Môi trường đầu tư công: Từ chính sách đến thực tiễn trong hoạt động đấu thầu có yếu tố doanh nghiệp tham gia

Đấu thầu thực chất là quá trình lựa chọn nhà cung cấp tốt nhất, hướng đến nguyên tắc cạnh tranh, công bằng, minh bạch, hiệu quả. Để đảm bảo cho hoạt động này được diễn ra thuận lợi, pháp luật về đấu thầu đã có những quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong đấu thầu trong đó có hành vi thông thầu và gian lận thầu. Đồng thời, xác lập các quy định về xử lý vi phạm trong đấu thầu nhằm răn đe các hành vi tiêu cực có thể xảy ra, tạo hành lang pháp lý để xử lý các hành vi vi phạm pháp luật. Qua khảo sát thực tế tại một số địa phương, triển khai Chuyên đề nghiên cứu “Nhận diện môi trường đầu tư công: Khảo sát thực tiễn từ hoạt động đấu thầu có yếu tố doanh nghiệp tham gia”, chúng tôi đã nhận được những phản ánh đa chiều, tồn tại nhiều vướng mắc, bất cập cần tháo gỡ.
Môi trường đầu tư công: Từ chính sách đến thực tiễn trong hoạt động đấu thầu có yếu tố doanh nghiệp tham gia
Căn cứ chính sách pháp lý
Nhằm hạn chế tình trạng tiêu cực trong đấu thầu, tiết kiệm chi phí và ngân sách nhà nước, đơn giản hóa quy trình thủ tục đấu thầu và tăng tính cạnh tranh, hiệu quả đấu thầu, ngày 13/07/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1402/QĐ-TTg chính thức áp dụng hình thức đấu thầu qua mạng trên phạm vi toàn quốc.
Tiếp đó, ngày 15/11/2017, Bộ Kế hoạch & Đầu tư đã ban hành Thông tư 04/2017/TT-KHĐT quy định chi tiết về lựa chọn nhà thầu qua hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, có hiệu lực từ ngày 01/03/2018. Trên cơ sở đó, nhiều đơn vị với vai trò là chủ đầu tư đã tăng cường áp dụng hình thức đấu thầu qua mạng nhằm góp phần đẩy lùi tiêu cực trong hoạt động đấu thầu, triển khai nghiêm túc lộ trình, cắt giảm những chi phí không cần thiết và tiết kiệm cho ngân sách nhà nước.
Ngày 21/06/2019 Văn phòng Chính phủ ra công văn số 5464/VPCP-CN về tình hình triển khai đấu thầu qua mạng giai đoạn 2016 – 2018 và lộ trình giai đoạn 2019 – 2025. Công văn nêu ý kiến chi đạo như sau: “Yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương, Tổng công ty, Tập đoàn kinh tế nhà nước nghiêm túc triển khai đấu thầu qua mạng theo chỉ tiêu nêu tại Nghị quyết Chính phủ số 01/NQ-CP năm 2019; thường xuyên giám sát việc triển khai đấu thầu qua mạng tại các đơn vị trong phạm vi quản lý của mình. Thực hiện kiểm tra, giám sát chặt chẽ đối với những gói thầu chỉ có duy nhất 01 (một) nhà thầu tham gia và xử lý nghiêm khắc chủ đầu tư và các bên liên quan nếu phát hiện hành vi vi phạm, không bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu”.

Tại khoản 12 Điều 4 Luật Đấu thầu năm 2013 (được sửa đổi, bổ sung năm 2020 – sau đây gọi là Luật Đấu thầu), đấu thầu là quá trình lựa chọn nhà thầu để ký kết và thực hiện hợp đồng cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp; lựa chọn nhà đầu tư để ký kết và thực hiện hợp đồng dự án đầu tư có sử dụng đất trên cơ sở bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế.

Tại Điều 33 Luật Đấu thầu về nguyên tắc lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu: Kế hoạch lựa chọn nhà thầu được lập cho toàn bộ dự án, dự toán mua sắm. Trường hợp chưa đủ điều kiện lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu cho toàn bộ dự án, dự toán mua sắm thì lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu cho một hoặc một số gói thầu để thực hiện trước. Trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu phải ghi rõ số lượng gói thầu và nội dung của từng gói thầu. Việc phân chia dự án, dự toán mua sắm thành các gói thầu phải căn cứ theo tính chất kỹ thuật, trình tự thực hiện; bảo đảm tính đồng bộ của dự án, dự toán mua sắm và quy mô gói thầu hợp lý.

