Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt sửa đổi: Chọn phương pháp phù hợp thực tiễn
Các chuyên gia đề xuất Chính phủ nên áp dụng cách tính thuế hỗn hợp đối với thuế tiêu thụ đặc biệt, vừa đơn giản, dễ hiểu, vừa tránh việc sử dụng nhiều bậc thuế hoặc yêu cầu tính toán quá phức tạp.
Phương pháp hiện hành có lỗi thời?
Hiện nay Việt Nam áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) theo phương pháp thuế tương đối (thuế suất tính theo tỷ lệ phần trăm giá bán tính thuế) với sản phẩm đồ uống có cồn. Mức thuế suất áp dụng được tăng theo lộ trình từ năm 2016.
Tuy nhiên, chính sách thuế TTĐB với đồ uống có cồn hiện hành chưa đạt được hay chưa tối ưu được các mục tiêu mà Chính phủ đề ra như: Thứ nhất, mục tiêu giảm tiêu thụ rượu bia và nâng cao sức khỏe cộng đồng, khi Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia có mức tiêu thụ đồ uống có cồn cao nhất trong khu vực. Hơn một nửa lượng tiêu thụ là thuộc khu vực phi chính thức, chiếm tới 57% lượng tiêu thụ rượu bia ở Việt Nam trong năm 2019.
Thứ hai, mục tiêu đảm bảo nguồn thu cho ngân sách. Mặc dù nguồn thu thuế TTĐB tăng nhưng Chính phủ không thể thu được tối đa thuế TTĐB cho đồ uống có cồn do tồn tại trọng yếu của thị trường phi chính thức.
Thứ ba, mục tiêu bảo đảm trung lập, bình đẳng trong chính sách thuế. Các sản phẩm nhập khẩu có gánh nặng thuế TTĐB cao hơn sản phẩm sản xuất trong nước, do đó chưa phù hợp với các cam kết của Việt Nam trong các FTA và WTO.
Thứ tư, mục tiêu phù hợp với xu hướng toàn cầu và thực hiện các cam kết quốc tế. Các quốc gia trên thế giới và trong khu vực như Malaysia, Phillipines, Thái Lan, Singapore đã chuyển sang thực hiện phương pháp thuế tuyệt đối hoặc thuế hỗn hợp với đồ uống có cồn.
Bà Đặng Ngọc Hương, Tiểu ban rượu vang và rượu mạnh (EuroCham) bày tỏ: “Chúng tôi không bao giờ nói rằng phương pháp thuế tương đối là một phương pháp không phù hợp hay không mang lại hiệu quả, mà đây là phương pháp đảm bảo được tính linh hoạt khi điều chỉnh, đặc biệt trong những năm trước đây tỷ lệ lạm phát của Việt Nam không ổn định. Vì vậy, phương pháp thuế tương đối là phương pháp hạn chế nhất nguồn lực của Nhà nước, cũng như đảm bảo nguồn thu ngân sách không chịu tác động nhiều của tỷ lệ lạm phát hay điều kiện kinh tế thị trường biến động”.
Theo bà Ngọc Hương, khi so sánh các phương pháp thuế, chúng ta sẽ lấy các mục tiêu chính sách của Quốc hội, Chính phủ đề ra để thảo luận. Với phương thức thuế tương đối hiện nay, do điều kiện kinh tế thị trường phát triển, nhu cầu, sự lựa chọn và hành vi tiêu dùng cũng khác hơn. Nếu chúng ta chỉ đánh thuế tương đối trên giá cả sản phẩm sẽ dẫn đến người tiêu dùng có khuynh hướng chọn những sản phẩm giá thấp để sử dụng, dẫn đến đi ngược xu hướng là dùng sản phẩm tốt hơn nhưng ít hơn. Đặc biệt những sản phẩm có ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng, bài toán đặt ra là làm sao để họ uống ít đi, nhưng uống những sản phẩm có chất lượng và hợp pháp, hợp lệ.
