Nâng cao chuỗi cung ứng pin cho chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam
Ngày 20/2, Vụ Kinh tế công nghiệp, dịch vụ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp cùng Đối tác chuyển dịch năng lượng Đông Nam Á (ETP) thuộc Văn phòng Dịch vụ dự án Liên hợp quốc (UNOPS) tổ chức Hội thảo tham vấn “Nâng cao chuỗi cung ứng pin cho chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam”.
Hội thảo khởi động này là một cấu phần quan trọng trong khuôn khổ chương trình của ETP/UNOPS về tăng cường môi trường đầu tư và huy động nguồn lực cho chuyển dịch năng lượng được thiết kế để hỗ trợ Vụ Kinh tế Công nghiệp, dịch vụ (Bộ Kế hoạch và Đầu tư).

Theo báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) công bố tháng 12 năm 2024, nhu cầu về PIN sẽ tiếp tục tăng nhanh dựa trên các chính sách hiện tại, dự kiến tăng 4,5 lần vào năm 2030 và hơn bảy lần vào năm 2035. Công suất PIN toàn cầu năm 2023 đạt khoảng 850GWh, tăng hơn 40% so với năm 2022 trong đó lĩnh vực xe điện là động lực chính thúc đẩy thị trường PIN.
Nhu cầu về PIN cho lĩnh vực xe điện chiếm gần 90% tổng nhu cầu về PIN trong năm 2023, tương ứng khoảng 750GWh. Tính trên tổng quy mô thị trường PIN toàn cầu, Trung Quốc là thị trường lớn nhất, chiếm khoảng 55% nhu cầu PIN toàn cầu năm 2023.
Ông Lê Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế công nghiệp, dịch vụ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, việc tăng trưởng nhanh, với nhu cầu lớn của thị trường PIN lưu trữ đang tạo ra cơ hội lớn những cũng kéo theo không ít thách thức cho chuỗi cung ứng PIN toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Và Việt Nam có tiềm năng lớn để trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng PIN toàn cầu nhờ lợi thế về nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú như Niken, Coban, đất hiếm.

Thực trạng chuỗi cung ứng PIN của Việt Nam hiện đang ở giai đoạn khởi đầu với nhiều thách thức cần vượt qua. Năng lực sản xuất các vật liệu quan trọng cho ngành PIN còn hạn chế, các chính sách hỗ trợ cần tiếp tục hoàn thiện trong điều kiện cạnh tranh quốc tế ngày càng gay gắt. Sự phụ thuộc vào các nguồn cung cấp nguyên liệu từ nước ngoài cũng đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc xây dựng chuỗi cung ứng nội địa mạnh và linh hoạt.
Hiện nay, ngành xe điện (EV) của Việt Nam đang trên đà phát triển, không chỉ phục vụ nhu cầu trong nước mà còn hướng tới xuất khẩu, điều này kéo theo nhu cầu lớn về PIN. Để hướng đến mục tiêu đạt 100% xe điện đến năm 2050, Việt Nam cần có các chính sách khuyến khích đầu tư hợp lý, thúc đẩy nghiên cứu phát triển công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất trong nước và xây dựng một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo hỗ trợ ngành PIN.
“Bộ Kế hoạch và Đầu tư với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về quy hoạch và đầu tư, cam kết tiếp tục đồng hành cùng các doanh nghiệp và đối tác phát triển để thúc đẩy hình thành một chuỗi cung ứng PIN toàn diện và linh hoạt tại Việt Nam” – ông Lê Tuấn Anh nhấn mạnh.

Còn theo bà Nguyễn Ngọc Thủy, Điều phối viên Quốc gia ETP/UNOPS, nhu cầu PIN toàn cầu được thúc đẩy bởi xe điện và hệ thống lưu trữ năng lượng (Bess) với các thị trường chính tại Trung Quốc, Liên minh châu Âu và Hoa Kỳ. Năm 2024, báo cáo xếp hạng chuỗi cung ứng Pin Lithium-Ion toàn cầu cho thấy, Canada đã vượt qua Trung Quốc và xếp thứ nhất, còn Việt Nam ở vị trí thứ 20. Các sáng kiến cũng tập trung vào việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng, bảo vệ các ngành công nghiệp và tăng cường ảnh hưởng trong lĩnh vực pin.
Các yếu tố quan trọng đối với việc nâng cao chuỗi cung ứng Pin gồm: nguồn cung cấp nguyên liệu thô bền vững, đổi mới công nghệ và hiệu quả, hỗ trợ từ chính sách và các quy định của chính phủ, khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng và các yếu tố địa chính trị. Để tăng cường chuỗi cung ứng PIN cho xe điện, hệ thống lưu trữ năng lượng và năng lượng tái tạo cần hỗ trợ phát triển môi trường thuận lợi cho chuỗi cung ứng pin và thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thu hút đầu vào lĩnh vực này, đặc biệt khuyến khích sự tham gia của khu vực kinh tế tư nhân.
Chia sẻ những kinh nghiệm quốc tế trong phát triển chuỗi cung ứng Pin cho xe điện và hệ thống lưu trữ năng lượng, đại diện từ Trường Đại học Kelaniya (Srilanka) cho rằng sự hỗ trợ từ chính phủ đóng vai trò then chốt trong việc khởi động các dự án, thúc đẩy đổi mới và phát triển cơ sở hạ tầng. Nguồn tài trợ chiến lược và trợ cấp nên tập trung vào nghiên cứu và phát triển.
Chính phủ nên hài hòa chính sách với các đối tác quốc tế và thiết lập các tiêu chuẩn mạnh mẽ về quản trị môi trường và xã hội. Việc đổi mới công nghệ sẽ giúp nâng cao hiệu quả và tính bền vững trong khi mở rộng thị trường là điều thiết yếu để xây dựng vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Tích hợp vào chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ giúp tăng cường khả năng tiếp cận tài nguyên, tối ưu hóa sản xuất và thúc đẩy quan hệ đối tác quốc tế. Việc giảm phụ thuộc vào một nguồn duy nhất và tận dụng các cơ hội toàn cầu sẽ nâng cao khả năng phục hồi. Các doanh nghiệp nên áp dụng nguyên tắc kinh tế tuần hoàn, tập trung vào giảm thiểu chất thải, tái chế và sử dụng hiệu quả tài nguyên.
Lê Quân