Mở hoàn toàn du lịch quốc tế: “Sa mạc đón mưa”
Quyết định mở cửa hoàn toàn thị trường du lịch quốc tế sẽ nâng cao khả năng cạnh tranh, cứu nguy cho doanh nghiệp ngành kinh tế xanh. Các hãng lữ hành mong muốn chính sách cụ thể, đồng nhất, hiệu quả.
Tin vui lớn nhất với doanh nghiệp du lịch
Thông tin Lãnh đạo Chính phủ đồng ý với đề xuất mở cửa lại hoạt động du lịch quốc tế và nội địa trong điều kiện bình thường mới từ ngày 15/3/2022, theo đề xuất của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là tin vui lớn nhất với các hãng lữ hành sau 2 năm bị “sóng thần” Covid-19 hoành hành.
Ông Nguyễn Hồng Đài, Giám đốc điều hành APT Travel hào hứng chia sẻ, các doanh nghiệp du lịch đón nhận thông tin này tựa như “sa mạc đón mưa rơi”.
“Hai năm qua, đại dịch đã khiến hoạt động của toàn ngành bị đình trệ, tê liệt. Khó có thể kể hết những thiệt hại mà các đơn vị kinh doanh du lịch phải gánh chịu. Chỉ khi mở cửa hoàn toàn cả du lịch quốc tế và du lịch nội địa như trước khi Covid-19 xuất hiện, thì mới có thể cứu được doanh nghiệp và người lao động. Nếu không mở cửa sớm, chúng ta sẽ mất lợi thế cạnh tranh cũng như bỏ lỡ mùa du lịch quốc tế 2022”, ông Đài nói.
Từ kinh nghiệm nhiều năm hoạt động trong ngành, ông Đài cho biết, khách du lịch, nhất là khách quốc tế, thường có kế hoạch cho các chuyến đi từ trước (khoảng 3 – 6 tháng). Vì vậy, nếu Việt Nam kỳ vọng đón khách từ tháng 6 hoặc tháng 7, thì phải bắt đầu mở cửa từ tháng 3 để khách có thông tin, có sự chuẩn bị đặt chỗ, tìm hiểu về điểm đến; nếu không, du khách quốc tế có thể lựa chọn một quốc gia khác và Việt Nam sẽ bỏ lỡ mất cơ hội.
Để du lịch sớm khôi phục, cần đẩy mạnh chiến dịch quảng bá, xúc tiến sản phẩm kích cầu du lịch quốc tế cấp quốc gia theo từng thị trường, đối tượng khách hàng. Đặc biệt, cần cho phép du khách nước ngoài được trải nghiệm chương trình, dịch vụ, sản phẩm như du khách nội địa, tạo cơ hội cho doanh nghiệp thu hút khách quốc tế đến Việt Nam. – Ông Nguyễn Hồng Đài, CEO APT Travel |
Đồng quan điểm, ông Trần Thế Dũng, CEO Lữ hành Fiditour – Vietluxtour cũng cho rằng, quyết định mở cửa hoàn toàn du lịch là cơ hội lớn để phát huy lợi thế cạnh tranh của du lịch Việt Nam với các thị trường lân cận, đồng thời sẽ góp phần khôi phục ngành lưu trú, lữ hành và các tổ hợp du lịch khác.
“Nếu còn chần chừ, chậm trễ, sẽ bỏ lỡ cơ hội quảng bá miễn phí từ các cơ quan truyền thông quốc tế, tuột mất cơ hội đón khách so với các điểm đến cạnh tranh khác trong khu vực và ảnh hưởng đến tốc độ, thời gian phục hồi ngành du lịch”, ông Dũng nhấn mạnh.
Cả hai vị lãnh đạo doanh nghiệp nói trên đều kỳ vọng, ngành kinh tế xanh sẽ mở cửa ổn định, lâu dài, chứ không đóng – mở chập chờn như thời gian qua.
Ông Dũng phân tích, các nước trong khu vực như Singapore, Philippines, Thái Lan… đã sớm mở lại du lịch quốc tế. Là nước thực hiện mở cửa du lịch sau, Việt Nam cần học hỏi kinh nghiệm của các điểm đến này để có phương án đón du khách quốc tế thông thoáng, nhưng vẫn phải đảm bảo hiệu quả, an toàn, đúng mục tiêu vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Có như vậy, ngành công nghiệp không khói mới đảm bảo mở cửa ổn định, bền vững, rút ngắn thời gian phục hồi để bước vào giai đoạn tăng trưởng như trước Covid-19, nâng cao lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trên đấu trường khu vực và thế giới
Cần có kế hoạch chi tiết, thống nhất
Sau vui mừng bước đầu, đại diện các doanh nghiệp lữ hành đang ngóng đợi những thông tin cụ thể, chi tiết hơn về quy trình, thủ tục đón khách để chuẩn bị kế hoạch, sản phẩm, dịch vụ phục vụ du khách quốc tế một cách tốt nhất, hiệu quả nhất.
Ông Nguyễn Hồng Đài chia sẻ: “APT Travel đã sẵn sàng về nhân sự, dịch vụ, sản phẩm. Chúng tôi có những đoàn khách nước ngoài mong muốn đi du lịch tới Việt Nam, nhưng hiện doanh nghiệp chưa biết các điều kiện cụ thể ra sao, mẫu đăng ký như thế nào, nên vẫn khá lúng túng, trong khi chưa đầy 1 tháng nữa là đến ngày chính thức mở cửa hoàn toàn thị trường quốc tế”.
Vì thế, theo ông Đài, cần có kế hoạch mở cửa chi tiết, thống nhất từ các bộ, ban, ngành, cơ quan quản lý về du lịch các cấp càng sớm càng tốt. Nếu không, việc mở cửa có thể sẽ chỉ là hình thức.
Nhìn từ góc độ doanh nghiệp lưu trú, ông Erwin Popov, Giám đốc điều hành Khách sạn Hà Nội Daewoo cho rằng, muốn hấp dẫn du khách quốc tế đến Việt Nam, chính sách, điều kiện phải thông thoáng, tạo thuận lợi nhất có thể cho du khách.
“Nếu là một du khách nước ngoài, tôi sẽ không chọn điểm đến nào yêu cầu quá nhiều điều kiện, giấy tờ. Trên thực tế, du khách đi du lịch là để nghỉ dưỡng, thư giãn, nếu có quá nhiều thủ tục, thì họ sẽ không mặn mà và sẽ chọn một địa điểm khác có thể không đẹp, không hấp dẫn bằng, nhưng có những trải nghiệm thoải mái hơn”, ông Erwin Popov nói.
Nhận định mốc 15/3 là thời điểm đẹp và chín để mở cửa hoàn toàn du lịch quốc tế, hướng tới chuẩn bị đón làn sóng khách quốc tế vào các mùa du lịch trong năm, Giám đốc điều hành Khách sạn Hà Nội Daewoo nhấn mạnh, điều quan trọng là Việt Nam cần áp dụng các quy định phòng, chống dịch hiệu quả, thống nhất trên phạm vi toàn quốc, nhất là giữa các tỉnh, thành phố. Cùng với đó, các doanh nghiệp cần chuẩn bị nhân sự, sản phẩm, dịch vụ tốt nhất, phù hợp nhu cầu, xu hướng của du khách.
“Riêng với lĩnh vực kinh doanh khách sạn, tôi khá lạc quan về triển vọng phát triển, bởi nhu cầu thư giãn, giải trí, du lịch hiện nay đã trở thành thiết yếu với mọi người. Ngay trong thời gian dịch bệnh, chúng tôi giữ nguyên bộ máy nhân sự, nâng cao trình độ, kỹ năng cho đội ngũ nhân viên, hoàn thiện cơ sở vật chất, khai trương 2 nhà hàng mới, đồng thời nâng cấp một số nhà hàng… để sẵn sàng cho ngày trở lại”, ông Erwin Popov chia sẻ.
Đặc biệt, tháng 5/2022, Việt Nam sẽ đăng cai tổ chức SEA Games 31. Ông Erwin Popov đánh giá, những sự kiện như SEA Games là cơ hội tốt để bước đầu thu hút lại du khách quốc tế. Việt Nam cần nhiều hơn những sự kiện tầm cỡ và quy mô lớn để chứng minh rằng, “quốc gia hình chữ S” đang ở tâm thế sẵn sàng mở cửa chào đón du khách quốc tế.
Dù dịch bệnh vẫn ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế – xã hội, nhưng ông Erwin Popov tin rằng, quyết tâm mở cửa hoàn toàn du lịch quốc tế và nội địa sẽ giúp ngành kinh tế xanh Việt Nam thực sự khởi sắc, hứa hẹn phục hồi nhanh hơn các nước trong khu vực.
Theo Hồ Hạ (Báo Đầu tư)