Ngoại giao mở lối, Việt Nam tiến ra biển lớn

Từ một đất nước lạc hậu, bị tàn phá nặng nề trong chiến tranh, đến nay Việt Nam nằm trong tốp 35 nền kinh tế hàng đầu về quy mô GDP, tốp 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế.

Chủ tịch nước Lương Cường cho biết tại Hội thảo quốc tế “50 năm thống nhất đất nước: Vai trò kiến tạo hoà bình của ngoại giao trong lịch sử và hiện tại”, sáng 23/4/2025 do Bộ Ngoại giao tổ chức.

Ngoại giao mở lối, Việt Nam tiến ra biển lớn
Chủ tịch nước Lương Cường phát biểu tại Hội thảo quốc tế “50 năm thống nhất đất nước: Vai trò kiến tạo hoà bình của ngoại giao trong lịch sử và hiện tại”, sáng 23/4/2025. Ảnh: VGP/Hải Minh

Cách đây tròn 50 năm, thắng lợi lịch sử của Chiến dịch Hồ Chí Minh đã kết thúc cuộc kháng chiến trường kỳ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên “độc lập – thống nhất – hòa bình và phát triển” cho dân tộc Việt Nam.

Trong hành trình ấy, ngoại giao đóng vai trò hết sức quan trọng. Ngoại giao đã kết hợp với quân sự, chính trị, tạo ra thế trận “vừa đánh vừa đàm”, huy động sức mạnh tổng hợp của dân tộc. Trong đó đấu tranh quân sự và chính trị là cơ sở cho đàm phán trên mặt trận ngoại giao. Ngược lại, đấu tranh ngoại giao góp phần cộng hưởng thắng lợi và hỗ trợ cho các hoạt động đấu tranh chính trị và quân sự.

Thông tin tại hội thảo, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, từ Hội nghị Geneva năm 1954 đến Hiệp định Paris năm 1973, những thỏa thuận lịch sử trên bàn đàm phán đã tạo mở ra những cơ hội để giành độc lập, kết thúc chiến tranh, tiến tới thống nhất đất nước.

Ngoại giao mở lối, Việt Nam tiến ra biển lớn
Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn. Ảnh: VGP/Hải Minh

Theo đó, ngoại giao Việt Nam đã khẳng định trí tuệ, bản lĩnh của một dân tộc yêu chuộng hòa bình và nêu cao tư tưởng hòa hiếu, khoan dung và nhân văn sâu sắc. Đồng thời, tranh thủ sức mạnh của ba dòng thác cách mạng, huy động được sự ủng hộ của các nước xx hội chủ nghĩa và mặt trận quốc tế rộng rãi ủng hộ sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam.

Từ bài học trong cuộc đấu tranh thống nhất đất nước, Phó Thủ tướng khẳng định Việt Nam sẽ tích cực tham gia xây dựng và bảo vệ trật tự quốc tế công bằng, bình đẳng dựa trên luật pháp quốc tế, nâng tầm đóng góp của Việt Nam vào việc bảo đảm an ninh và kiến tạo hòa bình trên thế giới.

Thông tin tại hội thảo, Chủ tịch nước Lương Cường khẳng định, chiến thắng 30/4/1975 là một sự kiện vô cùng trọng đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Từ đây, đất nước Việt Nam hoàn toàn thống nhất, non sông thu về một mối. Dân tộc Việt Nam bước vào một kỷ nguyên lịch sử mới – kỷ nguyên độc lập, thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng ý nghĩa lịch sử và những bài học sâu sắc từ chiến thắng 30/4/1975 đối với ngoại giao Việt Nam trong kiến tạo hòa bình, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc vẫn còn nguyên giá trị, mang tính dân tộc và thời đại sâu sắc.

Chủ tịch nước nhấn mạnh, nhìn lại lịch sử cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập, thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam, chúng ta càng nhận thức rõ ràng hơn về vai trò rất quan trọng của công tác ngoại giao.

Đáng chú ý, khi Bộ Chính trị năm 1969 ban hành Nghị quyết xác định “Ngoại giao đã trở thành một mặt trận quan trọng, có ý nghĩa chiến lược” thì ngoại giao đã trở thành công cụ quan trọng, góp phần phân hóa kẻ địch, tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế và lan tỏa tính chính nghĩa về cuộc đấu tranh của Nhân dân Việt Nam tới thế giới.

Chủ tịch nước Lương Cường khẳng định, tầm nhìn và tư duy sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam về công tác đối ngoại đã được đưa ra đúng thời điểm, rất phù hợp với bối cảnh quốc tế khi đó. Đặc biệt, sự nổi lên của các “dòng thác cách mạng,” nhất là phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, phong trào công nhân quốc tế, cùng sự ủng hộ của nhân dân tiến bộ trên thế giới là những điều kiện căn bản giúp ngoại giao Việt Nam kết hợp với sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Theo Chủ tịch nước Lương Cường, vai trò kiến tạo hòa bình của ngoại giao Việt Nam cũng được thể hiện xuyên suốt các giai đoạn lịch sử, từ đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước đến xây dựng và phát triển đất nước trong thời bình.

Trong đó, ngoại giao đã huy động được sự ủng hộ to lớn cả vật chất, tinh thần từ các nước xã hội chủ nghĩa, nhân dân tiến bộ trên thế giới, tạo nên phong trào quốc tế rộng lớn chưa từng có ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam và trong lịch sử thế kỷ XX, hiếm có cuộc đấu tranh của dân tộc nào lại quy tụ được sự ủng hộ rộng khắp, mạnh mẽ cả ở trong và ngoài nước như dân tộc Việt Nam.

Cùng với đó, ngoại giao đã phối hợp nhuần nhuyễn, chặt chẽ với mặt trận quân sự và chính trị, mở ra cục diện “vừa đánh, vừa đàm,” qua đó giành thắng lợi từng bước, tạo tiền đề đưa sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đi đến toàn thắng.

Trong đó có những cuộc đấu trí cam go trên bàn đàm phán Hội nghị Geneve năm 1954 và nhất là Hội nghị Paris (từ năm 1968-1973) đã trở thành đỉnh cao thắng lợi của ngoại giao Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.

Ngoại giao đã góp phần quan trọng trong tái thiết đất nước, triển khai thắng lợi đường lối đối ngoại thời kỳ Đổi mới, mở ra cục diện đối ngoại thuận lợi cho xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong 40 năm Đổi mới, ngoại giao đã có nhiều đóng góp thiết thực vào những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Từ một đất nước lạc hậu, bị tàn phá nặng nề trong chiến tranh, đến nay Việt Nam nằm trong tốp 35 nền kinh tế hàng đầu về quy mô GDP, tốp 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế.

Từ một nước bị bao vây, cô lập, Việt Nam nay đã có quan hệ ngoại giao với 194 nước, thiết lập được mạng lưới 34 nước có quan hệ đối tác toàn diện trở lên, trong đó có đầy đủ các nước Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, toàn bộ các thành viên G7, 18/20 nền kinh tế G20, tất cả các nước ASEAN.

Chủ tịch nước khẳng định nửa thế kỷ đã trôi qua, song cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đã để lại cho ngoại giao nhiều bài học quý báu.

Đó là những bài học về vận dụng sáng tạo tư tưởng và phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh; nêu cao tinh thần độc lập tự chủ, tự lực tự cường; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; bám sát phương châm “dĩ bất biến ứng vạn biến,” luôn kiên định về mục tiêu chiến lược độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, song rất linh hoạt về sách lược.

Đó là bài học về coi trọng sự phối chặt chẽ giữa đối ngoại với quốc phòng, an ninh, kinh tế và các lĩnh vực trọng yếu khác trong bảo vệ và xây dựng Tổ quốc; bài học về phát huy vai trò của người Việt Nam ở nước ngoài – bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam.

Chủ tịch nước nhấn mạnh, bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển giàu mạnh, thịnh vượng, Việt Nam nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại; nhất quán chính sách quốc phòng “4 không”; sẵn sàng đóng góp tích cực và chủ động vào nền chính trị thế giới, nền kinh tế toàn cầu và nền văn minh nhân loại.

Ông cho biết, kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc là một sự kiện chính trị trọng đại, là thắng lợi mang ý nghĩa lịch sử của dân tộc Việt Nam, đồng thời cũng là thắng lợi chung của nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới; thể hiện khát vọng hòa bình, độc lập, tự do, hạnh phúc.

Năm tháng dù trôi qua, tính thời đại và thời sự sâu sắc của “câu chuyện Việt Nam” vẫn vẹn nguyên, tỏa sáng những giá trị cao đẹp của hành trình tìm kiếm hòa bình bền vững, đối thoại, hàn gắn vết thương chiến tranh, hòa hợp dân tộc, tái thiết, phát triển.

Bảo Lam  – Diễn đàn Doanh nghiệp

Bài Viết Liên Quan

Để lại một bình luận

Back to top button