Mong đợi Fed đảo chiều chính sách tiền tệ
Theo chuyên gia, chỉ cần Fed chuyển sang chính sách tiền tệ nới lỏng vào cuối năm 2023, thì Mỹ sẽ tránh được một đợt suy thoái lớn và bắt đầu tăng tốc vào năm 2024 và 2025.
Kêu gọi Fed giảm lãi suất
Theo chia sẻ của Giám đốc điều hành New View Economics – David Brown trên SCMP, từ sau cuộc khủng hoảng toàn cầu năm 2008, các ngân hàng trung ương đã để lãi suất quá thấp và quá lâu sau hậu quả của nó. Đến hiện tại, họ đang phản ứng thái quá bằng việc tăng lãi suất mạnh mẽ để cố gắng bắt kịp với lạm phát cao.
Việc tăng lãi suất nhanh chóng gần đây rõ ràng đã gây thiệt hại cho niềm tin kinh tế toàn cầu, khiến sự phục hồi bắt đầu gặp khó khăn trở lại. Sau lần tăng lãi suất thứ 10 liên tiếp trong 14 tháng, ngay cả Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed) cũng bắt đầu chùn bước, với những gợi ý rằng việc tăng lãi suất có thể tạm dừng.
“Chủ tịch Fed – Jerome Powell – có thể nghĩ rằng suy thoái kinh tế ở Hoa Kỳ ít có khả năng xảy ra trong năm nay, nhưng khi lạm phát đang trên đà giảm xuống, thì ngân hàng trung ương cần đưa nền kinh tế trở lại đúng hướng để phục hồi bền vững càng sớm càng tốt. Fed muốn xây dựng lại uy tín chống lạm phát của mình, nhưng không nên trả giá bằng việc nền kinh tế quay trở lại suy thoái trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào năm 2024”, ông David Brown bày tỏ.
CEO của New View Economics cũng giải thích, các ngân hàng trung ương đã tiến hành cuộc chiến tổng lực chống lạm phát, mà nguyên nhân chủ yếu là do giá năng lượng toàn cầu tăng vọt ngoài tầm kiểm soát của các nhà hoạch định chính sách. Rủi ro suy thoái để giảm lạm phát xuống 2% dường như không công bằng đối với những người kém may mắn hơn đang bị mất việc làm, nghèo đói, vô gia cư… Sử dụng lãi suất cao hơn để đạt mức lạm phát 2% là một công cụ quá mạnh tay, đặc biệt khi chính những đối tượng yếu thế trong xã hội phải trả giá.
Vì vậy, các ngân hàng trung ương nên thích nghi với tình hình thực tế. Nhiệm vụ của Fed là nhằm đảm bảo tăng trưởng bền vững, chỉ một mục tiêu lạm phát sẽ chưa đủ toàn diện và cần phải tiến xa hơn nữa để cải thiện phúc lợi, kinh tế – xã hội trên quy mô rộng lớn hơn nhiều.
Các mục tiêu có thể đạt được về tăng trưởng, việc làm và lạm phát nên được tối ưu hóa cùng với các cân nhắc về phúc lợi. Nếu mục tiêu lạm phát 2% của Fed làm tổn hại đến tăng trưởng, việc làm và công bằng xã hội, thì mục tiêu đó cần phải thay đổi.
Vừa qua, Ngân hàng Dự trữ New Zealand đã thực hiện một cách tiếp cận tiến bộ hơn đối với chính sách tiền tệ, nhắm mục tiêu ổn định giá cả nhưng đồng thời phải đảm bảo việc làm bền vững tối đa. Chính sách tiền tệ của ngân hàng nhằm mục đích thúc đẩy sự thịnh vượng và hạnh phúc của người dân New Zealand thông qua một nền kinh tế bền vững, hiệu quả và toàn diện, thúc đẩy phúc lợi công cộng bằng cách giảm các biến đổi theo chu kỳ trong hoạt động kinh tế và việc làm trong khi vẫn giữ lạm phát từ 1 – 3% trong trung hạn.
“Phương pháp này có thể dễ dàng được áp dụng ở nơi khác. Hoạch định chính sách công bằng hơn chắc chắn sẽ giúp cải thiện niềm tin kinh tế cho tất cả mọi người. Với áp lực lạm phát đang giảm bớt như hiện tại, các ngân hàng trung ương cần phải tăng trưởng và điều đó có nghĩa là lãi suất thấp hơn, chứ không phải cao hơn trong tương lai”, ông David Brown khuyến nghị.
Lạc quan về tăng trưởng
Ở góc nhìn lạc quan hơn, ông Preston Caldwell, chuyên gia kinh tế trưởng về Hoa Kỳ tại Morningstar Research – cho rằng, mặc dù Fed tiếp tục chiến dịch tăng lãi suất và bất ổn kinh tế vẫn tiếp diễn, nhưng sự lạc quan dài hạn về tăng trưởng GDP và lạm phát hầu như không thay đổi.
Dù suy thoái kinh tế trong 12 tháng tới vẫn là một khả năng nghiêm trọng (khoảng 30-40% khả năng xảy ra), nhưng nếu nó xảy ra thì nó sẽ chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Một khi Fed giành chiến thắng trong cuộc chiến chống lạm phát, họ sẽ chuyển sang cắt giảm lãi suất để đưa nền kinh tế hoạt động trở lại.