Hiện nay chúng ta đánh vào giá, không đánh vào độ cồn thì những sản phẩm kém chất lượng, giá thấp thì sẽ được người tiêu dùng hướng đến nhiều hơn. Một số liệu chính thức của Đại học Oxford công bố vào tháng 7/2023 cho thấy, 57% lượng cồn tiêu thụ trên thị trường Việt Nam là bất hợp pháp, bao gồm cả sản phẩm không chính thức như rượu nấu tại nhà không qua đăng ký và các sản phẩm nhập lậu làm thất thu ngân sách nhà nước.
Tình trạng rượu lậu đang tràn lan trên thị trường, các sản phẩm rượu của Johnnie Walker hay Chivas đều có sản phẩm lậu đến mức họ tự đặt sản xuất chai tại Việt Nam để sử dụng. Vì vậy Tiểu ban rượu vang và rượu mạnh đề xuất áp dụng phương pháp thuế hỗn hợp để phù hợp với xu hướng, bối cảnh hiện tại.
Nhìn từ kinh nghiệm quốc tế
Về kinh nghiệm quốc tế, vị đại diện EuroCham chia sẻ, nếu đặt mục tiêu của người tiêu dùng cao hơn thì phương pháp thuế tốt nhất cho thuế TTĐB là phương pháp tuyệt đối, vì họ đánh thẳng vào nồng độ cồn. Nhận thức của người tiêu dùng rất đơn giản, đó là uống có cồn cao thì phải trả tiền nhiều hơn và họ sẽ tự điều tiết hành vi tiêu dùng của mình.
Còn với phương pháp thuế hỗn hợp mà Tiểu ban rượu vang và rượu mạnh đề xuất là do điều kiện của Việt Nam chưa đủ để áp dụng phương pháp thuế tuyệt đối, vì chúng ta chưa có biện pháp nào để giúp đỡ các công ty sản xuất rượu bia, dẫn đến thị trường nội địa của còn gặp khó khăn.
Như tại Philippines, khi chuyển sang phương pháp thuế hỗn hợp đã gặp rất nhiều rào cản, đó là không tìm được cơ chế báo giá một cách công khai cho doanh nghiệp khiến doanh nghiệp có hành vi kê khai sai giá bán lẻ để chịu phần thuế tương đối và khai độ cồn sai để trừ đi phần thuế tuyệt đối. Mỗi năm, Philippines có những trường hợp doanh nghiệp bị phạt rất nặng khi chuyển sang phương pháp thuế này.
Tuy nhiên, điều chúng ta có thể học tập được của Philippines là sự công bằng đối với các sản phẩm trong nước, sử dụng nguồn nguyên liệu nội địa thì giá thấp hơn, giúp độ tiêu thụ cồn ở Philippines những năm gần đây giảm dần, chỉ còn khoảng 6 lít trên một người, so với Việt Nam là 8,3 lít trên một người.
Bà Đặng Ngọc Hương khẳng định, EuroCham luôn luôn ủng hộ đường lối chính sách của Chính phủ, riêng với việc tăng thuế TTĐB cũng có nghiên cứu, đóng góp để đưa ra chính sách tốt nhất cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói chung và cộng đồng doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nói riêng.
“Về phương pháp thuế hỗn hợp, hiện nay Bộ Tài chính vẫn còn băn khoăn, chưa có tính toán toàn diện tác động của chính sách, cũng như về mặt kinh tế khi áp dụng phương pháp này vào ngành rượu bia và đồ uống có cồn.
Thực tế, một phương pháp thuế cần có thời gian nghiên cứu và xây dựng, chứ không thể một sớm một chiều áp dụng ngay sẽ không mang lại hiệu quả. Điều chúng ta mong đợi là lộ trình đó như thế nào, nếu ban hành luật sửa đổi thuế TTĐB ngay lập tức mà chưa tính đến các tác động, có thể 1-2 năm nữa sẽ phải ban hành luật mới và như vậy là không ổn. Do đó, chúng ta hãy chờ thêm một kỳ họp Quốc hội nữa để nghiên cứu và đưa ra lộ trình phù hợp”, bà Hương đề xuất.
Chia sẻ quan điểm của mình, Chuyên gia thuế Nguyễn Thị Cúc cho rằng, thế giới đã đưa ra những mô-đun rất hợp lý và mang tính chất số hóa, có tính toán cụ thể về tính thuế TTĐB. Tuy nhiên khi áp dụng vào điều kiện cụ thể của Việt Nam mà lấy ở mỗi quốc gia này một phần, thì chính sách thuế sẽ trở thành hỗn độn.
“Ví dụ ở Mỹ, rất nhiều người uống coca-cola và coi đây là đồ uống phổ biến, nhưng Việt Nam thì cho rằng đó là nước ngọt gây béo phì, nên khi đánh thuế phải đưa về một mặt bằng, chỉ tiêu cụ thể để phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam. Thực tế chúng ta đã có nhiều kinh nghiệm về thuế TTĐB, nhưng về tính toán kỹ thuật, công nghệ thì còn đi sau nhiều nước, vì vậy nên học hỏi phương pháp nào tiến bộ hơn”, bà Cúc nói.
Các cách tính thuế phổ biến
Phương pháp thuế tương đối: Đánh thuế theo tỷ lệ trên giá trị của sản phẩm hoặc dịch vụ. Ưu điểm là tự động điều chỉnh theo lạm phát, giảm thiểu việc điều chỉnh thuế thường xuyên; Thuận lợi cho việc thu và quản lý thuế. Ngược lại, nhược điểm là không đạt hiệu quả trong giảm tiêu thụ sản phẩm; Có thể hướng người tiêu dùng đến việc tiêu thụ các sản phẩm chất lượng thấp, bất hợp pháp; Dễ dẫn đến hành vi trốn thuế do thao túng giá tính thuế; Doanh thu từ thuế không ổn định do suy thoái kinh tế hoặc sở thích của người dùng thay đổi. Phương pháp này đang được áp dụng tại Việt Nam.
Phương pháp thuế tuyệt đối: Thuế được tính trên khối lượng hoặc nồng độ cồn của sản phẩm. Ưu điểm là giảm tiêu thụ cồn; Giảm sản phẩm bất hợp pháp; Khuyến khích sản xuất/sử dụng các loại rượu cao cấp; Thuận lợi cho việc thu và quản lý thuế của doanh nghiệp và cơ quan thuế; Công bằng về thuế. Tuy nhiên, nhược điểm là không tự điều chỉnh để ứng phó với thay đổi do lạm phát. Phương pháp này được đa số các nước phát triển và Singapore áp dụng.
Phương pháp thuế hỗn hợp: Kết hợp giữa thuế tuyệt đối và thuế tương đối. Ưu điểm là giảm tiêu thụ cồn; Giảm sản phẩm bất hợp pháp; Tăng cường sự công bằng về thuế giữa các sản phẩm có giá trị thấp và giá trị cao; Phương pháp trung gian để chuyển đối từ Phương pháp thuế tương đối sang thuế tuyệt đối. Nhược điểm là Tính toán phức tạp hơn do có cả hai thành phần thuế tương đối và thuế tuyệt đối. Các nước đang áp dụng như Philippines, Thái Lan, Malaysia.
Về tính khả thi, các chuyên gia đề xuất Chính phủ nên áp dụng cách tính thuế hỗn hợp đơn giản và dễ hiểu, tránh việc sử dụng nhiều bậc thuế hoặc yêu cầu tính toán quá phức tạp. Chính phủ cũng cần tuyên truyền cho doanh nghiệp và người dân về lợi ích của việc thay đổi chính sách thuế theo định hướng: “sản phẩm nồng độ cồn cao có giá cao” và “uống ít hơn nhưng uống sản phẩm tốt hơn”.