Một số kiến nghị tháo gỡ những bất cập pháp lý trong lĩnh vực nông nghiệp

Ngày 27/3, Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam phối hợp với Hiệp hội Phân bón Việt Nam và một số Hiệp hội ngành hàng tổ chức Hội thảo “Một số bất cập trong việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp”.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Hồ Xuân Hùng, Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam cho biết: Hội thảo được tổ chức nhằm đánh giá những khó khăn, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, đề xuất kiến nghị sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật cho phù hợp với thực tiễn và hệ thống pháp luật hiện hành.

Một số kiến nghị tháo gỡ những bất cập pháp lý trong lĩnh vực nông nghiệp
Ông Hồ Xuân Hùng, Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam phát biểu khai mạc hội thảo

Hội thảo là cơ hội để các nhà quản lý, doanh nghiệp và chuyên gia cùng thảo luận, đánh giá thực trạng và đề xuất các giải pháp cải cách phù hợp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho ngành nông nghiệp phát triển bền vững.

Tai hội thảo, các đại biểu cho rằng Luật chất lượng sản phẩm hàng hóa (CLSPHH) và Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật (TCQCKT) đang bộc lộ nhiều bất cập, gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là ngành phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chăn nuôi và thuốc thú y. Việc sửa đổi các quy định không còn phù hợp là yêu cầu cấp thiết để thúc đẩy sản xuất trong nước, nâng cao năng lực cạnh tranh và giảm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp và nông dân.

Phát biểu tại Hội thảo, TS. Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam cho rằng: Luật CLSPHH và Luật TCQCKT là hai luật có tác động sâu rộng, chi phối gần như toàn bộ điều kiện sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp. Nhà nước cần khảo sát ý kiến từ các Hiệp hội, doanh nghiệp để sửa đổi hai Luật này theo hướng thực tiễn và hiệu quả hơn. Việc cải cách chính sách là cơ hội để nâng cao chất lượng, năng lực cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng.

Một số kiến nghị tháo gỡ những bất cập pháp lý trong lĩnh vực nông nghiệp
TS. Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam phát biểu

Dự kiến trong tháng 5 tới đây, Quốc hội sẽ xem xét thông qua dự thảo Luật CLSPHH (sửa đổi) và Luật TCQCKT (sửa đổi). Đây được xem là cơ hội quan trọng để Việt Nam có một khung pháp lý hoàn thiện hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người nông dân, đồng thời nâng cao chất lượng và giá trị hàng hóa nông sản trên thị trường.

Tại Hội thảo, TS.Nguyễn Trí Ngọc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho rằng: “Quy định công bố hợp quy phân bón có nhiều bất cập về sự chồng chéo, xung đột giữa các quy định pháp luật hiện hành, mang nặng tính hình thức, gây tốn kém thời gian, chi phí cho doanh nghiệp”.

Theo TS. Nguyễn Trí Ngọc, doanh nghiệp sản xuất phải chờ tổ chức đến đánh giá, lấy mẫu để có kết quả (giấy chứng nhận) nộp cho cơ quan nhà nước. Cơ quan nhà nước cấp bản thông báo tiếp nhận hợp quy chỉ ghi nhận sự cam kết của tổ chức, cá nhân. Quy định này không cần thiết nhưng đang làm mất thời gian của doanh nghiệp (trung bình 1-2 tháng).

Một số kiến nghị tháo gỡ những bất cập pháp lý trong lĩnh vực nông nghiệp
TS. Nguyễn Trí Ngọc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam phát biểu

Đối với doanh nghiệp nhập khẩu phải công bố hợp quy 100% khi kiểm tra các lô sản phẩm nhập khẩu gây lãng phí tiền lưu công, lưu bãi, tiền thử nghiệm mẫu và thời gian chờ kết quả từ tổ chức đánh giá để làm thủ tục hải quan và bán hàng. Trong khi trong hồ sơ đăng ký nhập khẩu đã có quy định nộp kết quả phân tích từ bên xuất khẩu.

Ước tính chi phí hợp quy cho sản phẩm phân bón khoảng 3 triệu đồng/sản phẩm sản xuất trong nước hoặc 1 lô hàng nhập khẩu thì chi phí hợp quy cho toàn ngành phân bón sẽ vô cùng lớn (hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm, trong đó có những doanh nghiệp phải chi trả vài tỷ đồng/năm).

Như vậy, các chí phí hợp quy phân bón là một nguyên nhân làm tăng chi phí sản phẩm phân bón trong nước, giảm tính cạnh tranh với sản phẩm phân bón nhập khẩu và làm tăng giá thành sản xuất trồng trọt của người nông dân.

Thay mặt Hiệp hội phân bón Việt Nam, TS Nguyễn Trí Ngọc kiến nghị bỏ quy định công bố hợp quy tại Luật TCQCKT và Luật CLSPHH. Quy định quy chuẩn kỹ thuật để bắt buộc áp dụng, dùng để thanh tra kiểm tra nếu phát hiện vi phạm thì xử phạt; Bãi bỏ tiêu chuẩn cơ sở của doanh nghiệp, để doanh nghiệp xây dựng cơ sở dữ liệu, tự công bố chất lượng sản phẩm và tự chịu trách nhiệm; Bãi bỏ Quy chuẩn kỹ thuật, duy trì các quy định quản lý bắt buộc áp dụng không cần đánh giá sự phù hợp mà chỉ thanh tra kiểm tra.

Một số kiến nghị tháo gỡ những bất cập pháp lý trong lĩnh vực nông nghiệp
Ông Trần Đại Nghĩa, Phó Tổng Giám đốc CTCP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao

Chia sẻ tại hội thảo, ông Trần Đại Nghĩa, Phó Tổng Giám đốc CTCP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, cho rằng việc bắt buộc khảo nghiệm phân bón đang làm tăng chi phí cho doanh nghiệp, gây khó khăn cho nông dân và làm chậm quá trình đưa sản phẩm mới ra thị trường. Để một loại phân bón mới có thể lưu hành, doanh nghiệp phải chờ khảo nghiệm tối thiểu 2 năm, điều này sẽ làm mất cơ hội kinh doanh khi thị trường có nhu cầu.

Phó Tổng Giám đốc CTCP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao kiến nghị sửa đổi Quy chuẩn quốc gia về chất lượng phân bón QCVN 01-189:2019/BNNPTNT để phù hợp hơn với thực tế.

PV

Bài Viết Liên Quan

Back to top button