“Mong VCCI sẽ mãi là nơi giữ lửa và tiếp tục tiên phong trên hành trình vì doanh nghiệp”

Sau thời gian công tác ở Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, tôi về làm việc ở VCCI và đã có gần 30 năm gắn bó với nơi này. VCCI là gia đình thứ hai của tôi và những năm tháng công tác tại VCCI là những năm tháng không thể nào quên. Ở đó tôi được đào tạo, được trưởng thành và cùng với nhiều thế hệ hội viên, các thành viên Ban Chấp hành và cán bộ nhân viên chung tay xây dựng nên một VCCI thật đáng tự hào.

“Mong VCCI sẽ mãi là nơi giữ lửa và tiếp tục tiên phong trên hành trình vì doanh nghiệp”
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng quán triệt Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị về “ xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế” tại trụ sở VCCI vào năm 2011

Năm 2003, tôi được bầu giữ chức Chủ tịch VCCI. Lớp cán bộ lãnh đạo “gạo cội” đứng đầu là Chủ tịch Đoàn Duy Thành, Phó Chủ tịch Đoàn Ngọc Bông, Phó Chủ tịch Phạm Chi Lan, Phó Chủ tịch Đào Duy Chữ… đồng loạt rời nhiệm sở, bàn giao nhiệm vụ lãnh đạo VCCI cho lớp trẻ. Tôi cùng các anh, chị Phó Chủ tịch Hoàng Văn Dũng, Trần Thị Thủy và sau này là Đoàn Duy Khương, Phạm Gia Túc, Hoàng Quang Phòng, Võ Tân Thành, Nguyễn Hồng Sơn, các Tổng Thư ký Phạm Thị Thu Hằng, Nguyễn Quang Vinh, các vị Ủy viên Ban Chấp hành và đội ngũ lãnh đạo các phòng, ban, trung tâm, chi nhánh, các đơn vị trực thuộc và toàn thể cán bộ nhân viên cơ quan thường trực,… mỗi người một vẻ nhưng đều có những đóng góp quan trọng cho quá trình kiến tạo VCCI trở thành tổ chức quốc gia, đại diện cho tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp, đồng thời là tổ chức xúc tiến thương mại đầu tư lớn nhất ở nước ta và một Phòng thương mại có vị thế và năng động hàng đầu trong mạng lưới các Phòng Thương mại và Công nghiệp trên thế giới.

Có rất nhiều kỷ niệm với thế hệ chúng tôi trong những năm tháng thật đáng ghi nhớ này.

Số phận của VCCI gắn liền với số phận của đội ngũ doanh nhân. Chúng tôi không thể nào quên được, cho đến tận đầu những năm 2000, mặc dù chúng ta đã có Luật Doanh nghiệp ra đời, nhưng hai từ Doanh nhân vẫn không có trong từ điển tiếng Việt và vị thế của đội ngũ này vẫn chưa được xác định trong bất cứ một văn bản pháp luật, đường lối, chính sách nào của Đảng và Nhà nước ta. Việc chính danh đội ngũ doanh nhân và xác lập rõ ràng vị thế của đội ngũ này trong sự nghiệp phát triển đất nước là yêu cầu cấp bách lúc bấy giờ. Trên cơ sở nhận thức như vậy, Chủ tịch VCCI đã tiên phong cùng với các hiệp hội doanh nghiệp kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ quyết định lấy ngày 13 tháng 10 hàng năm là Ngày Doanh nhân Việt Nam. Cộng đồng doanh nghiệp và những người làm việc tại VCCI lúc đó thật sự tự hào và xúc động trào dâng chứng kiến thời khắc lịch sử đối với VCCI và đội ngũ doanh nhân. Trong cuộc gặp của Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2004, Thủ tướng Phan Văn Khải đã trao tặng cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam bức ảnh “Bác Hồ với doanh nghiệp doanh nhân” và dõng dạc tuyên bố: “Thay mặt Chính phủ, tôi tuyên bố từ nay Ngày 13 tháng 10 hàng năm sẽ là Ngày Doanh nhân Việt Nam”. Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và lời tuyên bố thiêng liêng đó như là thời điểm khai sinh rất đáng tự hào của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời đại mới. Vậy là Chính phủ đã chính danh đội ngũ  doanh nhân, nhưng Nghị quyết của Đảng về doanh nhân thì vẫn chưa có. Chưa có Nghị quyết của Đảng thì chưa thể minh định chủ trương chính sách cho phát triển đội ngũ này. Và chúng tôi lại bắt đầu một hành trình mới, tôi thay mặt cho Đảng đoàn VCCI, kiến nghị Đảng ban hành Nghị quyết về phát triển đội ngũ doanh nhân. Kiến nghị được Bộ Chính trị, Ban Bí thư chấp nhận, và tôi được giao nhiệm vụ Trưởng Ban biên tập Đề án để trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TW  “xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế”. Và tôi nhớ như in kỷ niệm ngày 17 tháng 2 năm 2011, sau khi Nghị quyết về doanh nhân ban hành mới một tuần, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến tận trụ sở của VCCI gặp gỡ các doanh nhân để phổ biến triển khai Nghị quyết. Tổng Bí thư nhấn mạnh: Doanh nhân là lực lượng có vai trò quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, Doanh nhân phải có trình độ quản lý kinh doanh giỏi, có phẩm chất đạo đức, trách nhiệm xã hội và tinh thần dân tộc cao. Xây dựng được đội ngũ Doanh nhân lớn mạnh là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị… Đó là những quan điểm chỉ đạo của Đảng đối với sự nghiệp phát triển doanh nghiệp, doanh nhân. Cũng trong Nghị quyết này vai trò của VCCI với tư cách là tổ chức quốc gia, đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân, các hiệp hội doanh nghiệp và người sử dụng lao động ở Việt Nam chính thức được xác lập.

“Mong VCCI sẽ mãi là nơi giữ lửa và tiếp tục tiên phong trên hành trình vì doanh nghiệp”
Năm 2003 – Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc trao tặng  Đại tướng Võ Nguyên Giáp Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp phát triển doanh nghiệp”

Đội ngũ doanh nhân đã có nghị quyết riêng của Đảng. Đây là nghị quyết đầu tiên về doanh nhân trong lịch sử 80 năm hình thành và phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam kể từ khi thành lập. Với Nghị quyết này, đội ngũ doanh nhân đã có điểm tựa vững chắc về mặt chính trị trong xã hội. Nhưng về mặt pháp lý, Hiến pháp nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và hệ thống pháp luật lúc đó đã chưa đề cập tới doanh nhân. Năm 2013, Quốc hội thảo luận về Hiến pháp sửa đổi, tôi thấy tất cả các giai tầng trong xã hội ta đều có mặt và được ghi nhận trong dự thảo Hiến pháp mới, riêng 4 chữ Doanh nghiệp, Doanh nhân thì tôi tìm không thấy. Tôi đã phát biểu trước Quốc hội: “Cả dân tộc diễu hành trong bản Hiến pháp mới nhưng thiếu vắng đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân” và tôi tha thiết đề nghị Quốc hội hiến định vai trò của đội ngũ Doanh nghiệp, Doanh nhân trong Hiến pháp. Quốc hội thảo luận và chấp nhận ý kiến của tôi và những dòng chữ quý hơn vàng: “Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nhân, doanh nghiệp,… đầu tư, sản xuất, kinh doanh” được ghi trang trọng trong Hiến pháp. Tôi và các đại biểu là doanh nhân trong Quốc hội mừng vui khôn xiết. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước chúc mừng chúng tôi trong thời khắc lịch sử có một không hai đó. Việc chính danh hai chữ doanh nhân trong các văn kiện cao nhất: Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Nghị quyết của Đảng rồi Hiến pháp là một hành trình xác lập vững chắc vị thế chính trị, pháp lý, xã hội và chủ trương định hướng phát triển của doanh nhân, là một bước tiến lớn trong công cuộc đổi mới của Việt Nam, có sức cổ vũ to lớn đối với cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân, tạo điều kiện và khuyến khích họ dấn thân vì sự nghiệp phát triển đất nước.

