Nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật: “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi”
Dựa vào uy tín và hình ảnh cá nhân để kiếm tiền từ quảng cáo là hợp pháp, tuy nhiên, không ít nghệ sĩ vì lợi ích trước mắt mà không quan tâm đến chất lượng sản phẩm đã “tiếp tay” cho vi phạm…
Theo đó, nhiều nghệ sĩ nổi tiếng không chỉ gắn với những sản phẩm nghệ thuật, họ xuất hiện liên tục trên các phương tiện truyền thông còn để quảng cáo cho các sản phẩm trong đó có nhiều loại thuốc, thực phẩm chức năng, thậm chí tiền ảo. Mỗi bài đăng của người nổi tiếng trên mạng có cả trăm nghìn lượt thích, cả triệu lượt tiếp cận. Tận dụng điều đó, họ kiếm thêm thu nhập bằng cách quảng cáo cho các thương hiệu, sản phẩm. Nguồn thu chính của nghệ sĩ đôi khi không đến từ nghệ thuật.
Đã có những chuyện dở khóc, dở cười do quảng cáo mà không hiểu về sản phẩm quảng cáo do chính các nghệ sĩ đưa đến khán giả nhiều năm qua. NSND Hồng Vân từng phải xin lỗi người mến mộ do quảng cáo công dụng quá đà cho viên sủi thảo dược. Thực phẩm chức năng này được Cục An toàn thực phẩm cảnh báo sản phẩm không đúng công dụng như quảng cáo.
Hàng loạt nghệ sĩ như Đức Thịnh, Ưng Hoàng Phúc, Ngân Quỳnh, Mỹ Uyên, Hoàng Sơn, Hoàng Mập… đã khiến dư luận xôn xao khi xuất hiện trong clip quảng cáo liệu trình “siêu giảm béo”, tất nhiên, lại sai sự thật. Cơ sở phòng khám tại TP.HCM được gắn với quảng cáo liệu trình này đã bị xử phạt vi phạm hành chính và tước giấy phép hoạt động.
Tiếp đến việc rầm rộ nghệ sĩ quảng cáo tiền ảo, giới thiệu vòng, nhẫn phong thủy, tâm linh. Diễn viên Thanh Hương trong một thời gian dài khiến cánh chị em liên tiếp móc hầu bao cho những món mỹ phẩm được quảng cáo vô tội vạ. MC Cát Tường trong một bài đăng quảng cáo sữa tự tin kể ra một loạt các công dụng “thần thánh” chẳng khác nào thuốc chữa bệnh xương khớp, có thể khiến người dùng lập tức hết bệnh chỉ sau thời gian ngắn…
Xung quanh câu chuyện này, PGS.TS Phạm Ngọc Trung, nguyên Trưởng khoa Văn hóa và phát triển, Học viện Báo chí và tuyên truyền cho rằng, nhiều nghệ sĩ chưa sử dụng sản phẩm nhưng khẳng định chắc nịch về công dụng của sản phẩm đó.
“Nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật không chỉ có một vài trường hợp lẻ tẻ. Đây là hiện tượng tương đối phổ biến. Nhiều người cố tình quảng cáo sai về chất lượng sản phẩm, để công chúng vì yêu mến họ mà xuống tiền mua sản phẩm. Vấn đề này liên quan đến nhận thức, đạo đức của nghệ sĩ và cả những người kinh doanh, phân phối sản phẩm”, PGS.TS Phạm Ngọc Trung nói. Ông khẳng định, nghệ sĩ khi nhận lời quảng cáo sản phẩm phải gắn ý thức trách nhiệm của mình với sản phẩm đó. Thiết lập thị trường quảng cáo văn minh, chính xác, trong sạch là mong ước của công chúng trên mạng xã hội và cả đời thực. Người nổi tiếng trong giới giải trí có tầm ảnh hưởng rộng lớn, được nhiều khán giả tin tưởng. Vì vậy, khi quảng cáo nghệ sĩ cần có trách nhiệm với xã hội.
