Ngành Đồ uống khó chồng khó trước đề xuất tăng Thuế tiêu thụ đặc biệt

Mới đây, Bộ Tài chính đã công bố dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) sửa đổi dự kiến sẽ trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp tháng 5/2025. Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế TTĐB đối với sản phẩm rượu, bia, và bổ sung mặt hàng nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế TTĐB.

Sau khi nhận được các phản hồi và trao đổi từ cộng đồng doanh, Hiệp hội Bia – Rượu, Nước giải khát Việt Nam (VBA) đã có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc; Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí và Ban soạn thảo hồ sơ Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt kiến nghị xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng, thấu đáo về việc tăng Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với một số sản phẩm đồ uống trong bối cảnh hiện nay.

Ngành Đồ uống khó chồng khó trước đề xuất tăng Thuế tiêu thụ đặc biệt
Ảnh minh họa

Thực trạng khó khăn của ngành đồ uống hiện nay

Theo Chủ tịch VBA Nguyễn Văn Việt, trong giai đoạn từ năm 2020 tới nay, ngành đồ uống đã liên tục phải chịu rất nhiều tác động lớn từ dịch bệnh, xung đột chính trị thế giới, các chính sách hạn chế đồ uống có cồn… dẫn tới sự sụt giảm báo động và ghi nhận sự “tụt dốc” về nhiều chỉ tiêu sản lượng, doanh thu, lợi nhuận của các doanh nghiệp.

Ngành đồ uống là mặt hàng chịu nhiều hạn chế từ 4 Luật lớn (Luật phòng chống tác hại rượu bia, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật thương mại, Luật quảng cáo, thương mại điện tử, bảo vệ môi trường… Các chính sách hỗ trợ cắt giảm thuế giá trị gia tăng không được áp dụng đối với ngành đồ uống có cồn. Nhu cầu tiêu thụ đồ uống giảm do thu nhập người dân bị ảnh hưởng sau đại dịch. Hệ thống nhà hàng, quán ăn đều ghi nhận lượng khách giảm mạnh dẫn tới phải đóng cửa hoặc cắt giảm nhân viên, giảm quy mô… Kéo theo ảnh hưởng tới cả chuỗi cung cấp, thậm chí tới cả ngành du lịch và ngành nông nghiệp.

Cùng với đó là những quy định liên quan đến xử lý vi phạm nồng độ cồn đã khiến các doanh nghiệp ngành rượu, bia giảm sút sản lượng, doanh thu. Đặc biệt, giá nguyên liệu đầu vào đối với ngành sản xuất đồ uống tăng cao từ 15%-30%, malt là nguyên liệu đầu vào chiếm tỉ trọng lớn trong giá thành sản xuất tăng khoảng 30-40% so với mức giá bình quân năm 2022.

Các doanh nghiệp rượu phải đối mặt vấn nạn rượu trôi nổi, không rõ nguồn gốc, không được quản lý chiếm tới gần 70% lượng rượu tiêu thụ, ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp chính thống. Cùng với đó, một loạt các chính sách, dự Luật Thuế Giá trị gia tăng (sửa đổi), Quảng cáo (sửa đổi), tăng lương tối thiểu… đều tác động tới sản xuất kinh doanh làm tăng chi phí của doanh nghiệp. Mặt khác doanh nghiệp còn phải thực hiện các nghĩa vụ chính sách bắt buộc về bảo vệ môi trường từ năm 2024, chuyển đổi sang sử dụng các nguồn nguyên liệu xanh, bảo vệ môi trường, cắt giảm khí phát thải nhà kính…

Trong những năm gần đây, ngành bia cả nước sụt giảm mạnh về sản lượng, doanh thu, lợi nhuận và đã có nhà máy phải đóng. Theo số liệu của Hiệp hội có được, Heineken Việt Nam lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ đã chứng kiến sự sụt giảm hai con số trong năm 2023. Sabeco từ năm 2021 tới nay đều tăng trưởng âm so với năm 2019 cả về sản lượng, doanh thu, lợi nhuận từ một tới hai con số. Các nhà máy sản xuất gia công trong hệ thống kiệt quệ bởi giá đầu vào tăng 20 – 40%, trong khi giá bán không thể tăng. Habeco phản ánh năm 2023 sản lượng tiêu thụ giảm khoảng 30% so với năm 2019, ngân sách giảm 10% và phải cắt giảm 25% lao động. Halico liên tục thua lỗ từ nhiều năm nay, đến cuối năm 2023, Halico đã ghi nhận lỗ quý thứ 27 liên tiếp, luỹ kế lên đến 457,7 tỷ đồng.

Đề xuất giãn lộ trình tăng thuế một các hợp lý để tránh gây “sốc” cho  doanh nghiệp

Ông Nguyễn Văn Việt cho biết, khi tăng thuế làm giá sản phẩm tăng cao, người tiêu dùng sẽ có xu hướng chuyển sang các mặt hàng khác rẻ tiền hơn, tiêu dùng các sản phẩm trôi nổi, chất lượng kém, hàng lậu, hàng giả… Việc tăng thuế sẽ tạo ra khoảng cách lớn về lợi ích giữa sản phẩm chính thống và bất hợp pháp, kéo theo nguy cơ hàng lậu sẽ tăng cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với sức khỏe người tiêu dùng, phát sinh chi phí cho các cơ quan quản lý thị trường, hải quan chống hàng lậu.

Hiệp hội mong muốn Ban soạn thảo tham khảo thêm các kinh nghiệm quốc tế, đặc biệt là bài học từ các quốc gia láng giềng có điều kiện hoàn cảnh gần với Việt Nam như Trung Quốc, Thái Lan. Bên cạnh giải pháp tăng thuế, cần nghiên cứu và thực hiện các giải pháp, thực thi nghiêm chống hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ để bảo vệ các doanh nghiệp kinh doanh hợp pháp, chống thất thu ngân sách và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Tổng tổn thất tài chính từ khu vực phi chính thức vào khoảng 2.816 triệu USD. Trong đó, tổn thất tài chính từ việc sản xuất là 751 triệu USD, từ các hoạt động buôn lậu và sản xuất hàng giả, hàng nhái vào khoảng 2.015 triệu USD5 .

Theo đó, ông Nguyễn Văn Việt kiến nghị xem xét giảm mức tăng thuế và giãn lộ trình tăng một cách hợp lý để tránh gây “sốc”; ổn định thị trường, tạo điều kiện để doanh nghiệp thích nghi với việc tăng thuế trong trong thời gian tới:

Cụ thể, đối với bia, từ ngày 1/1/2027 – 31/12/2028 áp thuế TTĐB ở mức 70%; từ ngày 1/1/2029- 31/12/2030 tăng lên 75%; từ ngày 1/1/2031 là 80%.

Đối với rượu từ 20 độ trở lên, từ ngày 1/1/2027 – 31/12/2028 áp thuế ở mức 70%; từ ngày 1/1/2029- 31/12/2030 tăng lên 75%; từ ngày 1/1/2031 là 80%.

Đối với rượu dưới 20 độ, từ ngày 1/1/2027 – 31/12/2028 là 40%; từ ngày 1/1/2029- 31/12/2030 tăng lên 45%; từ ngày 1/1/2031 là 50%.

Ngoài ý kiến đề xuất như trên, Heineken Việt Nam cũng đề xuất xem xét mức thuế khác nhau đối với bia dưới 5,5 độ; từ 5,5 – 15 độ và trên 15 độ theo tinh thần Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia.

Đối với lĩnh vực nước giải khát, VBA kiến nghị xem xét bỏ điểm l khoản 1 Điều 2 của dự thảo Luật, không bổ sung nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) có hàm lượng đường trên 5g/100ml, vào đối tượng chịu thuế TTĐB.

Việc áp thuế TTĐB lên nước giải khát (“NGK”) có đường là không khả thi trong việc đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ thừa cân béo phì bởi béo phì là một căn bệnh phức tạp do nhiều yếu tố gây ra bao gồm nạp dư thừa năng lượng, thiếu hoạt động thể chất. Sử dụng NGK có đường không phải là nguyên nhân chính và duy nhất.

Việc áp thuế TTĐB lên NGK có đường là không hiệu quả trong việc tác động lên hành vi của người tiêu dùng bởi hiệu ứng thay thế khi người tiêu dùng có thể tiêu thụ các loại thực phẩm và đồ uống khác có hàm lượng đường và ca-lo cao hơn NGK như sữa, Milo, bánh ngọt.

Mức tiêu thụ nước giải khát ở Việt Nam không cao so với nhiều quốc gia khác trên thế giới. Nhiều nước tiêu dùng NGK cao hơn nhiều so với Việt Nam không áp thuế TTĐB lên sản phẩm này. Thực tiễn cũng cho thấy một số nước đã áp dụng chính sách thuế TTĐB đối với đồ uống có đường nhưng không đạt được mục tiêu về sức khỏe của chính sách và phải bãi bỏ chính sách thuế sau một thời gian áp dụng.

Việc áp thuế TTĐB lên nước giải khát có đường có tác động lớn tới đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp là ngành NGK và các ngành công nghiệp phụ trợ có liên quan như ngành mía đường, bao bì, bán lẻ và hậu cần ở Việt Nam, đặc biệt là ảnh hưởng tới các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Lê Quân

Bài Viết Liên Quan

Back to top button