Mục tiêu xuất khẩu 377 tỷ USD: Khả thi nhưng cần nỗ lực

Năm 2024, Bộ Công Thương đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 377 tỷ USD, tăng khoảng 6% so với năm 2023, cán cân thương mại thặng dư dự kiến khoảng 15 tỷ USD. Đây là mục tiêu đầy tham vọng, cần nhiều nỗ lực từ Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp mới có thể khả thi.

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu được dự báo còn nhiều yếu tố “khó đoán định”, các chuyên gia đưa ra nhiều luồng quan điểm xoay quanh mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 377 tỷ USD.

Mục tiêu xuất khẩu 377 tỷ USD: Khả thi nhưng cần nỗ lực

Ở chiều tích cực, lạc quan, VinaCapital vừa đưa ra báo cáo kỳ vọng tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ tăng lên mức 6,5% năm 2024. Sau một năm 2023 đầy thử thách, các dấu hiệu đều cho thấy năm 2024 sẽ là một năm mạnh mẽ hơn của nền kinh tế Việt Nam, được thúc đẩy bởi sự hồi phục của ngành sản xuất và cải thiện tâm lý người tiêu dùng.

Theo ông Cao Hữu Hiếu – Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Vinatex, các dự báo năm 2024 đều cho thấy những hy vọng nền kinh tế thế giới có sự cải thiện, nhất là tại thị trường Mỹ với tín hiệu có thể có 3 đợt cắt giảm lãi suất lên tới 0,75%, đây là động lực thúc đẩy tiêu dùng trở lại. Các quốc gia cạnh tranh gặp nhiều vấn đề về lao động, xung đột vũ trang ở trong nước, trong khi Việt Nam là một điểm đến an toàn cũng là một thuận lợi cho các đơn hàng có khả năng quay lại Việt Nam. Kinh tế vĩ mô trong nước tiếp tục ổn định, dự báo tăng trưởng GDP cao hơn 2023.

Năm 2024, bối cảnh thế giới được dự báo tiếp tục có những chuyển biến lớn và khó lường với nhiều cơ hội và thách thức đan xen. Là nền kinh tế có độ mở cao, Việt Nam không thể tránh khỏi những ảnh hưởng tiêu cực của những biến động từ bên ngoài trong bối cảnh rủi ro, thách thức còn rất lớn đối với triển vọng kinh tế thế giới trong năm 2024. Do đó, cũng có những ý kiến cho rằng xuất khẩu hàng hóa khó tạo ra đột phá trong năm 2024. Đơn cử ý kiến của đại diện VIS Rating cho biết, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào thị trường Hoa Kỳ và EU, tuy nhiên kinh tế của hai thị trường lớn này được dự báo chưa thực sự khả quan.

Theo Bộ Công Thương, nhìn chung, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2024 sẽ phụ thuộc lớn vào ba kênh: Thương mại quốc tế khi nhiều nền kinh tế là đối tác lớn của Việt Nam tăng trưởng chậm, dẫn đến tổng cầu khó phục hồi mạnh, từ đó tác động đến kết quả xuất khẩu; kênh đầu tư quốc tế khi mặt bằng lãi suất thế giới nhìn chung còn neo ở mức cao, khó thu hút vốn cho đầu tư nói chung và trực tiếp tạo áp lực không nhỏ trong việc giữ vốn đã đầu tư ở lại Việt Nam cũng như thu hút thêm vốn đầu tư mới.

Thứ ba, kênh tài chính tiền tệ với áp lực mất giá đồng nội tệ so với đồng USD, tuy thuận lợi phần nào cho xuất khẩu nhưng sẽ khiến chi phí nhập khẩu nguyên, vật liệu phục vụ sản xuất tăng cao và làm tăng quy mô thanh toán của các khoản nợ nước ngoài.

Các doanh nghiệp cũng phải đối mặt với nhiều thách thức mới như như tiền lương tối thiểu tăng 6% từ 01/7/2024, giá điện có thể tiếp tục tăng sau khi đã tăng trên 7% năm 2023. Điều này khiến chi phí sản xuất tăng cao, ảnh hưởng đến doanh thu và lợi nhuận.

Nhận định thêm về thị trường năm 2024, ông Vương Đức Anh – Chánh Văn phòng HĐQT kiêm người phát ngôn Vinatex phân tích, ngay đầu năm 2024, nền kinh tế đã đón nhận tin không vui khi lực lượng Houthi tại Yemen tấn công các tàu trở hàng đi qua khu vực Biển Đỏ – tuyến thương mại lớn kết nối châu Á với châu Âu và Mỹ. Vì vậy, giá cước vận tải tăng cao và thời gian giao hàng bị kéo dài gây ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động giao thương của các doanh nghiệp. Trong bối cảnh đó, thị trường quý 1/2024 dự báo vẫn chưa tốt hơn so với quý 4/2023, khả năng từ quý 2/2024 thị trường mới có thể ấm dần lên.

Mục tiêu xuất khẩu 377 tỷ USD: Khả thi nhưng cần nỗ lực

Đối với ngành thủy sản, báo cáo của Hiệp hội Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho thấy những tín hiệu tích cực khi hàng tồn kho cá tra tại các thị trường Mỹ, Trung Quốc, EU không còn là vấn đề, giá xuất khẩu tăng trở lại. Ngoài sản phẩm phile đông lạnh, xu hướng nhập khẩu cá tra giá trị gia tăng và các sản phẩm phụ (bong bóng cá, chả cá tra) tiếp tục tăng.

Tuy nhiên, VASEP cũng chỉ ra nhiều thách thức đối với các doanh nghiệp trong ngành. Ngoài các áp lực về lạm phát, kinh tế thế giới phục hồi chậm, các vấn đề địa chính trị cũng làm xáo trộn thương mại toàn cầu trong đó có thủy sản. Hệ lụy sẽ làm chi phí vận tải tăng, các giá sản phẩm đầu vào cho nuôi trồng, chế biến thủy sản tăng. Cũng có thể gây ra cơn lốc lạm phát mới ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ thủy sản trong năm 2024.

Ngoài ra, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản cũng phải đối mặt với áp lực cạnh tranh và rào cản thương mại. Tôm Việt Nam sẽ tiếp tục cạnh tranh với Ecuador và Ấn Độ. Chi phí thức ăn để nuôi trồng thủy sản tăng cao. Thẻ vàng IUU nếu không tháo gỡ được trong năm 2024 sẽ khiến xuất khẩu sang EU đình trệ vì thủ tục xác nhận, chứng nhận thủy sản khai thác còn bất cập vì các yếu tố nguồn lực, nhân lực và cơ sở hạ tầng không đáp ứng. Xuất khẩu tôm sang Mỹ sẽ khó khăn hơn nếu bị áp thuế chống trợ cấp (CVD).

Để đạt được mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2024 tăng khoảng 6% so với năm 2023, Bộ Công Thương cho biết, sẽ tập trung khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực và ký kết, triển khai các hiệp định mới để mở rộng, đa dạng hóa thị trường, mặt hàng xuất nhập khẩu, chuỗi cung ứng.

Bên cạnh đó, tăng cường khai thác các thị trường lân cận, còn tiềm năng, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu, thúc đẩy xuất khẩu bền vững, đồng thời tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại.

Bộ Công Thương cũng khuyến nghị các doanh nghiệp không được lơ là, chủ quan, mà phải theo dõi chặt chẽ tình hình biến động sản xuất, cung cầu, giá cả hàng hóa trên thế giới và trong nước để kịp thời có các giải pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả nhằm đạt được các mục tiêu đặt ra trong năm 2024 cũng như giai đoạn 2021 – 2025.

Các doanh nghiệp cần tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần chú trọng đến việc xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường quốc tế.

Theo Tổng cục Hải quan, năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 355,5 tỷ USD, giảm 4,4% so với năm trước. Có 35 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 93,6% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 7 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 66%). Giá trị xuất siêu 28,3 tỷ USD.

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt hơn 257 tỷ USD, giảm 6% (tương ứng giảm 16,40 tỷ USD) và nhập khẩu đạt hơn 209 tỷ USD, giảm 10,3%, tương đương giảm 24 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu khối doanh nghiệp trong nước vẫn duy trì ở mức 97,46 tỷ USD, giảm 0,7%

 

Hương Ly (Vietnam Business Forum)

Bài Viết Liên Quan

Back to top button