Xác lập vị trí của doanh nghiệp, doanh nhân trong xã hội là một việc rất quan trọng, nhưng điều quan trọng không kém là phải xây dựng được một hệ thống luật pháp, chính sách, một hệ sinh thái và môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp, doanh nhân phát triển và VCCI cũng có sứ mệnh tiên phong trong lĩnh vực này. VCCI đã tiên phong trong nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về doanh nghiệp, doanh nhân, tuyên truyền vận động các cấp bộ Đảng, chính quyền và doanh nghiệp thấm nhuần và thực hiện lời dạy của Bác: Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là sự kinh doanh của các nhà công thương nghiệp thịnh vượng. Chính phủ, nhân dân sẽ tận tâm giúp giới công thương trong công cuộc kiến thiết,… VCCI đã tham gia tích cực vào các Ban Chỉ đạo, Ban Biên tập, tham gia ý kiến vào các văn bản pháp luật liên quan đến doanh nghiệp, doanh nhân đặc biệt là Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Thương mại,…là những văn bản pháp luật nền tảng về kinh doanh. VCCI đã trực tiếp đề xuất và tham gia vào “cuộc chiến” cam go xoá bỏ hàng ngàn “giấy phép con”. Chúng tôi có những kỷ niệm không thể nào quên khi có đến cả tuần tại Văn phòng Chính phủ, Chủ tịch VCCI cùng Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương được Thủ tướng Chính phủ giao trọng trách cùng nhau rà xét từng văn bản và đấu tranh, thuyết phục lãnh đạo các Bộ, Ngành loại bỏ từng giấy phép con và thủ tục hành chính phiền hà để “cởi trói” cho doanh nghiệp. VCCI cũng tiên phong trong việc xây dựng Bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) để thúc đẩy quá trình cải cách, hướng dẫn và hỗ trợ nâng cao năng lực điều hành kinh tế ở các địa phương.  Để nâng cao năng lực của chính cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, VCCI đã tiên phong trong đào tạo, tư vấn, thông tin, hỗ trợ thúc đẩy phát triển bền vững, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, hỗ trợ doanh nghiệp do doanh nhân nữ làm chủ, thúc đẩy xây dựng văn hóa kinh doanh, thực hiện trách nhiệm xã hội, thực hiện chuyển đổi số, chuyển đổi xanh,… Trong tất cả lĩnh vực phát triển doanh nghiệp đều có dấu chân tiên phong của VCCI.

“Mong VCCI sẽ mãi là nơi giữ lửa và tiếp tục tiên phong trên hành trình vì doanh nghiệp”
Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải trao Bức ảnh “Bác Hồ với doanh nghiệp, doanh nhân” cho Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc tại Lễ công bố Ngày Doanh nhân Việt Nam (ngày 13 – 14/10/2004)

Về hội nhập quốc tế thì VCCI đã phát huy tốt vai trò tổ chức tham vấn của các cơ quan Đảng, Nhà nước trong việc đàm phán ký kết và thực hiện các hiệp định thương mại tự do, nhất là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Trong không ít các thời điểm nhạy cảm, khó khăn và có tính chất quyết định của tiến trình hội nhập, tiếng nói của VCCI đã được cơ quan có trách nhiệm ghi nhận tiếp thu và chúng ta đã đóng góp xứng đáng vào việc thúc đẩy công cuộc hội nhập của Việt Nam tiến lên phía trước.

