Ngân hàng cần kết nối triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng sau bão Yagi
Các tổ chức tín dụng (TCTD) sẽ tiếp tục rà soát, báo cáo số liệu khách hàng thiệt hại do bão Yagi về NHNN và cập nhật thường xuyên số liệu này.
Đây là một trong những nội dung tại Chỉ thị 04/CT-NHNN do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành về các giải pháp của ngành ngân hàng nhằm góp phần hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng của cơn bão số 3 (Yagi) khôi phục và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế.
Theo đó, NHNN yêu cầu các đơn vị thuộc NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác góp phần hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối và hệ thống ngân hàng. Trong đó, cần chủ động nghiên cứu những tác động, ảnh hưởng của cơn bão số 3 đến việc điều hành chính sách tiền tệ, đặc biệt là hạn mức tín dụng, nhu cầu vốn và thanh khoản cho nền kinh tế nói chung, NHTM nói riêng để có các giải pháp điều hành phù hợp.
Kịp thời nắm bắt, đánh giá tình hình, mức độ ảnh hưởng của khách hàng vay vốn bởi bão lũ để đề xuất các chính sách, giải pháp về tiền tệ, tín dụng phù hợp, kịp thời góp phần tích cực, hiệu quả hỗ trợ khách hàng khắc phục khó khăn; tiếp tục tham mưu cho Thống đốc NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện các giải pháp: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn, giảm lãi vay cho các khách hàng, xây dựng các chương trình tín dụng mới với lãi suất ưu đãi phù hợp, tiếp tục cho vay mới đối với khách hàng để khôi phục sản xuất kinh doanh sau bão theo các quy định hiện hành.
Tham mưu cho Thống đốc NHNN báo cáo cấp có thẩm quyền thực hiện khoanh nợ đối với khách hàng bị thiệt hại nặng nề về vốn vay, tài sản hình thành từ vốn vay do hậu quả bão lũ xảy ra trên phạm vi rộng theo quy định tại Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9/5/2015 và Nghị định 116/2018/NĐ-CP ngày 7/9/2018 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn và các văn bản hưởng dẫn của NHNN.
Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động truyền thông ngành ngân hàng, tăng cường hiệu quả phối hợp để tạo sự đồng bộ, thống nhất từ Ngân hàng Nhà nước Trung ương đến NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố, giữa NHNN với các đơn vị báo chí trong ngành và các TCTD nhằm thông tin đầy đủ, kịp thời các chủ trương, chính sách, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN về các giải pháp và kết quả triển khai của ngành ngân hàng hỗ trợ khó khăn cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng do ảnh hưởng của cơn bão số 3. Thông tin kịp thời, thường xuyên về các kết quả hỗ trợ của các TCTD đối với người dân, doanh nghiệp.
Chỉ thị cũng nêu rõ về việc “Khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về việc phân loại tài sản có, mức trích lập dự phòng rủi ro, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý rủi ro nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn, thiệt hại do ảnh hưởng của cơn bão số 3; cùng với việc xây dựng và ban hành Thông tư hướng dẫn các TCTD thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với khách hàng gặp khó khăn trong việc trả nợ do ảnh hưởng của cơn bão số 3”.
Đây đang là Quyết định được các NHTM trông đợi bởi nếu không có Quyết định hướng dẫn cụ thể, quá trình phân loại tài sản có, trích lập dự phòng của các TCTD nếu triển khai trước, chờ hướng dẫn sau có thể sẽ không trùng khớp giữa thực tế và quy định, dẫn đến nhiều đơn vị lo ngại và chưa mạnh dạn chủ động sử dụng mức trích lập dự phòng rủi ro để hỗ trợ khách hàng cụ thể. Tương tự, Thông tư hướng dẫn các TCTD thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với khách hàng gặp khó khăn trong việc trả nợ do ảnh hưởng của cơn bão số 3 chưa được ban hành, dẫn đến các TCTD cũng gặp khó khăn trong quá trình làm việc, thương thảo cùng khách hàng.
Đối với các Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố, cơ quan quản lý yêu cầu các đơn vị chủ động phối hợp với các sở, ngành và cơ quan liên quan nắm bắt mức độ ảnh hưởng của bão lũ đối với khách hàng vay vốn, đánh giá thiệt hại vốn vay của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn để: (i) tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố triển khai hiệu quả công tác hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân; (ii) chỉ đạo các TCTD trên địa bàn tích cực triển khai các giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 theo quy định pháp luật, chỉ đạo của UBND tỉnh, thành phố, của NHNN tại Công văn 7417/NHNN-TD ngày 9/9/2024 và các văn bản khác. Báo cáo số liệu thiệt hại về NHNN (qua Vụ Tín dụng CNKT) trước ngày 25/9/2025 và cập nhật thường xuyên số liệu này. (Cùng ngày ban hành văn bản – BT).
Bên cạnh đó, Chỉ thị yêu cầu các NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố chủ động tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố để chỉ đạo các tổ chức, cơ quan, đơn vị, cá nhân liên quan trên địa bàn thực hiện hoàn thiện hồ sơ, trình tự, thủ tục khoanh nợ theo quy định tại Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 6/9/2015, Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ngày 7/9/2018 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn và hướng dẫn của NHNN tại Công văn số 663/NHNN-TD ngày 28/1/2021 và quy định pháp luật có liên quan.