Thời gian vừa qua, không ít quảng cáo của nghệ sĩ, nhất là trên các trang mạng xã hội gây ra nhiều ý kiến trái chiều, trong đó có nhiều ý kiến lên án việc quảng cáo sản phẩm không bảo đảm chất lượng, thậm chí có dấu hiệu lừa dối khách hàng.
Để chấn chỉnh mặt trái này, mới đây, một nội dung được nhấn mạnh tại Tờ trình của Bộ VHTTDL gửi Bộ Tư pháp thẩm định về đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo là, “đề xuất bổ sung khái niệm “người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có tầm ảnh hưởng”; quy định trách nhiệm và hoạt động quảng cáo của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có tầm ảnh hưởng”.
Bà Vũ Thu Thủy, Trưởng phòng Quản lý hoạt động Quảng cáo và Tuyên truyền (Cục Văn hóa cơ sở, Bộ VHTTDL) cho biết, nội dung được Bộ đề nghị đưa vào Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo nhằm quy định trách nhiệm và hoạt động quảng cáo của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có tầm ảnh hưởng, sẽ tháo gỡ những bất cập, chấn chỉnh hành vi tuỳ tiện của nhiều nghệ sĩ, KOLs trong việc chuyển tải sản phẩm quảng cáo đến công chúng, người tiêu dùng.
“Đây là một thực tế đang đặt ra yêu cầu cần có chế tài pháp luật điều chỉnh. Những việc làm như livestream bán hàng và đăng trạng thái cảm xúc từ các nghệ sĩ, diễn viên, KOLs dự kiến sẽ được điều chỉnh tại Luật Quảng cáo sửa đổi, trước đó đã được quy định một phần ở Luật Tiêu dùng. Người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có tầm ảnh hưởng có nhiều đối tượng sở hữu các tài khoản mạng xã hội rất đông lượt người theo dõi. Luật Quảng cáo sửa đổi sẽ nghiên cứu, đưa ra những chế tài chặt chẽ để quản lý những đối tượng, hành vi này…”, bà Thủy cho biết. Sẽ không còn cảnh tượng nghệ sĩ xơi xơi, băm bổ đưa ra các sản phẩm làm đẹp, thực phẩm chức năng… trên các tài khoản cá nhân có nhiều ngàn lượt người theo dõi. Bà Thủy cho rằng: “Người nổi tiếng thì phải có trách nhiệm với việc làm của mình, không thể bừa bãi. Dự kiến sẽ có quy định về hoạt động quảng cáo của người có tầm ảnh hưởng phải có văn bản thỏa thuận với tổ chức, cá nhân có sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo và phải được tổ chức, cá nhân đó đồng ý, xác nhận vào nội dung quảng cáo trước khi thực hiện, khi đăng tải ý kiến, cảm nhận về việc sử dụng hàng hóa, dịch vụ trên trang mạng xã hội khi có bằng chứng cụ thể về việc trực tiếp sử dụng sản phẩm…”.
Cũng chia sẻ xung quanh câu chuyện này, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhìn nhận, việc Bộ VHTTDL đề xuất nghệ sĩ phải thẩm định sản phẩm trước khi quảng cáo là một vấn đề rất đáng quan tâm. Tuy nhiên, ông Sơn cũng cho rằng, để thực hiện được cần có sự cân nhắc và thảo luận kỹ lưỡng giữa các cơ quan quản lý, các nghệ sĩ, và các chuyên gia liên quan để tạo ra một hệ thống thẩm định hợp lý và đáng tin cậy.
“Gốc gác của câu chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” này vẫn là ý thức trách nhiệm của nghệ sĩ trước công chúng. Để xử lý quản lý nghệ sĩ quảng cáo một cách rốt ráo, cần có những định hướng, tuyên truyền và hành lang pháp lý rõ ràng. Đây là cơ hội để tạo ra một thế hệ nghệ sĩ quảng cáo chuyên nghiệp, có trách nhiệm đạo đức với nghề nghiệp. Càng nổi tiếng, càng cần điều này”, ông Sơn chia sẻ.