Nâng mức chịu thuế của hộ, cá nhân kinh doanh 150 triệu/năm – Chưa phù hợp!
Góp ý Dự thảo Luật Thuế Giá trị gia tăng (sửa đổi), trước đề xuất của cơ quan soạn thảo, nhiều ý kiến cho rằng, ngưỡng doanh thu chịu thuế 150 triệu/năm là chưa phù hợp, cần được cân nhắc…
Tại Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) mới nhất đang được lấy ý kiến, Bộ Tài chính giữ đề xuất ngưỡng doanh thu chịu thuế giá trị gia tăng (VAT) với cá nhân, hộ kinh doanh là 150 triệu đồng, tăng 50 triệu so với hiện hành.
Theo Bộ Tài chính, việc nâng mức giảm thuế cao hơn sẽ ảnh hưởng tới số thu ngân sách Nhà nước tại địa phương, nhất là các địa phương có số thu thấp. Đồng thời cho rằng, ngưỡng chịu thuế cao hơn sẽ không khuyến khích các hộ, cá nhân kinh doanh chuyển sang doanh nghiệp, khi đó doanh nghiệp phát sinh doanh thu phải nộp thuế VAT.
Xoay quanh đề xuất đã nêu, nhiều ý kiến cho rằng, ngưỡng chịu thuế được đề xuất chưa thực sự phù hợp, cần được cân nhắc xem xét.
Nhìn nhận về vấn đề này, tại văn bản góp ý Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) mới đây, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, Điều 5.25 của Dự thảo đã nâng ngưỡng doanh thu không chịu thuế của hộ gia đình, cá nhân kinh doanh từ 100 triệu đồng/năm lên 150 triệu đồng/năm. Quy định này sẽ giúp nhiều cá nhân, hộ gia đình kinh doanh nhỏ lẻ không phải thực hiện việc kê khai và nộp thuế. Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp thì ngưỡng doanh thu chịu thuế 150 triệu đồng/năm vẫn tương đối thấp.
Theo VCCI, so sánh giữa cá nhân kinh doanh và cá nhân làm công ăn lương sẽ thấy sự bất hợp lý. Hiện nay, cá nhân làm công ăn lương có mức giảm trừ gia cảnh đối với trường hợp không có người phụ thuộc là 132 triệu đồng/năm, nếu có một người phụ thuộc là 184,8 triệu đồng/năm, và nếu có hai người phụ thuộc là 237,6 triệu đồng/năm. Với giả định trung bình mỗi người lao động có một người phụ thuộc thì ngưỡng thu nhập chịu thuế đối với người làm công ăn lương hiện cao hơn ngưỡng doanh thu chịu thuế giá trị gia tăng của cá nhân kinh doanh. Đó là chưa kể, để có thể có doanh thu, cá nhân kinh doanh sẽ phải mất các chi phí đầu vào trong khi thu nhập cá nhân thì không có các chi phí này.
Các lĩnh vực khác nhau có kết cấu chi phí và mức thuế suất khác nhau, dù có thể cùng một mức doanh thu. Ví dụ, với lĩnh vực thương mại hàng hóa (như cửa hàng bán lẻ, tạp hóa) có chi phí đầu vào chiếm tỷ trọng lớn trong doanh thu, phần thu nhập mà cá nhân kinh doanh được hưởng không lớn và số thuế thu được chỉ từ 1,5 triệu đồng mỗi năm. Với lĩnh vực cung cấp dịch vụ, chi phí đầu vào không đáng kể, phần giá trị gia tăng làm ra lớn hơn và số thuế phải nộp cao hơn, thấp nhất 7,5 triệu đồng/năm.
Từ các viện dẫn đã nêu, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc sửa đổi quy định về ngưỡng doanh thu chịu thuế của của hộ, cá nhân kinh doanh như: Cân nhắc nâng mức doanh thu chịu thuế lên khoảng 180 đến 200 triệu đồng mỗi năm. Cùng với đó, cân nhắc phân loại theo ngành nghề tương tự như tại Điều 12.2.b của Dự thảo về phương pháp tính thuế trực tiếp, ví dụ ngành phân phối, cung cấp hàng hóa có ngưỡng cao hơn ngành dịch vụ, xây dựng…
Không chỉ VCCI, liên quan đến ngưỡng doanh thu chịu thuế 150 triệu/năm được Bộ Tài chính đề xuất trong Dự thảo Luật (sửa đổi), trước đó, không ít ý kiến cũng cho rằng, ngưỡng này cần được nâng cao hơn nữa.
Theo ông Nguyễn Văn Được – Trưởng Ban tư vấn Hội tư vấn Thuế Việt Nam (VTCA), nâng ngưỡng chịu thuế là tín hiệu đáng mừng với hộ, cá nhân kinh doanh vì nếu được áp dụng đối tượng nộp thuế sẽ ít đi, chính sách này phù hợp với thực tiễn hiện nay. Bởi, mức doanh thu 100 triệu đồng được xây dựng trên cơ sở Luật thuế giá trị gia tăng từ năm 2008, nhưng hiện các chỉ tiêu về kinh tế, nhất là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã thay đổi nhiều. Tuy nhiên, ngưỡng chịu thuế cần nâng lên cao hơn 150 triệu đồng để phù hợp với Luật thuế thu nhập cá nhân và mức chuẩn nghèo quy định tại Nghị định 07/2021/NĐ-CP.
Góp ý Dự thảo, một số tổ chức, cơ quan cũng đề xuất nâng ngưỡng doanh thu này lên cao hơn mức Bộ Tài chính đưa ra. Ví dụ, Quảng Ngãi đề nghị miễn thuế VAT cho hộ, cá nhân kinh doanh có doanh thu dưới 300 triệu đồng/năm; Bộ Giao thông Vận tải đề nghị con số 250 triệu đồng (tương đương khoảng 10.000 USD); Hội tư vấn thuế Việt Nam và một công dịch vụ kế toán đề xuất 180-240 triệu đồng.
Cùng các ý kiến nêu trên, theo TS. Nguyễn Ngọc Tú – giảng viên Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, nâng mức doanh thu lên 150 triệu đồng/năm là không hợp lý vì mức thuế VAT và thuế thu nhập cá nhân chưa tương đồng. Cá nhân người làm công ăn lương phải nộp thuế thu nhập cá nhân, trong khi cá nhân kinh doanh phải nộp đồng thời cả thuế thu nhập cá nhân và thuế VAT.
“Nếu sắp tới đây thuế thu nhập cá nhân được điều chỉnh mức chịu thuế lên 20 triệu/tháng, tương đương 240 triệu đồng/năm thì mới phải nộp thuế thì mức này lại không tương đồng với mức chịu thuế VAT 150 triệu đồng/năm mà cơ quan thuế đề xuất. Tôi đề nghị, khi tính toán điều chỉnh một luật thuế, cơ quan thuế phải tính toán sự tương thích của trên toàn bộ hệ thống thuế”, vị chuyên gia này đề xuất.
Đồng thời cho rằng, Bộ Tài chính có thể quy định cách tính thuế bằng phương pháp tự trượt, hằng năm được điều chỉnh bằng mức trượt giá CPI do Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố.
“Ví dụ: Mức trượt giá của năm 2024 tăng 4% thì mức tăng VAT phải nhân với mức 4% đó để tự trượt, từ đó sẽ đảm bảo quyền lợi cho người nộp thuế”, vị chuyên gia này bày tỏ.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn