Nếu không tìm được mô hình phát triển mới, ĐBSCL sẽ khó có sự thay đổi lớn

(TGA) – Theo nhận định của Giám đốc VCCI Cần Thơ Nguyễn Phương Lam tại Lễ công bố Báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL 2022.

Nếu không tìm được mô hình phát triển mới, ĐBSCL sẽ khó có sự thay đổi lớn
Lễ công bố Báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL 2022

Đây là năm thứ hai VCCI Cần Thơ thực hiện Báo cáo thường niên này. Theo ông Lam, sau khi công bố báo cáo đầu tiên năm 2020, báo cáo bất ngờ nhận được sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các tổ chức quốc tế, cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan truyền thông.

Ông Lam cho rằng, từ sự quan tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về những thông điệp báo cáo đưa ra, đến một số hội nghị triển khai Nghị quyết của Trung ương đều có đề cập thông tin từ báo cáo. Đặc biệt, Quy hoạch tích hợp vừa được Chính phủ công bố có nhiều trích dẫn từ kết quả nghiên cứu của báo cáo. Nhiều viện, trường sử dụng tài liệu này cho giảng dạy và nghiên cứu, cũng như các cơ quan báo chí làm tư liệu cho các chuyên đề truyền thông về ĐBSCL.

Đó là thực sự là niềm vui, chúng tôi xem như là một đóng góp nhỏ vào sự nghiệp phát triển chung của ĐBSCL mà VCCI và nhóm chuyên gia nghiên cứu dành nhiều tâm huyết… Nhưng đó cũng là áp lực bởi nếu không thực hiện nghiêm túc, có trách nhiệm thì sẽ không tham mưu hiệu quả cho Chính phủ, không giúp chính quyền các cấp trong việc đánh giá tình hình kinh tế xã hội và doanh nghiệp không có được thông tin đầy đủ về kinh tế vùng để làm định hướng phát triển dài hạn”, Giám đốc VCCI Cần Thơ Nguyễn Phương Lam nhấn mạnh.

Năm 2021, Báo cáo không được thực hiện theo kế hoạch bởi đại dịch COVID-19, nhóm nghiên cứu dù cố gắng nhưng không thể triển khai đi khảo sát thực địa hay tổ chức các buổi hội thảo, gặp gỡ chuyên gia mặc dù kế hoạch đã được thiết lập từ cuối năm 2020…

Nói về những lợi thế của vùng ĐBSCL, Giám đốc VCCI Cần Thơ Nguyễn Phương Lam cho rằng, không có vùng kinh tế nào trên cả nước có sự đồng nhất về văn hóa, khí hậu, thổ nhưỡng, con người và hạ tầng cơ sở…, giữa các địa phương như ở ĐBSCL, nếu có thì cũng là một cụm vài tỉnh gần nhau, trong khi ĐBSCL có tới 13 tỉnh, thành phố gần như tương đồng nhau.

Mặt khác, ĐBSCL là vùng trũng trên mọi phương diện và là vùng nông nghiệp đang chịu ảnh hưởng của BĐKH ngày một rõ hơn, đang có chung một chương trình phát triển từ Chính phủ cũng như hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế. Do vậy liên kết hợp tác thành một vùng kinh tế là một nhiệm vụ tất yếu của các địa phương, và cũng là điều kiện thuận lợi và trách nhiệm của nhóm chuyên gia trước những gì ĐBSCL phải đối mặt, phải thực hiện nếu như không muốn bị tụt hậu.

Trước những thách thức diễn ra đối với ĐBSCL, năm 2017 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 120, và Quy hoạch Tích hợp ĐBSCL giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050 được ra đời từ Nghị quyết đó. Đây được xem là một cơ hội lớn cho ĐBSCL phát triển. Bản Quy hoạch được xem như cấu trúc lại nền kinh tế của vùng đã bị manh mún. Nay để phù hợp chung với quy hoạch của Vùng, các địa phương trong vùng cần định hình lại mô hình phát triển trong bối cảnh mới.

Nếu không tìm mô hình phát triển mới, chắc chắn ĐBSCL sẽ khó có sự thay đổi lớn. Báo cáo Kinh tế Thường niên ĐBSCL năm 2022 được xây dựng chính là nhằm mục đích đó…

Để đưa nền kinh tế ĐBSCL phát triển, ĐBSCLcần phải giải quyết 3 vòng xoáy gồm: “vòng xoáy ngân sách, vòng xoáy lao động và vòng xoáy cấu trúc kinh tế”.

Nguồn: VCCI

Bài Viết Liên Quan

Back to top button