Kịp thời thông tin về các giải pháp của ngành ngân hàng; chủ động xử lý những khó khăn, vướng mắc phát sinh theo chức năng thẩm quyền được giao, kịp thời đề xuất báo cáo Thống đốc NHNN và UBND các tỉnh, thành phố những vấn đề vượt thẩm quyền.
Về phía các TCTD, NHNN chỉ thị khẩn trương chỉ đạo các chi nhánh, phòng giao dịch tại 26 tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng của bão để triển khai kịp thời với trách nhiệm cao nhất, khẩn trương nhất các giải pháp hỗ trợ khó khăn cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 theo chỉ đạo của NHNN tại Công văn số 7417/NHNN-TD ngày 9/9/2024, gồm:
Thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay cho vay khách hàng theo quy định pháp luật hiện hành.
Thực hiện chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ giữ nguyên nhóm nợ, khoanh nợ, cho vay mới đối với khách hàng thuộc đối tượng theo quy định tại Nghị định số 55/2015/NĐ-CP, Nghị định 116/2018/NĐ-CP ngày 7/9/2018 và các văn bản hướng dẫn của NHNN về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn.
Chủ động báo cáo NHNN chi nhánh trên địa bàn để báo cáo, tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo các tổ chức, cá nhân liên quan hoàn thiện hồ sơ, trình tự, thủ tục khoanh nợ theo quy định tại Nghị định số 55/2015/NĐ-CP, Nghị định 116/2018/NĐ-CP ngày 7/9/2018 và các văn bản hướng dẫn của NHNN về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn.
Ngoài ra, Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện xử lý nợ bị rủi ro cho khách hàng vay vốn bị thiệt hại do ảnh hưởng của cơn bão số 3 theo quy định tại Quyết định số 50/2010/QĐ-TTg ngày 28/7/2010 và Quyết định số 08/2021/QĐ-TTg ngày 11/5/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
Các TCTD tiếp tục triển khai có hiệu quả các giải pháp hướng tín dụng đối với các lĩnh vực sản xuất – kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Xây dựng các chương trình, các gói tín dụng mới với lãi suất phù hợp, tiếp tục cho vay mới theo quy định hiện hành trên tinh thần cải cách thủ tục hành chính, cắt bỏ phiền hà, khẩn trương xét duyệt cho vay mới và tạo điệu kiện thuận lợi, dễ dàng cho người vay nhất là vấn đề tài sản bảo đảm, hạn mức tín dụng nhằm giúp khách hàng khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất kinh doanh sau bão. Tuy nhiên, vẫn phải đảm bảo các nguyên tắc đối với an toàn của TCTD, không để lợi dụng, trục lợi chính sách. Kịp thời thông tin về các chính sách, giải pháp của NHNN và ngân hàng mình; chủ động xử lý những khó khăn, vướng mắc phát sinh theo quy định.
Thống đốc cũng yêu cầu các tổ chức Hiệp hội trong ngành Ngân hàng tiếp tục phát huy vai trò kết nối các TCTD, tạo sự đồng thuận, thống nhất giữa các ngân hàng thành viên trong triển khai các giải pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, cho vay mới nhằm tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3.
Về an sinh xã hội, vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ủng hộ tối thiểu 01 ngày lương/thu nhập để hỗ trợ đồng bào bị thiệt hại. Đồng thời nắm bắt tình hình cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Ngân hàng bị ảnh hưởng để có biện pháp hỗ trợ phù hợp; vận động các tổ chức tín dụng và tổng hợp tình hình ủng hộ đồng bào bị thiệt hại.
Chỉ thị số 04/CT-NHNN có hiệu lực kể từ ngày ký.
Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, đến nay đã có 32/40 ngân hàng thương mại đăng ký gói tín dụng mới với với tổng số tiền lên tới 405.000 tỷ đồng, lãi suất thấp hơn từ 0,5-2% để cấp cho các doanh nghiệp, người dân chịu tác động bởi cơn bão.
Thống kê tại 20/9 ghi nhận toàn ngành ngân hàng có khoảng 83.400 khách chịu thiệt hại do bão số 3 với 116.000 tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng. Như Chỉ thị 04 đã yêu cầu, các TCTD đã và đang tiếp tục rà soát, đánh giá thiệt hại và cập nhật số liệu.
Bên cạnh các chương trình hỗ trợ giảm lãi suất và hướng đến cơ cấu lại nợ, khoanh, giãn nợ, cho vay mới, các chuyên gia cho rằng do tại 26 tỉnh thành, địa phương chịu ảnh hưởng do bão dẫn đến hệ thống kết cấu hạ tầng, nhiều công trình thiết yếu, dân sinh bị hư hại. Các vấn đề xã hội, nhất là y tế, giáo dục, môi trường, nước sạch nông thôn, nước sạch đô thị… , ngoài vấn đề về lao động việc làm, đời sống người dân và khôi phục chuỗi cung ứng, sản xuất kinh doanh… đều đang rất cần đặc biệt quan tâm, ưu tiên nguồn lực và triển khai nhanh, bao gồm ưu tiên nguồn lực vốn.
Theo đó, kỳ vọng ngành ngân hàng chung tay thiết kế gói vay ưu tiên về lãi suất, hạn mức và cho vay dài hạn cho các dự án nhằm khôi phục trước hết kết cấu hạ tầng, công trình thiết yếu, dân sinh…
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp