Ngân hàng tiếp tục cơ cấu lại danh mục trái phiếu doanh nghiệp

Bên cạnh sự chuyển động tích cực từ trái phiếu doanh nghiệp phát hành mới, nhiều ngân hàng vừa là tổ chức phát hành vừa là nhà đầu tư lớn, cũng đang cơ cấu lại hoạt động trái phiếu.

Ngân hàng tiếp tục cơ cấu lại danh mục trái phiếu doanh nghiệp

Các NHTM đang tích cực mua lại trái phiếu trước hạn. Ảnh: BVB

Tăng cường mua lại trái phiếu trước hạn

Mới đây, BIDV vừa công bố triển khai mua lại trước hạn 2 lô trái phiếu.

Thứ nhất là lô trái phiếu mã BID2RL2023. Khối lượng trái phiếu mua lại theo mệnh giá là 232 tỷ đồng. Đây là loại trái phiếu phát hành có kỳ hạn 8 năm, lãi suất thả nổi, trái phiếu không chuyển đổi, không tài sản đảm bảo, không kèm chứng quyền. Thời gian dự kiến triển khai mua lại vào 24/4/2023.

Thứ hai là lô trái phiếu mã DIB2RL2007. Khối lượng trái phiếu mua lại theo mệnh giá là 206 tỷ đồng. Đây cũng là loại trái phiếu 3 không, kỳ hạn 8 năm, lãi suất thả nổi. Thời gian dự kiến triển khai mua lại vào 8/5/2023.

Trước đó cuối tháng 3, Ngân hàng Bản Việt (BVB) thông báo đã hoàn tất việc mua lại toàn bộ trái phiếu phát hành ra công chúng đợt 1 năm 2021 – 2022, đủ thời hạn 15 tháng cam kết với khách hàng mua lại trái phiếu của ngân hàng.

Theo đó, Ngân hàng Bản Việt đã thanh toán đầy đủ toàn bộ gốc và lãi đủ thời hạn 15 tháng cho trái chủ. Đây là lô trái phiếu có kỳ hạn 07 (bảy) năm, ngày phát hành 30/12/2021. Việc mua lại trước hạn trái phiếu của Bản Việt giúp khách hàng chủ động hơn trong việc sử dụng vốn kinh doanh của mình.

“Trái phiếu của ngân hàng là một kênh đầu tư uy tín và sinh lợi hiệu quả trên nguồn tiền nhàn rỗi. Khi phát hành trái phiếu, chúng tôi luôn cam kết thời hạn mua lại trái phiếu khi khách hàng có nhu cầu bán lại cho ngân hàng. Với đợt phát hành trái phiếu ra công chúng đợt 1 2021-2022 vừa rồi, chúng tôi đã thực hiện đúng thời hạn 15 tháng. Điều này cũng cho thấy uy tín của Bản Việt khi cam kết với khách hàng. Ngoài ra, các sản phẩm, dịch vụ, chính sách liên tục được đưa ra kịp thời, hợp lý cũng là thế mạnh của Bản Việt để giúp khách hàng tin tưởng và giao dịch ngày càng nhiều với chúng tôi” – đại diện Bản Việt cho biết.

Không chỉ BIDV hay Bản Việt là những ngân hàng đang tích cực triển khai mua lại trái phiếu trước hạn. Trước đó, năm 2022, thị trường cũng chứng kiến các đợt mua lại trái phiếu trước hạn của TienphongBank, VIB… Hầu hết các đợt mua lại trái phiếu trước hạn đều thực hiện mua lại theo quyền hạn mua lại của tổ chức phát hành.

Giảm khối lượng đầu tư trái phiếu doanh nghiệp

Ngoài lượng trái phiếu phát hành huy động vốn lớn (chỉ đứng sau bất động sản) trong khoảng 3 năm vừa qua, ngân hàng cũng là định chế, trái chủ sở hữu trái phiếu doanh nghiệp lớn trên thị trường. Theo làn sóng mua lại trái phiếu trước hạn của các doanh nghiệp, đến cuối 2022, khối lượng trái phiếu mà các ngân hàng sở hữu đã giảm xuống đáng kể tuy nhiên vẫn còn rất lớn.

