Nâng cao kiến thức về chế độ chính sách cho lao động làm nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm
Ngày 30/10, Liên hiệp Hội Việt Nam đã phối hợp với Hội Khoa học Kỹ thuật An toàn và Vệ sinh lao động Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Nâng cao kiến thức, giải pháp, chế độ chính sách cho các nghề, công việc nặng nhọc, độc hại nguy hiểm trong môi trường lao động trong giai đoạn hiện nay”.
Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam Phạm Quang Thao nhấn mạnh, lĩnh vực an toàn lao động và chế độ chế độ chính sách cho người lao động làm các nghề, công việc nặng nhọc, độc hại nguy hiểm từ lâu đã được Nhà nước quan tâm. Hội thảo hôm nay không chỉ là dịp để các chuyên gia phổ biến kiến thức mà còn là dịp để các tri thức khoa học dưới mái nhà chung Liên hiệp Hội cùng nhau trao đổi và làm rõ các câu hỏi, đề xuất những giải pháp đặc sắc liên quan đến các chế độ chính sách cho người lao động và nghề nghiệp.
Trình bày tại hội thảo, Ths. Nguyễn Khánh Long, Phó Cục trưởng – Cục An toàn lao động cho biết, về quy định tiêu chuẩn phân loại lao động theo điều kiện lao động Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư số 29/2021/TT-BLĐTBXH. Nội dung cơ bản của thông tư vẫn có những hạn chế như: Các tiêu chí đánh giá có bản chất khác nhau nhưng được lấy giá trị trung bình; khó có thể áp dụng với các ngành nghề đặc thù; chưa thể hiện tác động qua lại của các yếu tố khi chúng có thể khuếch đại lẫn nhau, nhất là khi có mặt đồng thời các hóa chất độc hại, nguy hiểm.
Ngoài ra, Thông tư này mới chỉ dừng lại ở việc đánh giá cho những nghề, công việc cố định, có môi trường lao động cố định, ít biến động (tức là có thể thực hiện việc đo đạc được yếu tố tác động sinh học đến người lao động) mà chưa đánh giá được cho các nghề, công việc có tính chất nguy hiểm hoặc tiếp xúc với các chất, hóa chất độc nguy hại hoặc những nghề, công việc có tần suất ít, hiếm xảy ra nhưng lại vô cùng nguy hiểm… Do đó, để thuận tiện hơn trong việc đánh giá phân loại điều kiện lao động, Bộ LĐTB&XH đang dự thảo Thông tư mới nhằm thay thế Thông tư 29.
Chia sẻ tại hội thảo, Bà Nguyễn Thị Hải Hà, Viện Khoa học Lao động và Xã hội cho rằng ở mỗi quốc gia việc xây dựng danh mục nghề nghiệp nặng nhọc, độc hại có cách tiếp cận khác nhau trong việc đánh giá và xác định các nghề nghiệp có nguy cơ cao cho sức khỏe và an toàn của người lao động.
Như ở Hàn Quốc, các chỉ số môi trường vượt quá tiêu chuẩn cho phép không được coi là một yếu tố yếu tố trong đánh giá mức độ nguy hiểm của công việc, bởi vì bất kỳ phân xưởng sản xuất nào có môi trường yếu tố trường vượt ngưỡng cho phép sẽ không được phép hoạt động. Điều này giúp đảm bảo rằng môi trường làm việc phải được bổ sung tiêu chuẩn an toàn cao ngay từ đầu. Thay vào đó, Hàn Quốc xác định độ nặng đột phá, độc hại và nguy hiểm của một ngành nghề chủ yếu dựa trên hai yếu tố chính: gánh nặng thể lực và gánh nặng tâm lý, mà người ta đưa vào đại lượng đánh giá là Stress nghề nghiệp.
Còn theo PGS.TS. Lê Minh Đức, Phân Viện trưởng Phân viện An toàn vệ sinh lao động Đà Nẵng thì, an toàn vệ sinh lao động đóng một vai trò quan trọng cho sự phát triển một cách bền vững cho nền kinh tế, xã hội và môi trường. Điều kiện lao động (ĐKLĐ) không tốt đã là nguyên nhân chính dẫn đến nhiều tai nạn lao đông, tổn hại sức khỏe của hàng trăm triệu người lao động mỗi năm, làm giảm sút khả năng lao động, ảnh hường đến sức khỏe giống nòi và gây nên một sự thiệt hại to lớn về kinh tế, môi trường.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa như hiện nay, các doanh nghiệp có xu hướng thuê ngoài một số mạng hoạt động và quy trình sản xuất. Xu hướng thuê ngoài cũng như tầm quan trọng ngày một gia tăng của chuỗi cung ứng tác động đến điều kiện làm việc, sức khỏe và sự an toàn của người lao động. Nhiều thách thức về an toàn vệ sinh lao động đòi hỏi phải có những hành động vượt ra ngoài ranh giới của một doanh nghiệp.
PGS.TS. Lê Minh Đức kiến nghị ần có phương pháp thống nhất để đánh giá, phân loại theo ĐKLĐ, từ đó phân loại lao động theo ĐKLĐ phản ánh được mức độ nặng nhọc, độc hai, nguy hiểm của một vị trí công việc cụ thể; thực hiện, triển khai nghiên cứu văn hóa an toàn tại cơ sở. ATVSLĐ là công việc không của riêng ai, giải pháp cải thiện ĐKLĐ là yếu tố mấu chốt, then chốt trong giảm dần gánh nặng, độc hại của môi trường làm việc cho NLĐ, cùng với đó cần nâng cao nhận thức cho người lao động về ATVSLĐ: tuyên truyền, huấn luyện, giải pháp quản lý tốt, ứng dụng công nghệ 4.0, AI để tăng cường giám sát, quản lý.
Lê Minh