Ngành gỗ vẫn chưa hết khó, TTF lỗ trở lại
Kết thúc quý II/2023, TTF lỗ ròng 28 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ 4 tỷ đồng. Đây cũng là quý lỗ nặng nhất của doanh nghiệp ngành gỗ này kể từ quý I/2021.
Theo Báo cáo tài chính quý II/2023, Công ty CP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (HoSE: TTF) ghi nhận doanh thu thuần đạt 388 tỷ đồng, giảm 38% so với cùng kỳ. Do giá vốn giảm chậm hơn doanh thu, nên lợi nhuận gộp của doanh nghiệp ngành gỗ này chỉ đạt 21 tỷ đồng, giảm 74% so với cùng kỳ năm trước.
Điểm sáng trong kỳ này là doanh nghiệp ghi nhận khoản lãi 3,4 tỷ đồng từ công ty liên doanh liên kết, tăng 27% so với cùng kỳ. Đồng thời, doanh nghiệp cũng cắt giảm được hầu hết các chi phí. Theo đó, chi phí tài chính giảm 15%, chi phí bán hàng giảm 39% và chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 24%. Doanh nghiệp cũng ghi nhận khoản lợi nhuận khác đạt 18 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ năm trước.
Mặc dù vậy, kết thúc quý II, TTF vẫn lỗ ròng 28 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ 4 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, TTF ghi nhận doanh thu thuần đạt 720 tỷ đồng, giảm 38% so với cùng kỳ, lỗ ròng 25 tỷ đồng.
Tại thời điểm cuối quý II, tổng tài sản của TTF đạt hơn 2.936 tỷ đồng, giảm nhẹ hơn 2,3% so với đầu năm, trong đó, tài sản ngắn hạn chiếm gần 1.900 tỷ đồng. Doanh nghiệp có 150 tỷ tiền mặt và tiền gửi ngân hàng; Khoản phải thu ở mức gần 773 tỷ đồng, tăng 100 tỷ so với đầu năm. Giá trị hàng tồn kho đạt hơn 710 tỷ đồng, doanh nghiệp trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho hơn 140 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh ảm đạm của TTF diễn ra trong bối cảnh ngành gỗ Việt Nam đang đối diện với hàng loạt khó khăn như đơn hàng xuất khẩu sụt giảm do ảnh hưởng bởi lạm phát tại Mỹ và châu Âu, cuộc chiến tranh giữa Nga – Ukaraine, cùng với sự trầm lắng của thị trường bất động sản trong nước.
Trong văn bản giải trình biện pháp và lộ trình khắc phục tình trạng chứng khoán bị đưa vào diện cảnh báo quý II/2023 mới đây, Chủ tịch TTF Mai Hữu Tín cho biết, TTF tập trung thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2023 với các chỉ tiêu do ĐHĐCĐ thường niên 2023 giao trong bối cảnh khó khăn do ảnh hưởng xung đột Nga – Ukraine.
Sự biến động kinh tế toàn cầu khiến cho hoạt động giao thương, xuất nhập khẩu bị ảnh hưởng, đặc biệt là ngành sản xuất, chế biến gỗ, nhiều doanh nghiệp gỗ phải đóng cửa, cắt giảm lao động, lạm phát làm nhu cầu tiêu dùng nhóm hàng này giảm mạnh so với những năm trước. Thị trường chứng khoán và thị trường ngoại hối không ổn định, giá nguyên vật liệu tăng làm ảnh hưởng tới chi phí đầu tư và sản xuất kinh doanh của công ty.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong 6 tháng đầu năm 2023 xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt gần 6,06 tỷ USD, giảm 27,9% so với 6 tháng năm 2022; trong đó, riêng sản phẩm gỗ xuất khẩu đạt trên 4,13 tỷ USD, chiếm 68,2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này, giảm 31,9%.
Nhóm hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Mỹ, riêng tại thị trường này đã chiếm tới 54% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước, đạt gần 3,27 tỷ USD, giảm 32,8% so với cùng kỳ năm trước. Riêng tháng 6/2023 xuất khẩu sang thị trường Mỹ đạt 622,66 triệu USD, giảm 1% so với tháng 5/2023 và giảm 19,2% so với cùng kỳ.
Một số thị trường khác, mặc dù đạt kim ngạch xuất khẩu cao, nhưng cũng giảm mạnh so với cùng kỳ như: Nhật Bản đạt 812,82 triệu USD, chiếm 13,4%, giảm 3,7%; Trung Quốc đạt 706,57 triệu USD, chiếm 11,7%, giảm 25,4%; Hàn Quốc 394,4 triệu USD, chiếm 6,5%, giảm 25,6%. Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường Đông Nam Á đạt 131,08 triệu USD, chiếm 2,2%, giảm 13%.
Theo giới chuyên gia, nguyên nhân của sự sụt giảm này là do sức mua kém, đơn hàng giảm. Bên cạnh đó, tại thị trường Mỹ, ngành gỗ đã phải đối diện với các cuộc điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp từ năm 2020 và đến nay, sau 7 lần trì hoãn, Bộ Thương mại Mỹ vẫn chưa đưa ra phán quyết cuối cùng.
“Các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đang cùng lúc đối diện với những khó khăn chưa từng có khi lâm vào tình trạng khan hiếm đơn hàng, cạn kiệt dòng tiền, đối mặt với các rào cản thương mại từ Mỹ và xuất hiện rào cản mới của thị trường EU… Do vậy, khả năng đẩy mạnh xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong những tháng cuối năm sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn”, một vị chuyên gia nhận định.