Morningstar Research kỳ vọng Fed sẽ tạm dừng tăng lãi suất vào mùa hè năm 2023. Sau đó, bắt đầu từ khoảng cuối năm 2023, Fed sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất quỹ liên bang (Fed funs rate).
“Về dự báo lãi suất, chúng tôi dự đoán tỷ lệ lãi suất quỹ liên bang vào cuối năm 2023 là 4,75%, giảm xuống còn khoảng 2% vào cuối năm 2024. Ngoài ra, dự báo dài hạn và năm 2026 của chúng tôi đối với tỷ lệ lãi suất quỹ liên bang và lợi suất trái phiếu kho bạc 10 năm là 1,75% và 2,75% tương ứng. Tuy nhiên, chúng tôi kỳ vọng lãi suất sẽ giảm xuống dưới các mức này vào năm 2025 và 2026 khi chính sách tiền tệ nới lỏng.
Đối với dự báo lạm phát, áp lực về giá sẽ chuyển từ lạm phát sang giảm phát vào năm 2023, chủ yếu là do việc giảm giá đột biến do hạn chế nguồn cung đối với hàng lâu bền, năng lượng và các lĩnh vực khác. Điều này sẽ làm cho công việc cắt giảm lạm phát của Fed dễ dàng hơn nhiều. Trên thực tế, chúng tôi cho rằng Fed sẽ vượt quá mục tiêu của mình với lạm phát trung bình 1,9% trong giai đoạn 2023-2027.
Phân tích lạm phát rất quan trọng đối với các dự báo ngắn hạn của chúng tôi về GDP và lãi suất. Nếu lạm phát trở nên nghiêm trọng hơn nhiều, Fed sẽ phải tạo ra một cuộc suy thoái ngắn hạn nghiêm trọng bằng cách tăng lãi suất cao hơn nhiều so với chúng ta mong đợi”, ông Preston Caldwell chỉ ra.
Vị chuyên gia cũng nhấn mạnh, chỉ cần Fed chuyển sang chính sách tiền tệ nới lỏng vào cuối năm 2023, thì nền kinh tế sẽ tránh được một đợt suy thoái lớn và bắt đầu tăng tốc vào năm 2024 và 2025. Đối với các nhà đầu tư, chính sách xoay trục của Fed sẽ mang lại sự cứu trợ đáng kể. Lãi suất tăng đã thúc đẩy việc bán tháo cả cổ phiếu và trái phiếu vào năm 2022. Trái phiếu chắc chắn sẽ tăng giá nếu lợi suất giảm phù hợp với các dự báo của Morningstar Research trong 5 năm tới.
“Riêng về tình trạng khó khăn tài chính gần đây, bao gồm cả các vụ phá sản ngân hàng mới diễn ra, chúng tôi đã lập luận rằng các sự kiện gần đây không phải là yếu tố thay đổi cuộc chơi đối với chính sách tiền tệ. Fed sẽ sử dụng biện pháp bơm thanh khoản để kiểm soát tình trạng khó khăn, đồng thời tiếp tục hạn chế lãi suất quỹ liên bang vào năm 2023 để chống lạm phát.
Cho đến nay, điều này đang diễn ra và dòng tiền gửi từ các ngân hàng gần đây đã bị hạn chế sau khi dòng tiền chảy ra ồ ạt vào đầu tháng 3. Do đó, những điểm yếu của khu vực tài chính không ở mức tồi tệ như giai đoạn chuẩn bị cho cuộc khủng hoảng năm 2008.
Chúng tôi kỳ vọng rằng tăng trưởng GDP sẽ bắt đầu tăng tốc vào năm 2024 khi Fed chuyển sang chính sách nới lỏng, với con số tăng trưởng cả năm đạt đỉnh vào năm 2025 và 2026. Việc giải quyết các hạn chế về nguồn cung sẽ tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng mà không để lạm phát trở thành mối lo ngại trở lại. Đặc biệt, mức tăng trưởng GDP thực tế có thể tích lũy từ 4-5% cho đến năm 2027”, ông Preston Caldwell kỳ vọng.
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, Chuyên gia tài chính Phan Lê Thành Long cho rằng, hiện nay mức ảnh hưởng của Mỹ với Việt Nam không còn lớn như năm 2022, bởi lý do Fed tăng lãi suất là để kiềm chế lạm phát, khiến vòng quay kinh tế chậm lại, người dân chỉ tiêu giảm đi.
Tại Việt Nam, người dân đang thắt chặt chi tiêu rất nhiều, cơ sở lập pháp cũng ở sự khác biệt so với thế giới, nên Fed tăng lãi suất hay không cũng không ảnh hưởng ngay tới chúng ta, mà ảnh hưởng lớn nhất là tới tâm lý của giới đầu tư. Tuy nhiên, tâm lý đó sẽ qua rất nhanh và không ảnh hưởng nhiều đến thị trường.
Câu chuyện đặt ra với nền kinh tế Việt Nam lúc này là ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, nhưng để đạt hiệu quả cao thì rất cần dòng tiền từ khối ngoại, gồm cả tiền đầu tư trực tiếp, đầu tư gián tiếp và đặc biệt là xuất khẩu tốt.