Ngành xuất bản thu gần 3.000 tỷ đồng năm 2021
Vượt qua năm 2021 nhiều khó khăn, ngành xuất bản làm ra hơn 400 triệu bản sách, doanh thu tăng so với những năm trước.
Vượt lên những thách thức bởi đại dịch trong năm 2021, các nhà xuất bản và đơn vị ngành sách đã tìm những hướng đi riêng, đạt kết quả sản xuất, kinh doanh khả quan.
Doanh thu tăng
Dù đối mặt nhiều khó khăn, doanh thu ngành xuất bản năm 2021 vẫn đạt tăng trưởng, thậm chí cao hơn năm 2019 – năm trước đại dịch.
Tổng doanh thu toàn ngành đạt 2.996 tỷ đồng (tăng 12,4% so với năm 2020); nộp ngân sách 260 tỷ đồng (tăng 71,7%). Lợi nhuận toàn ngành (sau thuế) đạt 384 tỷ đồng (tăng 80,7%).
Trong năm 2021, ngành xuất bản đối mặt nhiều khó khăn khi chi phí nguyên vật liệu tăng, hoạt động xuất bản bị gián đoạn do giãn cách kéo dài, sức mua giảm, thiếu nhân lực hoạt động… Trong bối cảnh đó, số đầu sách và bản sách giảm nhẹ.
Theo tổng kết của Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến hết ngày 31/12/2021, tổng số xuất bản phẩm nộp lưu chiểu là 32.948 (giảm 9%); số bản sách làm ra là 400 triệu (giảm 0,7%).
Trong đó, sách giáo khoa, giáo trình, sách tham khảo chiếm ưu thế (34% cơ cấu sách). Tỷ lệ xuất bản phẩm bình quân đầu người đạt 4,08 bản/người/năm (giảm 1,2% so với năm 2020).
Trong bối cảnh chưa thể tăng trưởng về số lượng sách, các đơn vị xuất bản đã tập trung cho chất lượng. Nhiều xuất bản phẩm có giá trị tuyên truyền bảo vệ chủ quyền, biển đảo; quảng bá hình ảnh, văn hóa con người Việt Nam; phục vụ phát triển kinh tế, khoa học công nghệ, hướng dẫn kỹ năng khởi nghiệp…
Bên cạnh đó, những cuốn sách có nội dung liên quan phòng, chống dịch bệnh Covid-19, ca ngợi tình cảm, nhiệt huyết của đội ngũ làm công tác phòng, chống dịch và việc phục hồi kinh tế thời dịch bệnh cũng được các nhà xuất bản chủ động khai thác.
Đặc biệt, một số cuốn sách thu hút nhiều bạn đọc, phát hành số lượng lớn như: Muôn kiếp nhân sinh in 340.000 bản, Nhà giả kim in 310.000 bản; Hành trình về phương Đông in 87.000 bản, Sapiens – Lược sử loài người in 44.000 bản, Từ tốt đến vĩ đại in 33.000 bản…
Các chỉ số trên cho thấy nỗ lực của các nhà xuất bản trong việc nắm bắt thị trường, nhu cầu của độc giả. Đơn vị ngành sách cũng thích ứng nhanh nhạy để chuyển đổi các hình thức kinh doanh, quảng bá sách.
Trước những biến động của thị trường lao động sau đại dịch, tổng số lao động của các nhà xuất bản vẫn cơ bản được giữ vững, không bị xáo trộn, góp phần làm cho hoạt động của nhà xuất bản ổn định.
Thúc đẩy xuất bản điện tử, phát triển văn hóa đọc
Nắm bắt xu thế chuyển đổi số, tìm hướng đi mới trong khó khăn, một số đơn vị phát triển hoạt động xuất bản điện tử, phát hành trực tuyến, thúc đẩy ứng dụng công nghệ.
Đến nay, 12 nhà xuất bản được thực hiện xuất bản phẩm điện tử (tăng 33% so với 2020). Lượng xuất bản phẩm điện tử là 2.300 (tăng 12%).
Một số doanh nghiệp phát hành sách nói có tăng trưởng tốt. Các sàn thương mại điện tử chuyên biệt về phát hành sách có mức tăng trưởng cao.
Hội sách trực tuyến quốc gia lần thứ hai tại địa chỉ Book365.vn đưa 40.000 bản sách đến bạn đọc, hơn 6 triệu lượt truy cập, doanh thu đạt trên 4,5 tỷ đồng (tăng gấp 3,5 lần so với năm 2020).
Song song thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, năm 2021 đánh dấu bước tiến quan trọng trong phát triển văn hóa đọc.
Ngày 4/11/2021, Chính phủ ra Quyết định về việc tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam. Đây là tiền đề mở ra nhiều hoạt động, dự án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.
Nhiều đơn vị ngành sách đã hưởng ứng, chung tay tổ chức các dự án ý nghĩa như: Bảo tàng Sách và Văn hóa đọc, giải thưởng “Khuyến đọc Việt Nam”, dự án xây dựng không gian đọc trong nhà văn hóa để đưa sách đến vùng nông thôn…
Nhiều chương trình, dự án tặng sách, khuyến đọc ý nghĩa được thực hiện như “Sách hay cho học sinh tiểu học”, “Chuyến tàu mùa thu”…
Giải thưởng sách Quốc gia lần thứ tư đã trở thành một trong những giải thưởng uy tín của lĩnh vực báo chí, xuất bản, văn hóa văn nghệ. 24 tác phẩm xuất sắc được tôn vinh, trong đó, nổi bật là chủ đề dành cho thiếu nhi với một giải A, 4 giải B, 2 giải C.
Giải thưởng trở thành nguồn động viên, cổ vũ cho các tác giả, dịch giả và đông đảo người làm sách, lan tỏa những tác phẩm giá trị tới công chúng, đồng thời đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc thúc đẩy văn hóa đọc phát triển.
Tại một hội nghị về xuất bản diễn ra hồi tháng một ở Hà Nội, ông Phạm Anh Tuấn – Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông – nói trong điều kiện rất khó khăn, những người làm xuất bản đã không chùn bước, đoàn kết, sáng tạo và chủ động tìm ra các giải pháp, thực hiện nhiều bước đi chuyển đổi số nhằm duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.
Nhờ đó, không chỉ duy trì được các hoạt động sản xuất kinh doanh, một số nhà xuất bản còn có những bước đột phá, vừa hoàn thành nhiệm vụ chính trị, vừa có bước tăng trưởng nhất định.
Nguồn: Zingnews.vn