Nâng cao năng lực quản trị khủng hoảng truyền thông trong giáo dục hiện đại
Bối cảnh giáo dục hiện nay đang chứng kiến sự gia tăng đáng kể của các cuộc khủng hoảng truyền thông, từ những vấn đề liên quan đến bạo lực học đường, an ninh trường học, cho đến các khủng hoảng đạo đức và phản ứng xã hội. Chỉ riêng trên Google, từ khóa “khủng hoảng giáo dục” trên toàn cầu đã cho ra gần 600 triệu kết quả, phản ánh mức độ quan tâm lớn đối với vấn đề này.
Nhằm hỗ trợ chuyển giao các kinh nghiệm quốc tế từ đơn vị hàng đầu thế giới, BUV phối hợp cùng đối tác cấp bằng là Đại học London, Trung tâm CEFALT và Sở Giáo Dục TP. HCM, Sở Giáo Dục TP. Hà Nội tổ chức chuỗi hội thảo chuyên đề: “Quản trị khủng hoảng truyền thông trong giáo dục thời đại số”. Hội thảo xoay quanh các phương pháp nâng cao năng lực quản lý và kỹ năng thực chiến trong bối cảnh giáo dục hiện đại. Bên cạnh đó, hội thảo còn là cơ hội để các nhà quản lý giáo dục, nhà nghiên cứu và chuyên gia từ Việt Nam và Vương quốc Anh cùng trao đổi tri thức, cập nhật những xu hướng mới nhất trong lĩnh vực giáo dục và truyền thông.

Giáo sư Wendy Thomson CBE – Hiệu trưởng Đại học London chia sẻ: “Việt Nam có chiến lược phát triển giáo dục mạnh mẽ, giúp đất nước có vị thế vững chắc trong bối cảnh kinh tế toàn cầu. Nhận thức được vai trò then chốt của giáo dục, Đại học London cam kết đồng hành lâu dài với Việt Nam, hỗ trợ các sáng kiến giáo dục bền vững, từ đó đóng góp tích cực vào sự phát triển của nền kinh tế tri thức.”
Tại hội thảo, diễn giả Lê Quốc Vinh phân tích tác động của kỷ nguyên số đối với quản trị khủng hoảng, trong đó nhấn mạnh vai trò của truyền thông mạng xã hội, hiệu ứng đám đông, tâm lý FOMO (sợ bỏ lỡ), cùng với những thách thức từ định kiến và sự phán xét nhanh chóng trên không gian số. Hội thảo cũng nhấn mạnh vai trò của các bên liên quan thông qua sơ đồ tác chiến quản trị khủng hoảng, từ nhà trường, báo chí, đối tác, đến các cơ quan quản lý giáo dục, trong việc phối hợp ứng phó.

Một trong những nội dung trọng tâm được thảo luận là tầm quan trọng của minh bạch thông tin trong xử lý khủng hoảng. Chuyên gia nhận định, khủng hoảng thường bắt nguồn từ khoảng trống thông tin hoặc sự thiếu rõ ràng trong truyền đạt, dẫn đến nghi ngờ, hiểu lầm và suy giảm niềm tin từ công chúng.
Dựa trên phân tích hai tình huống tại Mỹ – vụ xả súng ở Parkland và sự cố video phân biệt chủng tộc tại Eastside – ông Vinh nhấn mạnh rằng phản ứng nhanh, minh bạch là yếu tố then chốt trong quản trị khủng hoảng giáo dục.
Kiểm soát thông tin kịp thời giúp trấn an dư luận trong khi đối thoại công khai, một chiến lược phổ biến tại các nền giáo dục tiên tiến, không chỉ hóa giải xung đột mà còn củng cố giá trị cốt lõi của nhà trường trong cộng đồng.
Bên cạnh việc xử lý tình huống khủng hoảng, hội thảo còn đề cập đến các mô hình quản trị phục hồi và chiến lược quản trị khủng hoảng từ xa. Theo đó, cách tiếp cận chủ động – tập trung vào nhận diện rủi ro, xây dựng kịch bản phòng ngừa và chuẩn bị sẵn sàng – được nhấn mạnh thay vì chỉ ứng phó khi sự cố đã xảy ra.

TS. Trần Thế Cương – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, khẳng định tầm quan trọng của chương trình, đồng thời bày tỏ kỳ vọng rằng các học viên sẽ tiếp thu và ứng dụng hiệu quả những kiến thức, phương pháp giảng dạy tiên tiến, qua đó đóng góp vào công cuộc đổi mới giáo dục của Thủ đô.
“Trong ba năm qua, mục tiêu của chúng tôi là nâng cao tiêu chuẩn giáo dục và năng lực quản lý trong ngành. Để hiện thực hóa điều đó, chúng tôi đã tổ chức đấu thầu các gói đào tạo, trong đó BUV đã chứng minh được năng lực vượt trội và là tổ chức duy nhất đáp ứng tất cả các tiêu chí khắt khe mà chúng tôi đề ra.” – TS. Trần Thế Cương chia sẻ.

Hội thảo chuyên đề là sự kiện mới nhất trong chuỗi các hoạt động đồng hành cùng Sở GD&ĐT, giúp nâng cao chuyên môn, cập nhật xu hướng quốc tế trong các vấn đề nóng hỏi của hệ thống giáo dục việt nam, do BUV triển khai trong nhiều năm gần đây. Trong tương lai, BUV và Đại học London sẽ tiếp tục triển khai các chương trình đào tạo nâng cao, các hội thảo chuyên đề và hợp tác nghiên cứu nhằm đóng góp vào sự phát triển chung của nền giáo dục Việt Nam.