Ngoại giao đồng hành mở cửa du lịch
Trong thời gian qua, Bộ Ngoại giao luôn đồng hành cùng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong việc phối hợp các bộ, ngành khác tích cực triển khai các biện pháp sẵn sàng mở cửa lại hoạt động du lịch, góp ý xây dựng kế hoạch, phương án mở cửa du lịch phù hợp.
Đúng ngày chính thức công bố mở cửa du lịch Việt Nam trong điều kiện bình thường mới (15/3), Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội nghị triển khai mở cửa du lịch quốc tế an toàn, hiệu quả.
Đây là lần đầu tiên một Hội nghị về du lịch có sự tham dự của tất cả 94 Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, lãnh đạo các tỉnh, thành phố và đông đảo lãnh đạo các hiệp hội, doanh nghiệp du lịch, khách sạn, hãng hàng không. Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định, Chính phủ hết sức quan tâm và chỉ đạo sát sao, quyết liệt đối với việc triển khai chính sách mở cửa du lịch.
Mở cửa đúng thời điểm
Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ cho rằng, quyết định mở cửa trở lại du lịch quốc tế với các biện pháp mạnh mẽ được triển khai từ ngày 15/3 là hết sức quan trọng, đúng thời điểm, được đưa ra trên cơ sở những nền tảng vững chắc và những bài học quan trọng rút ra trong công tác phòng chống dịch thời gian vừa qua.
Thực tế, đã có khoảng trên 50 nước, trong đó có các nước Đông Nam Á như Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Singapore đã triển khai các biện pháp mở cửa, nới lỏng quy định nhập cảnh, miễn xét nghiệm PCR và miễn cách ly cho khách quốc tế để kích cầu du lịch.
Việc các nước đồng loạt mở cửa du lịch, tạo điều kiện thuận lợi cho khách quốc tế và công dân của chính họ là yếu tố khách quan và cơ sở thuận lợi để Việt Nam triển khai chính sách mở cửa du lịch.
Thứ trưởng Thường trực Nguyễn Minh Vũ nhấn mạnh, việc mở cửa du lịch để phục hồi, “vực dậy” ngành du lịch đòi hỏi sự chung tay, vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, từ Trung ương đến địa phương và doanh nghiệp; sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp trong nước với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Tinh thần luôn đồng hành
Trong thời gian qua, Bộ Ngoại giao luôn đồng hành cùng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch trong việc phối hợp các bộ, ngành khác tích cực triển khai các biện pháp sẵn sàng mở cửa lại hoạt động du lịch, góp ý xây dựng kế hoạch, phương án mở cửa du lịch phù hợp.
Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự Lương Thanh Quảng cho biết, ngày 15/3, căn cứ đề xuất của các bộ ngành, Chính phủ đã ra Nghị quyết số 32/NQ-CP và Văn phòng Chính phủ đã có công văn số 1606/VPCP-QHQT về chính sách nhập xuất cảnh Việt Nam của người nước ngoài áp dụng từ ngày 15/3.
Chính sách bao gồm một số nội dung chính sau: phục hồi thủ tục, quy trình cấp thị thực, giấy miễn thị thực theo quy định tại Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh và cư trú của người nước ngoài năm 2014, sửa đổi, bổ sung năm 2019 và các văn bản hướng dẫn thi hành; phục hồi việc áp dụng miễn thị thực song phương theo các điều ước quốc tế với các nước hoặc theo nguyên tắc có đi có lại.
Đáng chú ý là Việt Nam nối lại chính sách miễn thị thực đơn phương cho công dân 13 nước Đức, Pháp, Italy, Tây Ban Nha, Anh và Bắc Ireland, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy, Phần Lan và Belarus, thời hạn áp dụng đến hết ngày 14/3/2025.
Như vậy, từ 15/3, khách quốc tế có thể làm thủ tục đề nghị cấp thị thực tại các cơ quan có thẩm quyền Việt Nam, bao gồm tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Bên cạnh những quy định trên, người nhập cảnh cần chấp hành hướng dẫn, quy định về y tế của Việt Nam vào thời điểm nhập cảnh.
Ông Lương Thanh Quảng cho biết: “Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục đàm phán với các nước để công nhận hộ chiếu vaccine của ta”.
Kinh nghiệm quý từ các nước
Tại Hội nghị, các Đại sứ ở các địa bàn trọng điểm đã có những chia sẻ, trao đổi thẳng thắn về kinh nghiệm quốc tế cũng như đưa khuyến nghị với các bộ ngành địa phương để mở cửa an toàn hiệu quả.
Các Đại sứ đều khẳng định chủ trương mở cửa du lịch của Chính phủ là đúng đắn, kịp thời và các Đại sứ quán sẽ tích cực phối hợp nhằm thúc đẩy quảng bá du lịch Việt Nam.
Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Quốc Dũng cho biết: “Người Mỹ thường du lịch theo quy mô nhỏ gia đình, có nhu cầu đến nơi du lịch xanh, theo hình thức homestay và có dịch vụ công nghệ thông tin tốt. Dù Việt Nam luôn là điểm đến hấp dẫn với người Mỹ nhưng với số ca nhiễm Covid-19 cao, Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật (CDC) Mỹ vừa đưa Việt Nam vào nhóm nước không nên đến vào thời điểm này. Đây là trở ngại cho Việt Nam bởi vậy chúng ta cần phải cải thiện sản phẩm du lịch và điểm đến hấp dẫn, an toàn hơn”.
Từ Nhật Bản, Đại sứ Vũ Hồng Nam khẳng định nước bạn đánh giá công tác phòng chống dịch bệnh của Việt Nam và tin việc mở cửa du lịch sẽ thành công.
Đại sứ Vũ Hồng Nam nói: “Nhật Bản là nước rất ủng hộ chính sách của chúng ta. Tuy nhiên, các bạn vẫn chưa khuyến khích tập trung đông người trong khi người Nhật thường thích đi du lịch tập thể. Chúng ta phải chuẩn bị kế hoạch dài hơn, để có thể bắt đầu từ mùa Hè năm nay…”.
Chia sẻ thông tin từ Pháp, Đại sứ Việt Nam Đinh Toàn Thắng cho biết, người Pháp có đam mê du lịch và thường quan tâm đến xu hướng du lịch bền vững, thân thiện môi trường, du lịch chậm, an toàn với chất lượng dịch vụ và cơ sở hạ tầng y tế tốt.
Ông Đinh Toàn Thắng gợi ý, cần quảng bá tích cực về các điểm đến Việt Nam tại Pháp, đặc biệt các ấn phẩm bằng tiếng Pháp, trong khi Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu lại đề cập triển vọng phát triển hình thức du lịch “đám cưới Ấn Độ” ở Việt Nam.
Đại sứ Phạm Sanh Châu chia sẻ: “Người Ấn Độ thường đi du lịch với số lượng đông và Việt Nam là điểm đến hàng đầu với khách du lịch Ấn Độ. Đại sứ quán đã thiết kế một số clip để giới thiệu cho các công ty ở Ấn Độ về dịch vụ đám cưới ở các điểm đến hấp dẫn của Việt Nam và chúng tôi mong có sự hỗ trợ, phối hợp với trong nước để phát triển dịch vụ du lịch này”.
Bày tỏ sự sẵn sàng hợp tác cùng với các cơ quan, công ty du lịch trong nước, nhưng Đại sứ Việt Nam tại Singapore Mai Phước Dũng cũng cho biết: “Người Singapore rất háo hức mong chờ sang Việt Nam từ ngày 15/3 nhưng hướng dẫn nhập cảnh, y tế đang còn chậm”.
Đại sứ Việt Nam tại Australia Nguyễn Tất Thành cho rằng, một trong những kinh nghiệm thành công từ nước bạn hiện nay là thủ tục nhập cảnh đơn giản, tạo điều kiện thuận lợi và thu hút khách du lịch.
Các bên cùng vào cuộc
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt đánh giá cao sự hợp tác phối hợp nhịp nhàng giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Ngoại giao trong việc thực hiện chủ trương mở cửa du lịch, trong đó có đóng góp tích cực của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Thời gian tới, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu đề nghị Bộ Ngoại giao hỗ trợ tuyên truyền về phương án mở cửa của du lịch Việt Nam, các chính sách đảm bảo an toàn cho du khách tới nhân dân nước sở tại; thông tin về cách thức, quy trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến các doanh nghiệp, khách du lịch, cơ quan thông tấn báo chí nước ngoài; thông tin về tình hình du lịch tại các thị trường, nhu cầu của khách, các doanh nghiệp, đối tác quốc.
Bên cạnh đó, Tổng cục Du lịch cũng mong muốn Bộ Ngoại giao sẽ tổ chức kết nối giữa doanh nghiệp du lịch Việt Nam với các đối tác quốc tế thông qua các cơ quan đại diện ở nước ngoài; phối hợp, hỗ trợ tổ chức các chương trình xúc tiến quảng bá trực tuyến cho lịch Việt Nam; tiếp tục đồng hành cùng ngành trong các hoạt động xúc tiến tại chỗ.
Chia sẻ tại Hội nghị, lãnh đạo các địa phương như Quảng Ninh, Kiên Giang, thành phố Đà Nẵng… đều tin tưởng rằng với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc của các cấp, các ngành và sẵn sàng của người dân, doanh nghiệp và du khách, Việt Nam sẽ thực hiện thành công công cuộc khôi phục và phát triển ngành du lịch nói riêng và phục hồi, phát triển kinh tế nói chung.
Đại diện các doanh nghiệp như Vietnam Airlines, Bamboo Airways, Saigon Tourist… cũng đồng tình là “cánh tay nối dài” của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành trong mục tiêu phục hồi hoạt động du lịch, đảm bảo thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19.
Theo Hà Anh (Báo Thế giới & Việt Nam)