Ngành dệt may “minh chứng” cho sức sống mãnh liệt của doanh nghiệp Việt Nam
Thành công của ngành dệt may và Tập đoàn Dệt may Việt Nam là minh chứng cho sức sống mãnh liệt của doanh nghiệp Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh khi đến thăm Tập đoàn Dệt may Việt Nam, ngày 8/2.
Đến thăm Tập đoàn Dệt may Việt Nam trong ngày đầu Xuân mới Nhâm Dần, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ mong muốn, với bước phát triển nhảy vọt trong điều kiện khó khăn khắc nghiệt của năm 2021, Tập đoàn và các doanh nghiệp thành viên sẽ nỗ lực hơn nữa, tiếp tục dệt nên những ước mơ, khát vọng, hoài bão và niềm tin vào chính mình, vào tương lai, tiền đồ của đất nước để gặt hái được những thành công, kỳ tích mới.
Tiếp tục dệt nên những khát vọng và hoài bão
Trao đổi với lãnh đạo Tập đoàn tại trụ sở chính và trò chuyện trực tuyến với các cán bộ, công nhân ưu tú đại diện cho hơn 150.000 người lao động của Tập đoàn tại gần 70 điểm cầu ở 31 tỉnh, thành phố trong cả nước, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá, năm 2021 là năm thử thách khắc nghiệt nhất đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp do tác động của đại dịch Covid – 19, trong đó Dệt may là một trong những ngành thâm dụng lao động nhất nên tác động tiêu cực của dịch bệnh càng nặng nề hơn.
“Tuy nhiên, “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, ngành dệt may đã vững vàng vượt qua mọi khó khăn, không những trụ vững mà còn đạt được những kết quả phát triển hết sức ấn tượng với kim ngạch xuất khẩu đạt trên 40,4 tỷ USD, tăng trưởng gần 15%, vượt mức tăng trưởng của năm 2019 dù 19 tỉnh phía Nam gần như phải ngừng sản xuất trong suốt quý III. Đặc biệt, ngành dệt may Việt Nam vẫn giữ được vị trí quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói.
Trong thành công chung của ngành, Tập đoàn Dệt may Việt Nam đã giữ vững và phát huy được vai trò đầu tàu, hạt nhân, đạt kết quả tốt nhất trong vòng 25 năm trở lại đây, thậm chí có bước phát triển nhảy vọt khi lợi nhuận năm 2021 ước trên 1.440 tỷ đồng (gấp 2,5 lần năm 2020), đạt tỷ suất lợi nhuận trên vốn gần 29% và vượt 90% kết quả của năm 2019 – là năm có kết quả hoạt động tốt nhất trước đại dịch. Tập đoàn đã duy trì việc làm cho toàn bộ lao động với thu nhập bình quân trên 8,2 triệu đồng/người/tháng.
Ngay trong giai đoạn thực hiện Chỉ thị 15 ở các tỉnh phía Nam, Tập đoàn vẫn cố gắng duy trì lương tối thiểu vùng cho người lao động không thể đi làm, chăm lo tốt cho người lao động dịp Tết với mức thưởng Tết bình quân đạt trên 14 triệu đồng/người, hàng chục nghìn lao động được nhận quà tết của Công đoàn Dệt may và các Công đoàn cơ sở.
Tập đoàn còn tận dụng được cơ hội trong điều kiện đại dịch để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh; thực hiện chuyển đổi số thành công bước đầu; tận dụng được cơ hội của thị trường xuất khẩu khi có dịch chuyển chuỗi cung ứng sau dịch bệnh, đáp ứng được các yêu cầu mới của chuỗi toàn cầu do dịch bệnh gây ra như làm việc trực tuyến, giảm khâu trung gian, thời gian giao hàng ngắn, đơn hàng nhỏ lẻ hơn và nhiều loại sản phẩm mới…
Biểu dương những thành tựu này, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, ngành dệt may, trong đó có Tập đoàn Dệt may Việt Nam “đã làm nên những điều kỳ diệu. Càng trong khó khăn, thử thách thì càng có sức bật mạnh mẽ. Thành công của ngành dệt may và Tập đoàn Dệt may Việt Nam là minh chứng hết sức sinh động cho sức sống mãnh liệt và tinh thần linh hoạt, đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp Việt Nam nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và cạnh tranh ngày càng gay gắt”.
Năm 2022 là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và các Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm, kế hoạch tài chính 5 năm, kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế 5 năm giai đoạn 2021-2025… Trong khi đó, tình hình dịch bệnh Covid– 19 vẫn còn diễn biến phức tạp; kinh tế thế giới phục hồi nhưng chưa đồng đều; rủi ro, bất ổn tài chính, nợ công, lạm phát còn tiềm ẩn và sự phục hồi kinh tế trong nước chưa được như kỳ vọng; sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và sinh kế của người dân, nhất là ở những địa bàn chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid – 19 vừa qua vẫn còn rất nhiều khó khăn.
Trong bối cảnh đó, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cần tiếp tục cố gắng, nỗ lực vượt bậc và thực chất hơn nữa. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tập đoàn Dệt mayViệt Nam cần tổng kết, đúc rút những kinh nghiệm hay, bài học đắt giá từ thực tiễn hai năm vừa qua. Tuyệt đối không được “ngủ quên trên vòng nguyệt quế”.
Phải chủ động thích ứng với sự thay đổi của dòng vốn đầu tư toàn cầu và chuỗi cung ứng khu vực, toàn cầu; nắm bắt các cơ hội, các xu hướng thay đổi trong chuỗi cung ứng quốc gia cũng như mối quan hệ trong chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu.
