Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam – Điểm đến không thể bỏ qua của du khách

Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam là một di tích, văn hóa, lịch sử, công trình kiến trúc đẹp, tôn nghiêm, tọa lạc dưới chân núi Sam (phường Núi Sam, TP. Châu Đốc), hàng năm thu hút hàng triệu lượt người đến cúng bái, tham quan. Đây là một trong những danh thắng nổi tiếng và là điểm đến không thể bỏ qua của du khách trong và ngoài nước, điểm nhấn của Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam.

Miếu Bà là di tích kiến trúc nghệ thuật nổi tiếng ở miền Nam, thời gian xây dựng khoảng năm 1820 – 1825 (thời kỳ phát hiện ra tượng Bà Chúa Xứ núi Sam), ban đầu ngôi miếu được dựng bằng tre lá đơn sơ. Đến năm 1870, miếu được xây dựng lớn và khang trang hơn. Đến năm 1972, Hội Quý tế (nay là Ban Quản trị Lăng miếu núi Sam) quyết định trùng tu lớn theo yêu cầu và nguyện vọng của đồng bào sùng kính, miếu Bà đã được thiết kế, xây dựng mới cả về quy mô, kiến trúc và mang đậm nét nghệ thuật như hôm nay.
Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam – Điểm đến không thể bỏ qua của du khách
Ngôi miếu có bố cục kiểu chữ Quốc, hình khối tháp kiểu hoa sen nở, nền lát gạch bông, tường cẩn đá ốp lát, cột bê-tông cốt thép, mái tam cấp 3 tầng lầu, lợp ngói đại ống màu xanh ngọc, góc mái vút cao như mũi thuyền đang lướt sóng. Chánh điện của miếu Bà bao gồm 2 tầng. Tầng trong cùng dành cho nghi lễ thờ phụng, với tượng Bà được đặt trên bệ cao, 2 con hạc trắng đứng bên cạnh tượng trưng cho cốt cách tiên thánh của Bà.
Phía bên phải tượng Bà, có bàn thờ cậu, còn bên trái là bàn thờ cô. Các hoa văn ở cổ lầu chánh điện thể hiện đậm nét nghệ thuật. Phía trên cao, các tượng thần khỏe mạnh, đẹp đẽ giang tay đỡ những đầu kèo. Các khung bao, cánh cửa đều được chạm trổ, khắc, lộng tinh xảo và nhiều liễn đối, hoành phi lộng lẫy. Tầng thứ 2 gần với 2 tượng chim phượng, là bàn thờ Hội đồng. Hai bên tả hữu của bàn thờ Hội đồng là bàn thờ Tiền hiền khai khẩn ở bên trái và bàn thờ Hậu hiền khai cơ ở bên phải.
Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam – Điểm đến không thể bỏ qua của du khách
Ban Quản trị lăng miếu núi Sam, đứng đầu là ông Nguyễn Phúc Hoan – Trưởng ban được đánh giá cao trong công tác điều hành
Hàng năm, Ban Quản trị Lăng Miếu Núi Sam tổ chức 09 nghi lễ truyền thống của các cơ sở thờ tự, thực hiện đúng theo phong tục tập quán cổ truyền của địa phương, đặc biệt là Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ diễn ra từ ngày 22 đến 27/4 (âm lịch), gồm nhiều hình thức lễ tiết cổ truyền trọng thể, thu hút đông đảo nhân dân, khách tham quan khắp mọi miền đất nước đến tham dự. Trong lễ hội, long trọng nhất là lễ khai hội và lễ phục hiện. Khai hội có nhiều chương trình quy mô và phong phú vào đêm trước lễ tắm Bà. Đặc biệt, lễ phục hiện lại bối cảnh rước tượng Bà Chúa Xứ từ đỉnh núi Sam về miếu thờ theo truyền thuyết 9 cô gái đồng trinh đưa bà xuống núi được tổ chức quy mô, trang trọng…

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia ngày 26 tháng 3 năm 2015. Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam được Tổ chức Việt Nam xác lập 2 kỷ lục vào ngày 25/05/2008 là Ngôi miếu lớn nhất Việt Nam và Tượng Bà bằng đá sa thạch xưa và lớn nhất Việt Nam. Lễ hội chứa đựng những cứ liệu sinh động về dấu ấn lịch sử thời kỳ người Việt đến vùng đất An Giang, với sự giao lưu, hội nhập về các mặt kinh tế, văn hóa, chính trị và quân sự của các dân tộc trong quá trình dựng nước và giữ nước, sự hài hòa trong quan hệ cộng đồng về mặt văn hóa, vừa kế tục được sự nghiệp văn hóa của người cổ xưa, vừa tôn tạo, bồi đắp được nền văn hóa mang bản sắc Việt độc đáo.

Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam – Điểm đến không thể bỏ qua của du khách

Bên cạnh các hoạt động sinh hoạt tín ngưỡng, lễ hội còn gắn với những nhân vật lịch sử – những người có công khai phá và bảo vệ vùng đất này là danh tướng Thoại Ngọc Hầu cùng các bộ tướng và binh sĩ. Từ đó, góp phần lưu giữ những giá trị lịch sử phát triển vùng đất phía Tây Nam.

Trưởng ban Quan trị Lăng miếu núi Sam Nguyễn Phúc Hoan cho biết, năm 2022, Chính phủ Việt Nam đã đồng ý giao cho Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch gửi hồ sơ đệ trình UNESCO xem xét đưa Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.Việc UNESCO và Hội đồng Thương mại và Công nghệ toàn cầu Ấn Độ vinh danh Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam là Điểm đến du lịch tâm linh tiêu biểu châu Á – Thái Bình Dương là sự ghi nhận những nỗ lực cải tiến, bảo tồn và phát triển vẻ đẹp du lịch văn hóa tâm linh của Việt Nam, góp phần giữ gìn và phát huy hơn nữa các giá trị văn hóa của dân tộc. Sự ghi nhận là dấu mốc quan trọng trong tiến trình đưa Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Được biết, đến tháng 11/2023 miếu Bà đã đón hơn 5 triệu lượt khách, so với năm 2022 tăng 17,49%.

Về giải pháp chủ yếu thực hiện trong thời gian tới của ông Nguyễn Phúc Hoan cho biết, Ban quản trị tiếp tục tăng cường giáo dục nâng cao nhận thức trách nhiệm của cán bộ, nhân viên và người lao động thực hiện có chất lượng, hiệu quả chức năng, nhiệm vụ của đơn vị theo quy định của UBND thành phố.
Cung cấp phối hợp với các cơ quan cấp trên, nhất là các ngành truyền thông, quảng bá, giáo dục các tầng lớp nhân dân nhất là thế hệ trẻ luôn giữ gìn và phát huy, phát triển giá trị vật thể và phi vật thể, nhằm đẩy mạnh xúc tiến du lịch, giới thiệu, quảng bá hình ảnh các di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, các Lễ hội do BQTLMNS quản lý, tổ chức đến đông đảo du khách trong và ngoài nước.

Tiếp tục thực hiện vai trò chủ động của Ban quản trị lăng miếu núi Sam theo quy định của UBND thành phố Châu Đốc. Đồng thời, thực hiện tốt vai trò tham mưu cấp ủy, UBND thành phố Châu Đốc quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo có những chủ trương phù hợp với yêu cầu tình hình mới trong lĩnh vực văn hóa, lịch sử. Thực hiện gìn giữ, bảo vệ, trùng tu, tôn tạo, phát triển di tích Quốc gia: thực hiện thêm những sản phẩm mới lĩnh vực văn hóa tâm linh, văn hóa lịch sử để phục vụ khách thập phương, các hạng mục dự án Khu Công viên Văn hóa Núi Sam, Đền thờ bà Châu Thị Tế.

Đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực của BQTLMNS ngày càng chuyên nghiệp, nhất là tạo ra lực lượng kế thừa, am hiểu về du lịch, di sản văn hóa, phát huy, bảo tồn các nghi lễ truyền thống, cụ thể như tham gia các lớp tập huấn, lớp bồi dưỡng nâng cao kiến thức chuyên ngành về du lịch, công tác tổ chức lễ hội, công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa…

                                                                                                                  Viết Tâm

Bài Viết Liên Quan

Back to top button