ngư đến nay không chỉ dừng lại ở việc cầu ngư mà còn là cầu cho dân làng Vạn Vỹ bách nghề, bách thắng, dưới thuỷ hay trên bộ đều làm ăn thuận lợi.
Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các hộ dân đều được bố trí đất tái định cư, xây nhà trên bờ. Đến nay, cuộc sống của nhiều gia đình ở Vạn Vỹ (thuộc 2 xã Trung Châu và Hồng Hà, huyện Đan Phượng) đổi thay rõ nét, nhà cửa khang trang, đời sống ngày càng ổn định, sung túc. Đời sống kinh tế, xã hội chuyển mình rõ nét nhưng Lễ cầu ngư và những phong tục truyền thống tốt đẹp xưa vẫn được người dân Vạn Vỹ gìn giữ, bảo tồn.
Cụ Trần Việt Lượng – trưởng Tiểu Ban Quản lý di tích Đình Vạn Vỹ cho biết: “Lễ hội này có giá trị lưu truyền từ đời nọ đến đời kia theo truyền thống của các cụ từ xa xưa. Lễ hội có giá trị tinh thần là mỗi khi có lễ hội đầu xuân như thế này là tất cả bà con cùng tề tựu về đây để cùng nhau tổ chức lễ hội để cầu cho mưa thuận gió hòa, mọi nhà có sức khỏe. Trong đời sống của chúng tôi bây giờ 95% mọi người vẫn sống bằng nghề sông nước, nếu ai có điều kiện thì mua tàu nên giá trị văn hóa được các cụ để lại vẫn được người dân làng Vạn Vỹ duy trì và phát huy”
Trong ngày khai hội ở làng chài vạn Vỹ, những chiếc thuyền trong thời khắc vui hội cứ nối đuôi nhau rời bến mang theo mong ước “thuận chèo mát mái” như khát vọng ấp ủ suốt bao đời của những ngư dân chất phác. Khi nhận đủ lượng nước thiêng, đoàn thuyền xoay quanh thuyền rồng, quay nhiều vòng rồi mới về đình. Bình nước thiêng sau khi được rước về đình cũng được đặt trang trọng để người dân hương khói, thờ phụng cẩn thận cho đến mùa lễ sau. Khi đám rước trở về đình trên sông cũng là lúc ánh bình minh trải những tia nắng ban mai trên mặt nước sông. Đến đây hội rước tiến hành nghi thức tế lễ yên vị. Nghe kể, xưa hội rước trên sông kéo dài đến mãi tận 5h ngày hôm sau, nay kết thúc sớm hơn nhưng mọi việc vẫn được diễn ra trật tự, tôn nghiêm.
Theo ông Trần Văn Hải – trưởng Ban tổ chức Lễ hội đình làng Vạn Vỹ – xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng, Thành phố Hà Nội, lễ hội làng Vạn Vỹ có nét đặc sắc riêng không nơi nào có được: “Vỹ có nét đặc sắc riêng với đặc trưng của việc lấy nước trên sông thì du nhất có làng Vạn Vỹ có truyền thống từ xa xưa. Và đặc biệt chỉ riêng ở di tích lịch sử đình làng Vạn Vỹ là tổ chức rước vào ban đêm. Vào 0h đêm hôm nay chúng tôi sẽ rước từ đây là xã Hồng Hà rước lên đến Miếu Đinh Nguyên của xã Tiến Thịnh, huyện Mê Linh. 0 giờ từ đây xuất phát thì quay về đây vào khoảng 4 đến 4 tiếng rưỡi trước khi trời sáng”
Các cụ cao niên trong làng cũng kể lại rằng, sau ngày khai hội ở làng chài Vạn Vỹ, cứ đều đặn hàng năm từ ngày 20 đến ngày 22 tháng Hai Âm lịch sẽ tiến hành lễ xuống lưới. Từ ngày 23 đến ngày 25 tất thảy người làng sẽ giong thuyền đi đánh cá. Trong thời gian này, mọi ngư dân đều phải để lại con cá to nhất để cúng Hà Bá. Gia đình nào có cá to nhất làng được chọn làm vật cúng thần, đó là vinh dự lớn.
Dường như hương vị của mùa xuân trên những ngôi làng ven chân sóng đọng lại lâu hơn, bởi sự sôi động, phong phú về đời sống văn hóa. Đó không chỉ là việc trẩy hội mùa xuân mang ý nghĩa cầu ngư mà còn được thể hiện qua các hoạt động văn hóa văn nghệ dân gian. Chính bởi truyền thống văn hóa đặc sắc được người dân gìn giữ lưu truyền qua nhiều thế hệ, Ban tổ chức Lễ hội và lãnh đạo địa phương đang đệ trình hồ sơ để công nhận Lễ hội Làng Vạn Vỹ là di sản phi vật thể cấp quốc gia.
PV