Ghi nhận tại cuối năm 2022, số lượng các ngân hàng đầu tư trái phiếu đã giảm so với đầu năm. 17 trên tổng số 28 ngân hàng niêm yết cổ phiếu trên thị trường nắm giữ gần 188.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp, giảm 13% so với năm 2021. MBBank, Techcombank, VPBank, TPBank, SHB, Bảo Việt, BIDV, HDBank, VietinBank, MSB, NamABank, KienlongBank, SeABank, Bắc Á, OCB… là những ngân hàng nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp khối lượng lớn.

Trong đó, thống kê cho thấy, MBBank đứng đầu hệ thống với hơn 43.600 tỉ đồng, tăng 11% so với đầu năm. Đứng thứ 2 là Techcombank với 41.000 tỉ đồng, giảm 34,5%. VPBank có 32.900 tỉ đồng (tăng 18%), TPBank tăng 16%…

Nếu tính cả các ngân hàng không niêm yết, một số liệu không chính thức ước tính các ngân hàng đang nắm giữ khoảng 300.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp.

Cập nhật đến kì ĐHĐCĐ thường niên 2023 đang diễn ra, một số nhà băng cũng đã thông tin mới tới cổ đông về lượng trái phiếu doanh nghiệp mà ngân hàng đang đầu tư. Chẳng hạn, VIB cho biết họ là một trong những ngân hàng nằm ở top 3 ngân hàng có tỷ lệ đầu tư trái phiếu thấp nhất trong hệ thống. HDBank cho hay tỷ lệ sở hữu trái phiếu doanh nghiệp thấp chỉ khoảng 1,6% / tổng dư nợ. Đại diện TPBank thì nhấn mạnh việc đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp không hoàn toàn là rủi ro, mức đầu tư trái phiếu của TPBank chỉ dưới 10% trong đó khá nhiều dự án năng lượng xanh và sản xuất…

Ngân hàng tiếp tục cơ cấu lại danh mục trái phiếu doanh nghiệp

Lãnh đạo của VIB cho biết ngân hàng đứng thứ 3 dưới lên trong top 10 ngân hàng có tỷ trọng TPDN và bất động sản/tổng dư nợ thấp nhất. Ảnh: VIB

Căn cứ trên các thông tin trên thị trường được công bố mới đây, nhiều chuyên gia dự báo tỷ lệ đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các ngân hàng có thể sẽ còn giảm mạnh trong quý II/2023. Chẳng hạn DIG Corp đã công bố hoàn tất mua lại 2.600 tỷ đồng trái phiếu trước hạn từ trái chủ HDBank. Tập đoàn Cá Tầm Việt Nam cũng mua lại hàng trăm tỷ đồng trong lô trái phiếu hơn 1.200 tỷ đồng…

Hoạt động thanh tra đột xuất về trái phiếu tại 11 ngân hàng của NHNN trong tháng 3 được cho sẽ khiến các NHTM phải có động lực để tái cơ cấu danh mục trái phiếu, bao gồm trái phiếu đầu tư và trái phiếu của chính mình. Trên cơ sở kết quả thanh tra, cơ quan quản lý tiền tệ đã ban hành một số quyết định xử phạt vi phạm hành chính với các ngân hàng có hành vi vi phạm trong đầu tư trái phiếu doanh nghiệp; đồng thời cho biết trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng cường quản lý, giám sát đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của ngân hàng, một chuyên gia đánh giá.

Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia Tài chính Ngân hàng, với phần lớn lượng trái phiếu doanh nghiệp các ngân hàng đang nắm giữ thuộc về trái phiếu bất động sản, mức độ rủi ro vẫn đáng lưu ý, đặc biệt nếu tình hình của thị trường bất động sản và tài chính của nhiều chủ đầu tư, tổ chức phát hành là đơn vị bất động sản, không có nhiều cải thiện.

Bài Viết Liên Quan

Back to top button