Lựa chọn du học nước ngoài hay học đại học trong nước khi mùa thi đại học đã cận kề?
Trước thực trạng toàn cầu hóa ngày càng phát triển, câu hỏi về việc nên học đại học trong nước hay đi du học nước ngoài đã trở thành một vấn đề nóng bỏng đối với nhiều sinh viên và phụ huynh. Đặc biệt là thời điểm cuối cấp học phổ thông. Mỗi lựa chọn đều mang lại những ưu điểm và nhược điểm riêng, đáp ứng khác nhau về mục tiêu học tập, sự phát triển cá nhân và nghề nghiệp trong tương lai.
Nhiều học sinh giỏi, đỗ vào các trường đại học hàng đầu ở Việt Nam vẫn chọn con đường du học, xuất khẩu lao động;
Học sinh giỏi từ vùng quê trước đây thường được khuyến khích học đại học, coi đó là lối thoát khỏi nghèo và đỉnh cao của thành công. Tuy nhiên, thực tế là nhiều sinh viên ra trường với tấm bằng đại học vẫn gặp khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm phù hợp, thậm chí không liên quan đến chuyên ngành học. Các em phải vật lộn với các công việc không đủ để trang trải chi phí sinh hoạt, khiến cho phụ huynh và những học sinh xuất sắc bắt đầu suy nghĩ lại về con đường học tập và sự lựa chọn sau khi tốt nghiệp.
Theo Hiệu trưởng của một trường THPT tại Hải Dương, trước đây hầu hết học sinh giỏi của trường chọn lựa học tại các trường đại học hàng đầu để theo đuổi việc học tập, để có thể lựa chọn một công việc phù hợp tại các đơn vị nhà nước, các tập đoàn công ty lớn. Tuy nhiên, xu hướng hiện nay cho thấy sự dịch chuyển rõ rệt, với nhiều học sinh giỏi và xuất sắc từ bỏ việc thi đại học để chuyển hướng sang xuất khẩu lao động (XKLĐ) hoặc học tập song song với lao động ở nước ngoài.
Thực tế, nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp không có việc làm, hoặc chỉ tìm được các công việc không liên quan đến chuyên môn được đào tạo, mức lương khởi điểm thấp, khi gia đình hay bản thân không có quan hệ tốt ngoài xã hội… điều này khiến phụ huynh và các em học sinh thay đổi quan điểm và lựa chọn các phương án học nghề hoặc đi xuất khẩu lao động. Đi xuất khẩu lao động, các em có cơ hội học tập kỹ năng nghề và thu nhập cao hơn.
Như vậy, xu hướng từ chối học đại học và chuyển sang học nghề hoặc đi XKLĐ của các học sinh đang ngày càng trở nên phổ biến, nhằm tìm kiếm những cơ hội phát triển mới, hữu ích hơn đối với tương lai của mỗi cá nhân.
Điểm mạnh cũng như khó khăn khi lựa chọn du học tại nước ngoài;
Đi du học không chỉ đơn thuần là một hành trình học tập mà còn là một trải nghiệm văn hóa sâu sắc. Sinh viên sẽ được tiếp xúc với một môi trường học tập hoàn toàn mới, từ ngôn ngữ đến văn hóa, giúp họ nâng cao kỹ năng giao tiếp đa văn hóa và mở rộng tầm nhìn quốc tế. Hơn nữa, du học còn mang lại cơ hội tiếp cận với các phương pháp giáo dục tiên tiến và chất lượng cao, từ đó phát triển các kỹ năng tư duy sáng tạo và giải quyết vấn đề, chuẩn bị tốt hơn cho thị trường lao động toàn cầu.
Tuy nhiên, điểm yếu lớn nhất của du học là chi phí. Việc phải chi trả cho học phí, sinh hoạt, đi lại và bảo hiểm y tế có thể gây áp lực tài chính lớn đối với sinh viên và gia đình, đặc biệt là các trường hợp du học tự túc khi không có được học bổng hoặc tài trợ. Thêm vào đó, thử thách về thích nghi với môi trường mới, cả về văn hóa và ngôn ngữ, cũng là một vấn đề không nhỏ đối với sinh viên.
Cơ hội làm thêm để kiếm thu nhập;
Tìm kiếm thu nhập ngay trong quá trình học tập, khi còn là sinh viên thì việc lợi thế khi đi du học là lợi thế mà học tập trong nước không thể cạnh tranh.
Một trong những lợi ích chính của việc làm thêm khi lựa chọn du học ở nước ngoài là giúp sinh viên có thể kiếm thêm thu nhập để trang trải chi phí sinh hoạt và học phí. Các quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Canada, Úc… cho phép sinh viên làm thêm từ 20 đến 40 giờ một tuần trong thời gian học, và không giới hạn trong kỳ nghỉ hè. Điều này đã hộ trợ cho du học sinh rất nhiều, tạo nguồn tài chính cao du học sinh, giúp họ không phụ thuộc quá nhiều vào gia đình hay vay mượn để tiếp tục học tập ở nước ngoài.
Ngoài ra, việc làm thêm cũng giúp sinh viên phát triển kỹ năng sống và nghề nghiệp một cách toàn diện. Việc làm thêm không chỉ là kiếm tiền mà còn giúp sinh viên rèn luyện khả năng quản lý thời gian, kỹ năng giao tiếp , nâng cao khả năng ngoại ngữ và học hỏi cách làm việc trong một môi trường chuyên nghiệp và đa văn hóa. Đây là những kỹ năng quan trọng mà sinh viên sẽ không thể học được trong sách vở mà chỉ có thể trải nghiệm được khi tham gia vào thực tế công việc.
Tuy nhiên, việc làm thêm cũng đi kèm với những thách thức như áp lực phân bổ thời gian giữa học tập và công việc, cũng như thử thách thích nghi với môi trường làm việc mới và yêu cầu công việc khác biệt so với quê nhà. Sinh viên cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và sẵn sàng để vượt qua những khó khăn này để có thể hưởng được những lợi ích to lớn từ việc làm thêm khi du học.
Lựa chọn học tập trong nước;
Ngược lại, học đại học trong nước mang đến sự tiết kiệm chi phí đáng kể, từ học phí đến chi phí sinh hoạt hàng ngày. Sinh viên cũng có cơ hội phát triển các mối quan hệ cần thiết để có thể tìm kiếm cho bản thân những cơ hội làm việc hay tìm hiểu trước những tập đoàn, các công ty mà sinh viên có thể lựa chọn xin việc sau khi tốt nghiệp thông qua các sự kiện tuyển dụng của các đơn vị tuyển dụng. Tuy nhiên, hạn chế của học đại học trong nước là thiếu cơ hội tiếp cận với môi trường quốc tế và các chương trình giáo dục tiên tiến như du học.
Để đưa ra quyết định chính xác, các bậc phụ huynh, các em học sinh, sinh viên cần đánh giá kỹ lưỡng mục tiêu cá nhân, khả năng tài chính và sự sẵn sàng đối mặt với thử thách. Việc lựa chọn giữa du học nước ngoài và học đại học trong nước không phải là dễ dàng, nhưng đều mang lại những cơ hội và thách thức riêng biệt. Quan trọng là tự tin và tôn trọng quyết định của bản thân, bởi mỗi lựa chọn sẽ là bước đi quan trọng trong sự phát triển cá nhân và nghề nghiệp của từng người.
Văn Linh