Nâng cao nhận thức của giáo viên và cha mẹ trong việc giáo dục trẻ tự kỷ
Ngày 9/11, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu giáo dục phát triển tiềm năng con người (IPD) đã phối hợp với Hiệp hội Vì Giáo dục cho mọi người Việt Nam (VAEFA) tổ chức Hội thảo khoa học “Phát hiện sớm, can thiệp giáo dục sớm trẻ rối loạn lan tỏa phổ tự kỷ ở tuổi mầm non”. Hội thảo có sự tham gia của đại diện Bộ LĐTBXH, Bộ GDĐT và nhiều chuyên gia hỗ trợ, can thiệp trẻ tự kỷ trên cả nước.
Hội thảo được tổ chức với mục đích nâng cao nhận thức của giáo viên và cha mẹ trong việc phát hiện sớm, can thiệp giáo dục sớm trẻ tự kỷ ở tuổi mầm non, nhằm giảm thiểu tổn thương về thể chất, tinh thần cho trẻ trong quá trình phát triển. Bên cạnh đó, tăng cường hợp tác giữa trường mầm non và các cơ sở can thiệp để phát hiện sớm, can thiệp giáo dục sớm trẻ tự kỷ có hiệu quả; chia sẻ các bài học kinh nghiệm, các khó khăn thách thức trong phát hiện sớm, can thiệp giáo dục sớm với trẻ mầm non có rối loạn lan tỏa phổ tự kỷ. Từ đó, xây dựng các khuyến nghị để đảm bảo chất lượng và bình đẳng trong giáo dục đối với trẻ tự kỷ.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS.TS. Nguyễn Thị Hoàng Yến – Phó Chủ tịch thường trực VAEFA cho biết, Hội thảo là một cơ hội quan trọng để chúng ta chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm cùng những nghiên cứu mới nhất trong lĩnh vực phát hiện sớm và can thiệp giáo dục sớm cho trẻ tự kỷ.
“Chúng ta đang sống trong một thời đại mà mức độ nhận thức về tự kỷ đang gia tăng, tạo nên áp lực không nhỏ đối với hệ thống giáo dục và xã hội. Trong bối cảnh này, việc phát hiện sớm và can thiệp sớm cho trẻ tự kỷ đóng một vai trò quan trọng hơn bao giờ hết. Chúng ta đã thấy những tiến bộ đáng kể trong việc nâng cao nhận thức về tự kỷ và phát hiện sớm, tuy nhiên vẫn còn nhiều thách thức đặt ra. Một trong những thách thức lớn nhất là đảm bảo rằng mọi trẻ em có thể được phát hiện sớm và có cơ hội được can thiệp sớm, bất kể vùng miền, tình trạng kinh tế hay nguồn lực” – GS.TS. Nguyễn Thị Hoàng Yến nhấn mạnh.
Theo PGS.TS.BS. Nguyễn Võ Kỳ Anh – Viện trưởng Viện IPD, đặc trưng của người có rối loạn phổ tự kỷ là khiếm khuyết về tương tác xã hội, khó khăn về giao tiếp ngôn ngữ và phi ngôn ngữ, cùng với những hành vi, sở thích, hoạt động mang tính hạn hẹp, lặp đi lặp lại. Thời gian qua, một số cơ sở giáo dục mầm non đã đón nhận các trẻ tự kỷ vào học hòa nhập; một số trung tâm hỗ trợ can thiệp trẻ tự kỷ đã ra đời (trong đó có các đơn vị là thành viên của VAEFA và IPD). Trong quá trình giáo dục cũng cho thấy trẻ tự kỷ đã giảm thiểu những khiếm khuyết trong quá trình phát triển.
“Kỳ vọng qua Hội thảo, mỗi người sẽ hiểu sâu hơn về nguyên nhân và tìm ra câu trả lời về vấn đề rối loạn phổ tự kỷ ở trẻ nhỏ; có phương pháp hữu ích giúp trẻ có thể tự tin hòa nhập với cộng đồng và xã hội” – PGS.TS.BS. Nguyễn Võ Kỳ Anh chia sẻ.