Chúng ta đã tổ chức và chủ trì nhiều sự kiện quốc tế quan trọng nhất của cộng đồng doanh nghiệp. Các chuyến đi tháp tùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước thực hiện xúc thương mại, đầu tư ngay từ thủa ban đầu còn bỡ ngỡ, đã giúp cho doanh nghiệp Việt Nam từng bước trưởng thành. Các hội nghị Hội đồng tư vấn kinh doanh và Hội Thượng đỉnh Doanh nghiệp ASEAN, APEC, Đông Á và đặc biệt là Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC 2002 và 2017 do VCCI tổ chức là những sự kiện đỉnh cao, được bạn bè quốc tế nể phục ở khả năng tổ chức, khả năng điều phối, dẫn dắt nội dung.Và lần đầu tiên trong lịch sử, Chủ tịch VCCI được bầu vào Ban Lãnh đạo cao nhất của Liên đoàn các Phòng Thương mại thế giới (WCF), Phòng Thương mại Quốc tế (ICC). VCCI cũng sáng lập và tổ chức thành công Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam thường niên để xúc tiến ở tầm quốc gia và chủ động kết nối với quốc tế. Đó là những dấu ấn quan trọng.

“Mong VCCI sẽ mãi là nơi giữ lửa và tiếp tục tiên phong trên hành trình vì doanh nghiệp”
Năm 2013 – Chủ tịch Quốc hội Khóa XIII Nguyễn Sinh Hùng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chia vui cùng các đại biểu Quốc hội là doanh nhân nhân dịp Quốc hội hiến định vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân trong Hiến pháp

Trong công tác tôn vinh khen thưởng doanh nghiệp, doanh nhân, VCCI đã lập danh hiệu doanh nhân Việt Nam tiêu biểu, hướng dẫn hỗ trợ các địa phương, hiệp hội ngành hàng tôn vinh khen thưởng doanh nghiệp, doanh nhân trong lĩnh vực của mình. VCCI cũng đã lập Kỷ niệm chương “vì sự nghiệp phát triển doanh nghiệp” để trao tặng cho những cá nhân, tổ chức có đóng góp to lớn vào sự nghiệp phát triển doanh nghiệp. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thủ tướng Phan Văn Khải, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (thời đó còn trên cương vị Bí thư Thành ủy Hà Nội),… là những người đầu tiên được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận, tôn vinh. “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” luôn là một truyền thống đạo nghĩa của VCCI và cộng đồng doanh nghiệp.

Với những nỗ lực của cả hệ thống chính trị và của chính đội ngũ doanh nhân trong đó có vai trò nổi bật của VCCI, những năm qua đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân ở Việt Nam đã có nhiều bước phát triển mạnh mẽ. Từ chỗ cả nước chỉ có chưa đầy 40.000 doanh nghiệp ở thời điểm đầu những năm 2000, đến nay chúng ta đã có gần 900.000 doanh nghiệp và hàng triệu doanh nhân đang có những đóng góp thực sự to lớn vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập của nước nhà. Đó là một kỳ tích và là một thành quả quan trọng bậc nhất của công cuộc đổi mới. Do những tác động của đại dịch Covid -19 và những khó khăn chồng chất khác, bây giờ thì cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân Việt Nam đang ở trong những giai đoạn phát triển khó khăn nhất của mình. Nhưng tôi tin rằng với niềm tin yêu của xã hội và những nền tảng vững chắc về chính trị, pháp lý và thực tiễn đã được xác lập trong hành trình đổi mới, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân  với sự đồng hành của Chính phủ và toàn xã hội sẽ dũng cảm tái cấu trúc, vượt lên chính mình, tiếp tục cạnh tranh và hội nhập thành công. Và hy vọng VCCI vẫn luôn là điểm tựa, là mái nhà chung – nơi giữ lửa, và tiếp tục tiên phong trên “hành trình vạn dặm” vì sự nghiệp phát triển của doanh nghiệp, doanh nhân.

Chúc cho cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân và VCCI của chúng ta luôn an lành và thành công.

TS. Vũ Tiến Lộc
Đại biểu Quốc hội,
Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Nguyên Chủ tịch VCCI (giai đoạn 2003 – 2021)

Nguồn: Vietnam Business Forum

Bài Viết Liên Quan

Back to top button