Khoản 16, khoản 22 Điều 4 Luật Đấu thầu quy định:

Gói thầu là một phần hoặc toàn bộ dự án, dự toán mua sắm; gói thầu có thể gồm những nội dung mua sắm giống nhau thuộc nhiều dự án hoặc là khối lượng mua sắm một lần, khối lượng mua sắm cho một thời kỳ đối với mua sắm thường xuyên, mua sắm tập trung. Giá gói thầu là giá trị của gói thầu được phê duyệt trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu.

Khoản 2 Điều 35 Luật Đấu thầu quy định về giá gói thầu như sau:

– Giá gói thầu được xác định trên cơ sở tổng mức đầu tư hoặc dự toán (nếu có) đối với sự án; dự toán mua sắm đối với mua sắm thường xuyên. Giá gói thầu được tình đúng, tính đủ toàn bộ chi phí để thực hiện gói thầu, kể cả chi phí dự phòng, phí, lệ phí và thuế. Giá gói thầu được cập nhật trong thời hạn 28 ngày trước ngày mở thầu nếu cần thiết;

– Đối với gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi, giá gói thầu được xác định trên cơ sở các thông tin về giá trung bình theo thống kê của các dự án đã thực hiện trong khoảng thời gian xác định; ước tính tổng mức đầu tư theo định mức suất đầu tư; sơ bộ tổng mức đầu tư.

Căn cứ lập và xác định giá gói thầu được quy định tại khoản 2 Điều 11 Thông tư số 58/2016/TT-BTC ngày 29/3/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chi tiết việc sử dụng vốn nhà nước để mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan nhà nước, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, cụ thể:

Khi lập và xác định giá gói thầu trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu cần căn cứ vào ít nhất một trong các tài liệu sau:

– Giá hàng hóa cần mua của ít nhất 03 đơn vị cung cấp hàng hóa khác nhau trên địa bàn để làm căn cứ xác định giá gói thầu; trong trường hợp không đủ 03 đơn vị trên địa bàn có thể tham khảo trên địa bàn khác đảm bảo đủ 03 báo giá;

– Dự toán mua sắm đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt (gồm: chủng loại tài sản, hàng hóa, dịch vụ, số lượng, đơn giá hoặc toàn bộ dự toán được bố trí để mua sắm một loạt tài sản, hàng hóa, dịch vụ trong năm);

– Kết quả thẩm định giá của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện thẩm định giá tài sản, doanh nghiệp thẩm định giá đối với các loại tài sản, hàng hóa, dịch vụ phải thẩm định giá theo quy định của Luật giá;

– Giá thị trường tại thời điểm mua sắm được tham khảo từ thông tin chính thống do các nhà cung cấp theo quy định của pháp luật Việt Nam công bố được khai thác qua mạng Internet;

– Giá của gói thầu mua sắm loại hàng hóa tương tự trong thời gian trước đó gần nhất, tối đa không quá 30 ngày.

Trường hợp gói thầu gồm nhiều phần riêng biệt thì ghi rõ giá ước tính cho từng phần trong giá gói thầu.

Phân tích thực tiễn và khảo sát từ gói thầu tại một địa phương có yếu tố doanh nghiệp tham gia
Qua khảo sát thực tế một số địa phương, chúng tôi đã tìm hiểu công tác quản lý và chính sách đấu thầu ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Qua đó, đã nhận được những ý kiến phản ánh đa chiều, tồn tại nhiều bất cập, có dấu hiệu chưa minh bạch trong công tác đấu thầu.
Thời gian qua, từ những vụ việc đã được cơ quan điều tra kết luận, cho thấy vi phạm quy định về đấu thầu trong hoạt động đầu tư công, thì giá các hạng mục thường tăng lên gấp nhiều lần so với giá thị trường, gây thất thoát, lãng phí tài sản của nhà nước.
Đây là vấn đề nghịch lý đang diễn ra ở nhiều cơ quan, nhiều lĩnh vực dẫn đến thất thoát tài sản của nhà nước. Khi cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, rà soát ở các cơ quan, các lĩnh vực đều phát hiện sai phạm, nhiều cán bộ bị xử lý, trong đó có chế tài hình sự. Thông thường, nếu không tổ chức đấu thầu, có thể cơ quan nhà nước mua được hàng hóa với giá thị trường hoặc có thể cao hơn giá thị trường một chút. Khi tổ chức đấu thầu sẽ mua được hàng hóa chất lượng tốt, giá cạnh tranh, thậm chí có thể là giá rẻ. Tuy nhiên, khi tổ chức đấu thầu mà các cơ quan, tổ chức nhà nước lại mua phải các hàng hóa giá đắt hơn gấp nhiều lần… đó đúng là nghịch lý.
Có thể nói, tỷ lệ tiết kiệm sau đấu thầu là một trong những thước đo đánh giá hiệu quả kinh tế, hiệu quả chi tiêu ngân sách của mỗi địa phương, đơn vị trong công tác đấu thầu. Tỷ lệ tiết kiệm càng cao thì càng có lợi cho ngân sách nhà nước.
Với phạm vi của chuyên đề, chúng tôi xin đơn cử phân tích một số gói thầu tại huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội, với sự tham gia của một nhà thầu đã rất “quen mặt” ở địa phương.
Cách đây không lâu, từ cuối năm 2022, khi câu chuyện, cùng trong 1 ngày, Công ty TNHH Chiến Huệ (địa chỉ trụ sở tại thôn Yến Vỹ, xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức) là đơn vị liên tiếp trúng những gói thầu “sát giá” đã được dư luận đặc biệt quan tâm về tính minh bạch trong công tác đấu thầu.
Môi trường đầu tư công: Từ chính sách đến thực tiễn trong hoạt động đấu thầu có yếu tố doanh nghiệp tham gia
Cụ thể, ngày 30/12/2022, ông Vũ Văn Chuyên – Giám đốc Ban QLDA ĐTXD huyện Mỹ Đức đã ký Quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu số 06: Chi phí xây dựng Công trình: Cải tạo, nâng cấp tuyến đường Phi Lao từ TL 419 đến trạm bơm Đốc Tín và các tuyến nhánh xã Đốc Tín, huyện Mỹ Đức.
Liên danh Công ty TNHH Chiến Huệ – Công ty TNHH Linh Anh Đức là đơn vị trúng thầu, giá trúng thầu là 63.951.009.000 đồng, so với giá gói thầu đưa ra là 64.079.157.000 đồng, giá trúng thầu tiết kiệm 128.148.000 đồng (tương đương tiết kiệm khoảng 0,19%) cho ngân sách nhà nước.
Cùng ngày 30/12/2022, ông Vũ Văn Chuyên – Giám đốc Ban QLDA ĐTXD huyện Mỹ Đức tiếp tục ký Quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu số 05: Chi phí xây dựng Công trình: Đường tránh từ bến đò Yến Vỹ qua ao cá Bác Hồ đi TL 419 xã Hương Sơn.
Công ty TNHH Chiến Huệ là đơn vị trúng thầu, giá trúng thầu là 29.265.070.000 đồng, so với giá gói thầu đưa ra là 29.325.280.000 đồng, giá trúng thầu tiết kiệm 60.210.000 đồng (tương đương tiết kiệm 0,2%) cho ngân sách nhà nước.
Và khi câu chuyện đấu thầu liên quan nhà thầu trên chưa kịp lắng xuống, thi mới đây, dư luận tiếp tục được chứng kiến chỉ trong 2 tháng cuối năm 2023, Công ty Chiến Huệ với vai trò liên danh và độc lập đã trúng 3 gói thầu lớn với tổng giá trị gần 220 tỷ đồng. Điều đáng nói, điểm chung của các gói thầu này là chỉ tiết kiệm rất ít cho ngân sách nhà nước.
Cụ thể, ngày 2/11/2023, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Lê Văn Trang đã ký Quyết định số 3639 về việc phê duyệt nhà thầu gói thầu Thi công xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp đường từ cầu Nông Khê qua nghĩa trang đi xóm trại xã Hùng Tiến, huyện Mỹ Đức, với giá của gói thầu là 47.786.093.000 đồng. Tại Quyết định này, lãnh đạo UBND huyện Mỹ Đức phê duyệt Công ty TNHH Chiến Huệ là đơn vị trúng thầu với giá 47.748.094.000 đồng. Như vậy, gói thầu gần 50 tỷ đồng nhưng chỉ tiết kiệm cho ngân sách vỏn vẹn 38 triệu đồng.
Môi trường đầu tư công: Từ chính sách đến thực tiễn trong hoạt động đấu thầu có yếu tố doanh nghiệp tham gia Môi trường đầu tư công: Từ chính sách đến thực tiễn trong hoạt động đấu thầu có yếu tố doanh nghiệp tham gia
Tiếp đến, ngày 22/12/2023, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Đặng Văn Cảnh ký Quyết định số 4506 về việc phê duyệt lưạ chọn Liên danh Công ty TNHH Chiến Huệ và Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Hương Giang làm đơn vị trúng thầu gói thầu số 08: Thi công xây dựng công trình; Đường phát triển du lịch dịch vụ từ đường 425 đến bến đò Tuyết Sơn, chùa Hương, xã Hương Sơn. Giá trúng thầu của gói thầu là 66.226.343.000 đồng (Giá gói thầu là 66.272.185.000 đồng). Tiết kiệm “khiêm tốn” cho ngân sách 45 triệu đồng.
Đặc biệt, ngày 25/12/2023, lãnh đạo UBND huyện Mỹ Đức tiếp tục ký quyết định phê duyệt cho Liên danh Công ty TNHH Chiến Huệ và Công ty TNHH xây dựng thương mại Sơn Trang trúng thầu gói thầu số 06: Thi công xây dựng công trình: Cải tạo, nâng cập  đường trục giao thông liên xã Hợp Tiến – Hợp Thanh. Giá gói thầu là 105.919.226.000 đồng. Giá trúng thầu là 105.875.140.000 đồng. Tương đương tiết kiệm 44 triệu đồng.
Được biết, Công ty TNHH Chiến Huệ thành lập từ năm 2020, đến nay, Công ty này đã tham gia 34 gói thầu, trong đó trúng 30 gói, trượt 1 gói, 3 chưa có kết quả, 0 gói đã bị huỷ. Trong đó, các gói thầu tham gia và trúng thầu chủ yếu là các gói thầu sử dụng ngân sách nhà nước trên địa bàn huyện Mỹ Đức. Tỷ lệ chào giá thấp nhất khi tham gia là 99,89%. Đặc biệt, tất cả các gói thầu mà Công ty TNHH Chiến Huệ đã trúng thì tỷ lệ tiết kiệm cho ngân sách nhà nước chỉ dao động từ 0-1%.
Theo Điều 35 Luật Đấu thầu quy định về cơ sở xác định giá gói thầu. Trong đó phải đảm bảo tiêu chí “tính đúng, tính đủ”. Trường hợp giá mua sắm được duyệt cao hơn thị trường dẫn đến tổng mức gói thầu bị đội lên với con số chênh lệch cao thì cần thiết phải xem xét lại hồ sơ xây dựng giá gói thầu, nhất là cơ sở để xác định giá. Ngoài ra, một vấn đề khác cần làm rõ là “cơ sở nào để đưa các tiêu chí về cung cấp hàng mẫu và giấy phép bán hàng vào hồ sơ mời thầu?” đối với những loại hàng hóa thông thường, thông dụng có sẵn trên thị trường, và có hay không việc áp đặt các tiêu chí này để nhằm mục đích “cài thầu”? Điều này, có lẽ cần phải tổ chức thanh tra và kiểm tra toàn bộ quá trình từ xây dựng giá gói thầu đến thẩm định giá, thương thảo và lựa chọn nhà thầu… thì mới có thể đưa ra câu trả lời thuyết phục được.
Nhóm PV
Bạn đang đọc bài viết “Môi trường đầu tư công: Từ chính sách đến thực tiễn trong hoạt động đấu thầu có yếu tố doanh nghiệp tham gia”. Tiếp nhận thông tin góp ý, phản hồi về nội dung bài viết, liên hệ: 0968527066.

 

 

Bài Viết Liên Quan

Back to top button