“Ma trận” điều kiện kinh doanh vẫn đang “cản đường” doanh nghiệp

Để tránh phát sinh các quy định cản trở quyền tự do kinh doanh và làm tăng chi phí “tuân thủ” của doanh nghiệp, theo chuyên gia, nên có cơ quan độc lập thẩm định các dự thảo văn bản pháp luật…

Theo đó, kết quả rà soát điều kiện kinh doanh 15 lĩnh vực quản lý Nhà nước trong năm 2023 được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện cho thấy, đang tồn tại nhiều điều kiện kinh doanh chung chung, thiếu rõ ràng, khó xác định.

“Ma trận” điều kiện kinh doanh vẫn đang

Kết quả rà soát điều kiện kinh doanh 15 lĩnh vực quản lý Nhà nước trong năm 2023 cho thấy, đang tồn tại nhiều điều kiện kinh doanh chung chung, thiếu rõ ràng, khó xác định – Ảnh minh họa

Chẳng hạn, với ngành nghề kinh doanh rượu, Nghị định 105/2017/NĐ-CP quy định một trong những điều kiện sản xuất rượu công nghiệp là phải có cán bộ kỹ thuật có trình độ, chuyên môn phù hợp với ngành, nghề sản xuất rượu. Tuy nhiên, Luật hiện hành lại chưa quy định cụ thể về trình độ, chuyên môn của cán bộ kỹ thuật, dẫn đến những khó khăn cho doanh nghiệp khi đề nghị cấp giấy phép sản xuất rượu công nghiệp.

Chưa kể, nhiều điều kiện kinh doanh còn lồng ghép, chứa đựng các quy định cản trở quyền tự do kinh doanh và làm tăng chi phí “tuân thủ” của doanh nghiệp (giấy phép con), vì thế số lượng điều kiện kinh doanh có thể giảm về hình thức nhưng thực chất lại không giảm bởi được dẫn chiếu bằng nhiều quy định khác nhau.

Ví dụ như ngành kinh doanh dịch vụ lưu trú phải thỏa các điều kiện: có đăng ký kinh doanh theo quy định pháp luật; phải đáp ứng điều kiện về an ninh, trật tự, an toàn về phòng cháy và chữa cháy, bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm; đáp ứng điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ phục vụ du khách.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, những quy định này là không cần thiết vì điều quan trọng với cơ quan quản lý Nhà nước là quản lý chất lượng sản phẩm trước khi lưu thông trên thị trường bằng việc ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về sản phẩm. Cơ quan Nhà nước không nên can thiệp vào quy trình hay công nghệ áp dụng của doanh nghiệp, trừ yêu cầu đối với công nghệ gây ô nhiễm.

Hơn nữa, việc bảo đảm chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật là trách nhiệm của doanh nghiệp. Doanh nghiệp có thiết bị kiểm tra hay thuê tổ chức nào kiểm định là quyền lựa chọn của họ, không nhất thiết phải ký hợp đồng với tổ chức được chỉ định…

“Ma trận” điều kiện kinh doanh vẫn đang

Theo chuyên gia, nên có cơ quan độc lập thẩm định các Dự thảo văn bản pháp luật để dẹp việc cài cắm điều kiện kinh doanh – Ảnh minh họa

Từ kết quả rà soát đã nêu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chỉ ra sáu nhóm điều kiện kinh doanh tồn tại bất cập hiện nay, gồm: điều kiện kinh doanh về PCCC; điều kiện kinh doanh lĩnh vực du lịch (du lịch lữ hành nội địa, kinh doanh khu, điểm du lịch); chứng chỉ hoạt động xây dựng; điều kiện kinh doanh vận tải đường bộ; điều kiện huấn luyện an toàn vệ sinh lao động; khoảng trống quy định về lắp đặt và quản lý trạm nạp điện tại các cửa hàng kinh doanh xăng dầu.

Thực tế, câu chuyện “giấy phép con” không phải mới, để giải quyết hiện trạng này, Nghị quyết 68/NQ-CP năm 2020 của Chính phủ đã ban hành Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 – 2025. Theo đó yêu cầu cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh tại các văn bản đang có hiệu lực thi hành, tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, “ma trận” điều kiện kinh doanh vẫn đang là rào cản rất lớn đối với hoạt động đầu tư, sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp.

Theo TS Nguyễn Minh Thảo – Trưởng Ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), hiện nay hai lĩnh vực nông nghiệp – phát triển nông thôn và công thương đặt ra nhiều điều kiện kinh doanh nhất. Một số điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực phát triển nông thôn phức tạp, gây phiền hà cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, lĩnh vực xây dựng cũng đưa ra quy định với quá nhiều chứng chỉ hành nghề để làm khó doanh nghiệp.

Lý giải về sự chững lại của quá trình cải cách môi trường kinh doanh từ năm 2020 tới nay, bà Thảo cho rằng, có 4 nguyên nhân chính gồm: Do việc giám sát, theo dõi quá trình cải cách môi trường kinh doanh không còn chặt chẽ như trước. Một số bộ khi sửa đổi các văn bản đã bổ sung những điều kiện kinh doanh mới; Do áp lực cải cách môi trường kinh doanh không được duy trì trong những năm gần đây; Nhiều bộ ngành sau khi cắt giảm điều kiện kinh doanh thấy “quyền lực” yếu đi nên đã bổ sung điều kiện kinh doanh để củng cố “quyền lực”; Nhiều bộ ngành thấy rằng đưa điều kiện kinh doanh vào nghị định dễ bị giám sát nên đã “cài” điều kiện kinh doanh qua việc ban hành các quy chuẩn kỹ thuật ở cấp Thông tư.

Để giải quyết hiện trạng đã nêu, theo bà Thảo, cần đi từ gốc của vấn đề, đó là nếu không có ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì sẽ không có điều kiện kinh doanh, không phát sinh thủ tục hành chính gây phiền hà cho doanh nghiệp.

Còn theo TS Nguyên Đình Cung – nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), kể từ năm 2000 đã có không ít lần cải cách cắt bỏ các loại “giấy phép con”, cắt bỏ, đơn giản hóa thủ tục hành chính bằng các giải pháp hết sức quyết liệt và đã thu được nhiều kết quả rất đáng ghi nhận. Nhưng sau một thời gian, các “giấy phép con”, các thủ tục hành chính bị bãi bỏ phục hồi lại dưới hình thức khác, thậm chí số giấy phép, thủ tục mới xuất hiện còn nhiều hơn trước, phức tạp và tốn kém hơn trước.

Nói cách khác, thành quả cải cách không bền vững, nhiều ý kiến cho rằng nguyên nhân cơ bản của tình trạng trên là do thiếu thể chế kiểm soát có hiệu quả chất lượng các văn bản quy phạm pháp luật.

“Vì vậy, theo tôi, nghiên cứu, thành lập một cơ quan thuộc Chính phủ, không thực hiện chức năng quản lý nhà nước, chuyên trách, chuyên nghiệp và độc lập thẩm định, đánh giá chất lượng các dự thảo văn bản pháp luật về đầu tư kinh doanh trước khi trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Ngoài ra, cơ quan này còn có chức năng thường xuyên đánh giá lại tính phù hợp, tính hiệu lực và hiệu quả của các quy định pháp luật hiện hành để đề xuất bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung nếu xét thấy cần thiết”, TS Nguyên Đình Cung bày tỏ.

Bài Viết Liên Quan

Back to top button