Tiếp tục tái cơ cấu mạnh mẽ cả về thị trường và chuỗi giá trị sản phẩm, quản trị sản xuất, nhân sự và tài chính, đặt trọng tâm vào đổi mới sáng tạo trong mô hình quản lý, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, tiên phong trong mô hình công nghệ mới, xây dựng mô hình doanh nghiệp sạch, sản xuất xanh và phát triển bền vững.
Cùng với thị trường xuất khẩu, phải chú trọng hơn nữa thị trường nội địa, với quy mô 100 triệu dân, đang có nhu cầu rất lớn cả về số lượng và chất lượng các sản phẩm may mặc, thời trang thì đây là thị trường lớn và hết sức tiềm năng.
Do đó, Tập đoàn cần chú trọng các dòng sản phẩm phù hợp với nhu cầu của thị trường trong nước, có chất lượng tốt, giá thành hợp lý, tạo điều kiện cho các tầng lớp nhân dân, nhất là người có thu nhập thấp, người nghèo tiếp cận được sản phẩm.
Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh yêu cầu xây dựng thương hiệu thời trang Việt Nam, từ thị trường nội địa hướng ra thị trường quốc tế. Dệt may Việt Nam không thể cứ gia công mãi mà phải phát triển ngành công nghiệp thời trang. Hiện nay, Tập đoàn đã có những điều chỉnh về chiến lược phát triển trong giai đoạn tới.
Theo Chủ tịch Quốc hội, việc điều chỉnh này phải hướng đến mục tiêu từng bước vươn lên các thang bậc cao hơn trong chuỗi giá trị về thiết kế và thương hiệu của ngành dệt may toàn cầu, quyết tâm nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm dệt may Việt Nam. Tập đoàn cần tiếp tục làm tốt hơn nữa vai trò hạt nhân, đầu tàu trong thực hiện quyết tâm này.
Xây dựng mối quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ
Để làm được điều đó, ngay từ những ngày đầu năm 2022, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tập đoàn sớm xây dựng và tổ chức thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo yêu cầu tại các Nghị quyết của Quốc hội và Chương trình phòng, chống dịch Covid-19 giai đoạn 2022 – 2023 của Chính phủ bảo đảm thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.
Tiếp tục rà soát, phủ kín vaccine cho người lao động của Tập đoàn, động viên gia đình người lao động tiêm chủng vaccine để hạn chế tối đa tình trạng lây nhiễm chéo. Tuyệt đối không được lơ là, mất cảnh giác trong công tác phòng, chống dịch.
Tập đoàn cần tích cực, chủ động tận dụng mọi cơ hội từ gói chính sách tài khoá, tiền tệ hỗ trợ phục hồi kinh tế – xã hội vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất và Nghị quyết số 11 ngày 30.1.2022 của Chính phủ.
“Chúng ta phải nhận thức được ngành dệt may luôn có vai trò quan trọng trong nền kinh tế và rất quan trọng trong tiến trình phục hồi kinh tế của năm 2022. Do đó, Chính phủ và các bộ, ngành cần sớm có hướng dẫn để tập trung triển khai gói chính sách hỗ trợ này”.
Nhấn mạnh điều này, Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ rõ, cần sớm khôi phục hoàn toàn thị trường bằng cả các biện pháp về kinh tế, tài chính, tín dụng, lãi suất, thuế… Theo yêu cầu của Quốc hội, lãi suất không được tăng mà còn phải giảm. Đồng thời, sớm khắc phục tình trạng thiếu hụt về lao động và tổ chức lại lao động, bảo đảm hoàn thành đúng thời hạn với chất lượng cao nhất các đơn hàng ngay từ đầu năm.
Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý Tập đoàn cần tiếp tục củng cố, xây dựng mối quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ. Tăng cường công tác xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, phát huy vai trò của tổ chức công đoàn trong việc tập hợp, đoàn kết và xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh, lực lượng tiên phong trong thực hiện nhiệm vụ phát triển đất nước nhanh và bền vững; thúc đẩy, bảo vệ để công nhân và người lao động được thụ hưởng những thành quả xứng đáng đóng góp cho Tập đoàn và đất nước.
Tại cuộc làm việc, Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam Lê Tiến Trường đã nêu một số kiến nghị về ổn định kinh tế vĩ mô; sớm có hướng dẫn để doanh nghiệp được hưởng các chính sách từ gói chính sách tài chính, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi kinh tế – xã hội; cắt giảm chi phí logistic; linh hoạt sử dụng giờ làm thêm tối đa trong năm…
Cho rằng các kiến nghị này rất xác đáng, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, các bộ ngành quyết liệt triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, giúp các doanh nghiệp sớm khôi phục sản xuất; tiếp tục tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi nhất cho doanh nghiệp.
Liên quan đến kiến nghị về cho phép doanh nghiệp sử dụng linh hoạt tổng số giờ làm thêm trong năm, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ sớm xem xét, quyết định theo thẩm quyền.
Chủ tịch Quốc hội mong muốn, Tập đoàn Dệt may Việt Nam và các doanh nghiệp thành viên tiếp tục dệt nên những ước mơ, dệt nên khát vọng, dệt nên hoài bão, dệt nên niềm tin vào chính mình, vào tương lai, tiền đồ của đất nước, khi đó, chắc chắn sẽ dệt nên những thành công, kỳ tích mới.
Với mãnh lực vươn lên của năm Nhâm Dần, Chủ tịch Quốc hội tin tưởng Tập đoàn sẽ vượt qua mọi khó khăn, thử thách, tăng cường năng lực cạnh tranh bằng tốc độ của niềm tin, sức mạnh của niềm tin và gặt hái được nhiều thành công hơn.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn