Mở rộng quan hệ hợp tác giữa cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam – Ai Cập
Mặc dù quan hệ hợp tác giữa cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam – Ai Cập còn khiêm tốn, nhưng vẫn còn nhiều tiềm năng đang chờ được khai phá.
Trong buổi làm việc giữa Đại sứ Cộng hòa Ả rập Ai Cập, bà Amal Abdel Kader Elmorsi Salama và Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công, hai bên đã cùng đánh giá cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và Ai Cập có nhiều cơ hội và tiềm năng hợp tác, trao đổi, nhất là các lĩnh vực hai nước có thế mạnh.
Theo Đại sứ Ai Cập Salama, Ai Cập luôn coi Việt Nam là đối tác quan trọng, đồng thời bày tỏ sự vui mừng trước sự phát triển mạnh mẽ và toàn diện của quan hệ hai nước trong thời gian qua.
Bên cạnh đó, hiều sản phẩm của Việt Nam đã có mặt tại thị trường Ai Cập và được ưa chuộng, tuy nhiên kim ngạch trao đổi thương mại giữa hai nước còn khiêm tốn. Doanh nghiệp hai nước chưa có nhiều thông tin về thị trường, cơ hội đầu tư, các dự án tiềm năng của nhau.
Chính vì vậy, Đại sứ Ai Cập mong muốn, trong tương lai VCCI sẽ cùng phối hợp với Đại sứ quán Ai Cập và Phòng Thương mại Ai Cập xây dựng các chương trình hợp tác, tổ chức diễn đàn, hội thảo giữa doanh nghiệp Việt Nam – Ai Cập để tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, từ đó mở rông cơ hội tiếp cận thị trường, thúc đẩy hơn nữa thương mại hàng hóa song phương.
Đại sứ Ai Cập cho biết, bên cạnh những sản phẩm truyền thống được xuất khẩu sang Việt Nam như rau quả; sắt thép phế liệu; chất dẻo nguyên liệu; phân bón; hóa chất, nguyên phụ liệu dệt may, da giày… Ai Cập vẫn còn nhiều mặt hàng tiềm năng như bông, hoa quả, lúa mì… với chất lượng cao và có mặt tại nhiều thị trường trên thế giới.
Đồng tình với Đại sứ Ai Cập Salama, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công đánh giá, thời gian tới, hai bên cần phải đẩy mạnh hợp tác để tăng cường hiểu biết và kết nối giữa cộng đồng doanh nghiệp hai nước.
Việt Nam luôn mở cửa và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư Ai Cập. Theo Chủ tịch VCCI, du lịch là lĩnh vực nhiều tiềm năng mà hai bên có thể đẩy mạnh hợp tác. Cả hai nước đều rất nổi tiếng với nền văn hóa và những danh lam thắng cảnh nổi tiếng. Do đó, Chủ tịch VCCI cũng mong muốn hai nước sớm có đường bay thẳng để tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch giữa hai bên, cũng như thu hút thêm các nhà đầu tư tới thị trường.
Với vị trị quan trọng và chiến lược của mỗi bên, Việt Nam và Ai Cập sẽ có những hợp tác mạnh mẽ hơn nữa, đặc biệt trong các lĩnh vực: logistics, cảng biển, đóng tầu, sản xuất đồ gỗ v.v…
Trước những kiến nghị của Đại sứ Salama, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công khẳng định VCCI sẽ đồng hành cùng Đại sứ quán trong việc quảng bá hình ảnh, xúc tiến đầu tư, đẩy mạnh hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam – Ai Cập. Đồng thời, cung cấp thông tin, hỗ trợ cho doanh nghiệp, nhà đầu tư của Ai Cập tới Việt Nam đối tác tiềm năng và mở rộng đầu tư trong tương lai.
Ai Cập hiện là một trong những đối tác thương mại quan trọng nhất và là thị trường còn nhiều tiềm năng của Việt Nam tại khu vực Bắc Phi. Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, kim ngạch hai chiều giữa Việt Nam – Ai Cập trong năm 2021 đạt 568 triệu USD tăng 10% so với năm 2020, trong đó chủ yếu là Việt Nam xuất sang Ai Cập. Hai nước đang nỗ lực để kim ngạch thương mại hai chiều đạt 1 tỷ USD trong thời gian sớm nhất.
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp