Nếu không hành động, việc “bùng nợ” sẽ để lại hệ quả nợ xấu dài lâu
Theo ông Marcin Figlus – Giám đốc khối quản trị rủi ro Công ty tài chính TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC, cần áp dụng chế tài răn đe đối với hành vi cố tình vi phạm quy tắc vay tiêu dùng.
Thừa nhận gặp khó khăn do tác động tiêu cực của nền kinh tế, ông Marcin Figlus cho biết, sau 2 năm chống chọi với đại dịch Covid-19, trên nguyên tắc linh hoạt và thích ứng để duy trì hoạt động kinh doanh hiệu quả, FE Credit đặt nhiều kỳ vọng vào sự phục hồi của nền kinh tế và nhiều lĩnh vực như dịch vụ, bán lẻ… từ đó kích cầu nhu cầu vay tiêu dùng và cải thiện hoạt động thu hồi nợ.
Tuy nhiên, nền kinh tế phục hồi chậm hơn với kỳ vọng và dự báo, trong khi mặt bằng lạm phát và lãi suất leo thang, tăng trưởng kinh doanh của FE Credit theo đó cũng bị ảnh hưởng không nhỏ khi ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng âm từ đầu năm 2023 đến nay.
Bên cạnh đó, FE Credit và các công ty tài chính tiêu dùng được cấp phép đang đối mặt với một vấn đề nan giải chung trong công tác thu hồi nợ, đó là hoạt động bùng nợ có tổ chức bộc phát trong xã hội. Một bộ phận khách hàng đang cố tình đánh đồng hoạt động thu hồi nợ chính đáng của các công ty được cấp phép là phạm pháp để tẩy chay và chây ỳ việc trả nợ. Với tỷ lệ khách hàng “vay mà không trả” gia tăng nhanh chóng, chế tài xử phạt chưa có và hoạt động khởi kiện gặp khó với các khoản vay giá trị thấp, các công ty tài chính tiêu dùng, bao gồm cả FE Credit, bắt buộc phải trích lập dự phòng theo tình hình nợ xấu tăng cao.
“Thêm vào đó, việc khách hàng cản trở hoạt động thu hồi nợ bằng các hành vi đe dọa, khủng bố ngược tinh thần nhân viên thu hồi nợ đã gây ra các xáo trộn tâm lý, hoang mang cho chính những nhân viên này. Tình trạng này đặc biệt trở nên nghiêm trọng trong hai năm qua. Nếu như năm 2019 và 2020, công ty chúng tôi chỉ ghi nhận có 2 trường hợp nhân viên thu hồi nợ bị hành hung, thì năm 2022 và 2023 có tới 24 vụ việc được ghi nhận”, Giám đốc khối quản trị rủi ro của FE Credit cho biết và lý giải thêm, nguyên nhân của hiện tượng này xuất phát từ vấn đề kiến thức tài chính cá nhân còn hạn chế. Người vay chưa ý thức được trách nhiệm trả nợ với khoản vay và hệ quả xảy ra. Mặc dù luật pháp hiện hành có những quy định tương đối chặt chẽ với người đi vay, nhưng việc áp dụng vào thực tế còn thiếu sức răn đe, dẫn đến tình trạng người dân coi thường pháp luật. Một số người vay lợi dụng điều này cố tình trốn tránh, không trả nợ, thậm chí tỏ thái độ thách thức với tổ chức cho vay và hành hung nhân viên thu hồi nợ.
“Chi phí nhắc nợ, chi phí tuyển dụng, chi phí đào tạo… như một hệ quả leo thang, chiếm một tỷ trọng lớn trong miếng bánh doanh thu không lấy gì làm đầy đặn của các công ty tài chính tiêu dùng”, ông nhấn mạnh.
Để ứng phó với vấn nạn nan giải khi “bùng nợ” đã trở thành một làn sóng, một hành vi có tổ chức với những hội nhóm trên mạng xã hội lên tới hàng trăm nghìn thành viên, FE Credit cho biết vẫn kiên trì với các giải pháp thu hồi nợ đang áp dụng hiện tại như liên hệ trao đổi với khách hàng về trách nhiệm trả nợ của họ, phân tích cho họ hiểu rõ việc chây ì trả nợ là hành vi phạm pháp và có thể ảnh hưởng lớn tới cuộc sống của họ trong tương lai.
“FE Credit cũng đã nộp đơn khởi kiện hàng nghìn khách hàng ra Trung tâm Trọng tài và Tòa án trong năm 2022 và 2023. Tuy nhiên số khách hàng bị khởi kiện chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong tổng số khách hàng đang không thực hiện cam kết trả nợ. Chỉ khoảng 1 nửa trong số đó là đã khởi kiện thành công. Nguyên nhân là thời gian xử và ra phán quyết với một vụ kiện như vậy rất lâu, có thể kéo dài tới 12 tháng.
