Mở rộng dư địa du lịch sức khỏe tại Quảng Nam
Sau những tác động của đại dịch, nhu cầu của khách du lịch có nhiều thay đổi, đặc biệt chú trọng đến trải nghiệm, các sản phẩm du lịch gắn với nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe.
Du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe đang được xem là “mỏ vàng” thu hút khách du lịch tại tỉnh Quảng Nam với nguồn tài nguyên sẵn có đang trở thành điểm thu hút các nhà đầu tư đến xây dựng sản phẩm phù hợp.
Nhiều tiềm năng “bỏ ngỏ”
Một dự án khu nghỉ dưỡng được xác định phát triển tại xã Sơn Viên (huyện Nông Sơn tỉnh, Quảng Nam) dựa vào suối nước nóng tự nhiên từ năm 2004, giao đất cho doanh nghiệp thuê suốt 20 năm qua nhưng đến nay vẫn dang dở. Theo đánh giá, nếu khu vực này được khai thác du lịch có thể phục vụ nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, chữa bệnh, trị liệu để phục vụ khách du lịch.
Đến năm 2020, UBND tỉnh Quảng Nam có quyết định thu hồi hơn 102 nghìn mét vuông đất đã giao cho doanh nghiệp thuê cho Ban quản lý Các dự án đầu tư xây dựng – phát triển quỹ đất huyện Nông Sơn quản lý, lập phương án sử dụng đất báo cáo UBND huyện Nông Sơn, trình UBND tỉnh xem xét, quyết định. Tại đây mở ra cơ hội lớn đến địa phương xúc tiến, thu hút đầu tư, phát triển du lịch sinh thái nghỉ dưỡng ở địa phương. Tuy nhiên, đến nay khu vực vẫn chưa được quy hoạch cụ thể và lựa chọn nhà đầu tư triển khai.
Bà Nguyễn Thị Thu Thủy – Phó Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn cho hay nguồn tài nguyên trên có thể xem là “mỏ vàng” thu hút các nhà đầu tư đến nhằm thực hiện hóa, phát triển du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, việc phát triển dự án du lịch tại đây vẫn chưa thể triển khai vì các doanh nghiệp chỉ mới đang khảo sát.
Không chỉ Nông Sơn mà nhiều địa phương khác tại Quảng Nam như Tây Giang, Nam Trà My,… cũng đang trong cảnh “bỏ ngỏ” tài nguyên tương tự. Với các địa phương này, nguồn dược liệu từ rừng xanh vẫn chưa thể phát huy hết tiềm năng khi chưa có các dự án du lịch chuyên biệt.
Mở dư địa cho ngành du lịch
Trong năm 2023, tỉnh Quảng Nam đón hơn 7,5 triệu lượt khách du lịch và phần lớn tập trung ở “vùng lõi” là 2 di sản gồm Khu phố cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn. Các điểm đến còn lại nhận được khá ít sự quan tâm của du khách khi hệ thống sản phẩm chưa có sự đồng bộ, gắn kết và thiếu sự đặc trưng.
Với lĩnh vực du lịch sức khỏe, Quảng Nam có thể tận dụng Sâm Ngọc Linh và cây dược liệu để hình thành sản phẩm du lịch trải nghiệm, chữa bệnh,… Trong đó, doanh nghiệp tận dụng phát triển điểm đến đặc biệt tại địa phương thế mạnh để hình thành tour nghỉ dưỡng, trải nghiệm và dùng dược liệu một cách phù hợp, điều độ.
Ông Lê Quốc Việt – Tổng Giám đốc Santa Viet Nam cho rằng tại các địa phương của Quảng Nam hiện nay đều có hệ thống bài thuốc dân gian phục vụ cho nhu cầu du lịch sức khỏe rất tốt. Theo ông Việt, các doanh nghiệp cần “bổ túc” thêm về hoạt động trị liệu, hoàn thiện các giấy phép để phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe của du khách.
Theo ông Nguyễn Thanh Hồng – Giám đốc Sở VH&TT-DL Quảng Nam thời gian qua, hoạt động du lịch chữa bệnh, trị liệu ở vùng trung du, miền núi phía Tây của tỉnh tuy có phát triển nhưng chưa tương xứng với tiềm năng hiện có. Trong đó, các sản vật, dược liệu đặc trưng gắn với những điểm đến trên khu vực này vẫn còn vô vàn sự hấp dẫn và cần sự khai thác, phát triển phù hợp.
“Nhiều năm nay, sản phẩm du lịch tại các huyện miền núi phía Tây chủ yếu dừng ở việc tổ chức cho khách tham quan, trải nghiệm các làng truyền thống của người bản địa hoặc tour tuyến “phượt”, dã ngoại trong khi nhiều sản vật bổ ích cho sức khỏe có thể gắn với hoạt động du lịch mới chỉ chủ yếu dừng lại ở khâu quảng bá, xúc tiến.
Để phát huy lĩnh vực du lịch sức khỏe tại địa phương, ông Hồng cho biết, cần có các nhà đầu tư đủ tiềm lực, các start-up trẻ ở địa phương mạnh dạn dấn thân, khai phá. Đồng thời, cần tạo cơ chế hợp tác hiệu quả giữa các cơ sở khám, chữa bệnh với cơ sở dịch vụ du lịch để hình thành các gói sản phẩm chăm sóc sức khỏe có giá hợp lý, bảo đảm chất lượng phục vụ khách du lịch.
Bên cạnh đó, nên sử dụng phương thức truyền thống tại địa phương, phải cân nhắc, so sánh, tạo sự khác biệt để thu hút du khách. Với địa phương, cần nâng cao vai trò của chính quyền, cơ quan quản lý nhà nước với vai trò là “bà đỡ” hỗ trợ, kết nối doanh nghiệp, cộng đồng cùng tham gia hoạt động liên kết phát triển du lịch giữa các vùng miền, đồng thời thực hiện chức năng quản lý, kiểm tra giám sát của cơ quan quản lý nhà nước đối với các hoạt động du lịch tại mỗi địa phương để đảm bảo sự phát triển theo đúng quỹ đạo, định hướng phát triển du lịch chung của tỉnh.