Máy tái chế nhựa tại chỗ – có vẫn hơn không

Annam Gourmet vừa lắp một máy tái chế nhựa tại chỗ. Đây là một sản phẩm không mới, đã được đề xuất từ lâu trên thế giới. Tuy còn nhiều tranh cãi, thiết bị này vẫn đang được chú ý trên thế giới.

Máy tái chế nhựa tại chỗ - có vẫn hơn không

Từ ngày 18/10, cửa hàng Annam Gourmet tại thành phố Thủ Đức, đưa vào sử dụng máy tái chế vỏ chai nhựa thương hiệu Botol. Đây có thể xem là lần đầu tiên Việt Nam sử dụng máy tái chế nhựa tại chỗ. Botol dự kiến lắp đặt thêm 7 máy tái chế ở khu vực TPHCM, với tham vọng đến đầu năm 2024, sẽ có hơn 100 máy tái chế nhựa được đặt tại các siêu thị và trường học trên toàn quốc.

Về nguyên lý hoạt động, khi người dùng cho chai nhựa vào lỗ dẫn, máy sẽ tiến hành tách riêng thân chai, nắp chai và nhãn chai, sau đó nghiền thành các mảng rPET. Nếu thùng chứa các mảnh nhựa đã đầy, máy sẽ hiện cảnh báo. Nhiệm vụ của cửa hàng lúc đó là thu gom và đưa các mảnh nhựa đến chỗ nhà sản xuất.

Trong lần lắp đặt này, nhằm thu hút và khuyến khích mọi người đem đồ đi tái chế, Annam Gourmet còn triển khai các chương trình trò chơi cho những ai tái chế nhựa với phần thưởng là các phiếu đổi quà tại cửa hàng.

Theo chia sẻ từ ông Max Craipeau, giám đốc chiến lược Botol Việt Nam, công nghệ thu gom và tái chế chai PET của các máy Botol giúp giảm đáng kể những khó khăn trong khâu vận chuyển. Chẳng hạn với cùng một lựa nhựa như vậy, số lượng xe tải cần dùng để di chuyển khi nhựa ở dạng mảnh vụn chỉ bằng 1/10 so với khi nhựa ở dạng chai.

Máy tái chế vốn là một sản phẩm được kêu gọi dùng và đã xuất hiện khá lâu trên thế giới.

Ngày 13/8/2021, Ủy ban Châu Âu (EC) đăng ký một Sáng kiến Công dân Châu Âu mang tên #ReturnPlastics (tạm dịch: Hoàn lại đồ nhựa). Trong sáng kiến này, những người lãnh đạo đề xuất EC cung cấp ưu đãi cho các nước thành viên nhằm hỗ trợ các chuỗi siêu thị lắp đặt máy tái chế đồ nhựa. Song song đó, họ đề xuất áp thêm phí “đặt cọc” chai nhựa. Tức là khi máy tính tiền quét mã vạch của sản phẩm chai nhựa, hóa đơn của người mua sẽ bị tính thêm 0, 15 euro. Số tiền này sẽ được hoàn trả lại nếu sau đó người dùng đem chai đến tái chế tại các máy tái chế.

Máy tái chế nhựa tại chỗ - có vẫn hơn không

Hoặc bản thân Pepsi, một công ty nước giải khát sản xuất rất nhiều chai nhựa, cũng có dự án lắp đặt máy tái chế nhựa. Năm 2021, PepsiCo kết hợp cùng Olyns, một đơn vị sản xuất máy tái chế nhựa, để thử nghiệm lắp đặt máy tại một cửa hàng Safeway.

Khi nhận chai, đồ nhựa, những chiếc máy Olyns sẽ nghiền nát chúng và phân thành từng loại. Đồng thời, máy sử dụng công nghệ nhận diện hình ảnh bằng AI để trả tiền cho người sử dụng. Mỗi khi thùng chứa đầy, ứng dụng điện thoại của Olyns sẽ phát ra cảnh báo, và những nhân viên đăng ký vận chuyển trên ứng dụng sẽ đến đưa những thùng này đến trung tâm tái chế. Mỗi máy Olyns có thể ép và lưu trữ 1.000 chai nhựa, 850 lon nhôm và 50 chai thủy tinh.

Có thể nói đây là một dự án thành công của PepsiCo, bởi chỉ trong khuôn khổ thử nghiệm, PepsiCo đã thu gom được gần 1.000 thùng chứa rác tái chế.

Trên thực tế, những nhận định xung quanh chiếc máy tái chế nhựa tại chỗ đều khá tích cực. Rất nhiều ý kiến cho rằng đây là cách hiệu quả và thuận tiện để mọi người cùng nhau tái chế đồ nhựa.

Dĩ nhiên ý kiến trái chiều là điều không thể tránh khỏi. Chẳng hạn Eurocommerce từng nói rằng hệ thống máy tái chế và cơ chế tiền cọc chỉ là một giải pháp tạm thời, chẳng thể giải quyết hoàn toàn vấn nạn rác thải nhựa. Họ còn chỉ ra rằng đôi khi lượng khí thải thoát ra trong quá trình mọi người đem đồ đến máy tái chế còn nhiều hơn và gây ảnh hưởng hơn số lượng chai được đưa đi tái chế.

Thế nhưng, nếu nhìn vào bức tranh tổng thể hơn và tình trạng 86% rác thải nhựa không được tái chế hằng năm, thì sự xuất hiện của những chiếc máy tái chế tại chỗ kiểu như Botol hay Olyns vẫn là “có còn hơn không”.

Bài Viết Liên Quan

Back to top button