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nhu cầu tiêu dùng giảm và làn sóng rủ nhau bùng nợ nở rộ như vậy, thời gian qua hoạt động thu hồi nợ luôn được chúng tôi ưu tiên. Hoạt động giải ngân các khoản vay mới của chúng tôi cũng bị ảnh hưởng. Chúng tôi phải thận trọng hơn và rà soát kỹ hơn trong việc chọn lựa khách hàng, tập trung vào những khách hàng có lịch sử tín dụng tốt”, vị đại diện của công ty tài chính thị phần số 1 thị trường chia sẻ.
Chia sẻ tại hội thảo “Xóa sổ tín dụng đen bằng cách nào” vừa diễn ra ở TP HCM, bà Olena Khlon – Phó Tổng giám đốc thường trực SHB Finance – cũng cho biết, “Năm nay là một trong những năm khó nhất, chúng tôi đang đối mặt nhiều khó khăn, phải tìm ra giải pháp để duy trì hoạt động kinh doanh hiệu quả và có trách nhiệm”.
Theo đó, đại diện của SHB Finance cho rằng có 3 giải pháp chính để thúc đẩy doanh nghiệp cũng như ngành ngân hàng – tài chính Việt Nam phát triển một cách bền vững, bao gồm: truyền thông, giáo dục và sự hỗ trợ từ pháp luật.
Thứ nhất, chúng ta cần giáo dục cho học sinh ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường về cách quản lý tài chính hiệu quả và tốt nhất. Việc giáo dục này cần kéo đến bậc đại học và đi làm. Bản thân công ty cũng áp dụng quy trình giáo dục cho khách hàng, về cách quản lý khoản vay và tính toán lãi suất.
Kế đến, về mặt truyền thông, hội thảo hôm nay cũng là một phương tiện hiệu quả, không chỉ đưa ra các giải pháp xóa nạn tín dụng đen, mà còn hỗ trợ cho công ty tài chính chính thống. Phía SHB Finance đề xuất cho phép công ty tài chính mở văn phòng đại diện tại Việt Nam, từ đó có cơ hội truyền thông cho khách hàng các thông tin một cách đầy đủ và minh bạch nhất có thể.
Liên quan đến khía cạnh hỗ trợ về mặt pháp luật, bà Olena Khlon cho rằng cần có chế tài xử phạt phù hợp về dân sự và hình sự, đối với cả bên cho vay sai phạm và khách hàng bùng nợ.
“Ngoài ra, doanh nghiệp mong muốn có thể tiếp cận thông tin về bảo hiểm xã hội, căn cước công dân của khách hàng, để phân biệt được độ tin cậy và ra quyết định cho vay phù hợp. Song song đó, cần có sự hợp tác giữa công ty tài chính với nhau, với cơ quan chức năng, bằng cách chia sẻ các trường hợp tín dụng đen cũng như giải pháp”, bà Olena Khlon nói.
Khẳng định tài chính tiêu dùng được cho là giải pháp quan trọng để đạt được mục tiêu gia tăng khả năng tiếp cận vốn cho người dân, góp phần hữu hiệu ngăn chặn tình trạng tín dụng đen; cùng với đó khách hàng của các công ty tài chính tiêu dùng nói chung chủ yếu là khách hàng cá nhân Việt Nam có thu nhập trung bình thấp, chưa đủ điều kiện tiếp cận được ngân hàng thương mại cấp tín dụng, trong đó phần lớn là công nhân và lao động tự do, ông Marcin Figlus cho rằng nếu như các công ty tài chính tiêu dùng không đưa ra những giải pháp, điều kiện vay thuận tiện, dễ dàng nhất thì vô hình chung sẽ làm hẹp cánh cửa tiếp cận với nguồn tín dụng chính thống đối với nhiều người dân. Khi người dân thấy khó tiếp cận với nguồn tín dụng chính thống, đó chính là điều kiện để tín dụng đen phát triển.
Theo đó, ông đề xuất cần có các biện pháp cụ thể nhằm kêu gọi, nâng cao ý thức, thái độ của những người vay và đồng thời xử lý nghiêm các đối tượng tham gia vào các hội nhóm bùng nợ, cũng như những người hướng dẫn và khuyến khích hành vi bùng nợ, cố tình không trả nợ. Đồng thời, cần áp dụng chế tài răn đe đối với những cá nhân có hành vi cố tình vi phạm quy tắc và đạo đức trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng nói riêng và lĩnh vực tín dụng cá nhân nói chung.
“Nếu không có hành động cụ thể, việc bùng nợ có thể tiếp tục xảy ra và có thể tác động đến nợ xấu không những cuối năm 2023 mà còn nhiều năm sau nữa. Điều này sẽ gây ảnh hưởng xấu đến cả người đi vay và ảnh hưởng đến hoạt động của các công ty tài chính tính dụng tiêu dùng và từ đó ảnh hưởng đến khó khăn của chính khách hàng tiếp cận vốn vay do công ty tài chính phải siết chặt lại công tác cho vay”.