Trên thực tế, theo một nghiên cứu của Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ người khuyết tật TP. Hồ Chí Minh (COHO), số lượng trẻ em tự kỷ ngày càng nhiều, nhu cầu được học hòa nhập của trẻ tự kỷ ngày một tăng cao. Tuy nhiên, trường mầm non hoà nhập lại chưa phải là mô hình phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam. Giáo viên mầm non hiện nay chưa được trang bị các kiến thức, kỹ năng về giáo dục đặc biệt cũng như hỗ trợ, giáo dục cho trẻ tự kỷ. Các cơ sở can thiệp trẻ tự kỷ chỉ mới kết nối, hợp tác được với một số trường mầm non tư thục, chưa kết nối được với trường mầm non công lập để cùng phối hợp.
Theo đó, Trung tâm COHO đề xuất tăng cường sự kết nối của các trường mầm non với các trung tâm can thiệp trẻ tự kỷ; mở các lớp tập huấn cho giáo viên để nâng cao nhận thức, kiến thức và kỹ năng giáo dục đặc biệt đối với trẻ tự kỷ học hòa nhập trong các trường mầm non công lập cũng như tư thục. Cũng tại Hội thảo, nhiều ý kiến khác cũng được chia sẻ, nhằm tìm ra phương pháp hữu ích giúp trẻ tự kỷ giảm thiểu những tổn thương về tinh thần, trí tuệ cũng như thể chất. Theo Hiệu trưởng Trường mầm non VSK Thăng Long Bùi Thị Tuyết, trẻ em tự kỷ sau khi được phát hiện hoặc chưa được phát hiện, nhưng nếu được tiếp cận với các phương pháp giáo dục sớm ở cơ sở giáo dục mầm non ngay từ dưới 2 – 3 tuổi, được học hòa nhập với trẻ bình thường sẽ giảm thiểu những tổn thương về tinh thần, trí tuệ cũng như thể chất.
Cùng ý kiến, đại diện Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho rằng, trẻ có rối loạn phát triển độ tuổi mầm non gặp đa dạng khó khăn ở các lĩnh vực phát triển khác nhau. Việc hỗ trợ can thiệp sớm một cách tích cực giữ vai trò quan trọng trong việc phát triển các lĩnh vực nói chung và lĩnh vực ngôn ngữ – giao tiếp nói riêng cho trẻ rối loạn phát triển. Do đó, cần tăng cường vai trò tự chủ của trường mầm non hòa nhập, tăng cường sự tham gia của phụ huynh đối với các hoạt động phát triển ngôn ngữ – giao tiếp cho trẻ có rối loạn theo học ở trường.
Có ý kiến cho rằng, giai đoạn trước 3 tuổi là thời điểm đặc biệt quan trọng, là “giai đoạn vàng” để đưa ra những biện pháp tác động giúp trẻ tự kỷ phát triển tốt các kỹ năng, khắc phục, sửa chữa những khiếm khuyết để hòa nhập cộng đồng. Do đó, ở các trường mầm non dạy hòa nhập, giáo viên cần có kỹ năng tốt, hiểu biết rõ về trẻ để có ý tưởng sáng tạo, phù hợp trong quá trình thực hiện hoạt động. Các Trung tâm can thiệp cần có sự chia sẻ thường xuyên về cách vận dụng hoạt động giác quan xã hội trong việc phát triển các kỹ năng cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ ở lứa tuổi dưới 36 tháng. Nhà nước cần quan tâm, tạo điều kiện về chính sách để giáo viên mầm non được đào tạo các kỹ năng can thiệp giáo dục đặc biệt.
Hiệp hội Vì giáo dục cho mọi người Việt Nam (VAEFE) được thành lập ngày 07 tháng 01 năm 2015 theo Quyết định số 07/QĐ-BNV của Bộ Nội vụ. VAEFE hoạt động nhằm tạo tiếng nói chung của các tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ, tổ chức cộng đồng tại Việt Nam nhằm vận động, tư vấn, tham vấn các chính sách giáo dục để hỗ trợ và góp phần cùng Chính phủ đạt được các mục tiêu phát triển bền vững lĩnh vực giáo dục đào tạo cho mọi người.
Viện Nghiên cứu Giáo dục Phát triển Tiềm năng Con người (IPD) là tổ chức khoa học công nghệ trực thuộc Hội Giáo dục Chăm sóc Sức khỏe Cộng đồng Việt Nam, IPD nỗ lực hành động vì một môi trường phát triển thuận lợi cho trẻ em Việt Nam; thúc đẩy việc thực hiện giáo dục sớm đảm bảo trẻ trong độ tuổi này được phát triển toàn diện, góp phần cải tạo nòi giống, bồi dưỡng nhân lực và đào tạo nhân tài cho đất nước.
Minh Quân