Lỗ thêm gần 49 tỷ đồng sau kiểm toán, DNM giải trình ra sao?

Sau kiểm toán, lợi nhuận sau thuế năm 2022 của DNM tăng lỗ thêm gần 49 tỷ đồng so với báo cáo tự lập, đồng thời, kiểm toán cũng đưa ra ý kiến ngoại trừ trên báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022.

Theo đó, báo cáo tài chính sau kiểm toán năm 2022 của Tổng Công ty CP Y tế Danameco (HNX: DNM) ghi nhận lỗ thêm gần 49 tỷ đồng, nâng tổng lỗ của năm 2022 lên hơn 100 tỷ đồng (báo cáo tài chính tự lập lỗ hơn 51,6 tỷ đồng).

Lỗ thêm gần 49 tỷ đồng sau kiểm toán, DNM giải trình ra sao?

Danameco tăng lỗ thêm gần 49 tỷ đồng sau kiểm toán.

Theo giải trình của doanh nghiệp, nguyên nhân là do tại thời điểm bảo các năm 2022, thì số liệu chưa kịp thời rà soát hết tất cả chi phí trong năm và những sai lệch cách hạch toán do có sự thay đổi về nhân sự quản lý.

Sau khi nộp Báo cáo tài chính quý IV/2022, Công ty đã thực hiện rà soát lại toàn bộ các chi phí, giá thành, giả vốn và thực hiện điều chỉnh phủ hợp. Về tài sản cố định, Công ty có điều chỉnh lại tăng khấu hao và chính lại các khấu hao năm. Cuối cùng là Công ty thực hiện Điều chỉnh tăng lãi vay cá nhân và đánh giá lại tỷ giá cuối kỳ kế toán.

Bên cạnh đó, DNM cũng giải trình về ý kiến kiểm toán ngoại trừ trên báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 được phát hành bởi Công ty TNHH Kiểm Toán Nhân Tâm Việt.

DNM cho biết, theo quyết định kiểm kê Tổng Công ty CP Y tế Danameco tổ chức kiểm kê kho, nhưng tại thời điểm đó Công ty TNHH Kiểm toán Nhân Tâm Việt chưa ký hợp đồng với Tổng Công ty Danameco nên không chứng kiến việc kiểm kê hàng tồn kho thực tế và quỹ tiền mặt.

Cuối năm 2022, phía Tổng Công ty CP Y tế Danameco cũng đã rất nỗ lực làm thư xác nhận công nợ với phía khách hàng, nhưng do nhiều khía cạnh phản hồi từ bên khách hàng là một số Công ty và bệnh viện thay đổi về nhân sự, nên chưa kịp thời ký xác nhận công nợ tại thời điểm ra báo cáo năm 2022 này. Tổng Công ty CP Y tế Danameco sẽ khắc phục đôn đốc phía khách hàng ký thư xác nhận vào kỳ báo cáo tiếp để chứng minh về công nợ phải thu đúng với con số trên báo cáo.

Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh năm 2022 đã bao gồm giả vốn hàng bản với số tiền là hơn 5,8 tỷ đồng, doanh thu tương ứng với giá vốn này đã được ghi nhận năm 2021 và Công ty đã phát hành hóa đơn; lập biên bản giao nhận, nghiệm thu hàng hóa và ghi nhận doanh thu bán hàng trong năm 2022 với số tiền 49 tỷ đồng.

Do các đối tác đặt hàng với số lượng lớn, để đảm bảo chắc chắn cho việc thực hiện hợp đồng, kế toán đã thực hiện xuất hóa đơn và làm các thủ tục giao nhận để thu tiền hàng. Thực tế hàng vẫn nằm tại kho của Danameco và lập hồ sơ gửi hàng tại kho.

“Các khách hàng này sau đó đã nhận đủ số hàng theo đúng hóa đơn đã xuất, kế toán đang thực hiện ghi nhận doanh thu tại thời điểm xuất hóa đơn và ghi nhận giá vốn tại các thời điểm hàng thực tế đi ra khỏi kho. Chúng tôi đang rà soát lại các hồ sơ này và có hướng điều chỉnh phủ hợp trong thời gian tới”, văn bản giải trình của DNM nêu.

Lỗ thêm gần 49 tỷ đồng sau kiểm toán, DNM giải trình ra sao?

Cổ phiếu DNM bị hạn chế giao dịch và chỉ được giao dịch vào phiên thứ Sáu hàng tuần, do doanh nghiệp chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022.

Về kế hoạch kinh doanh, quý I/2023, DNM ghi nhận doanh thu đạt hơn 50,2 tỷ đồng, giảm hơn 65,5% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ gần 24 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi hơn 15 tỷ đồng.

Doanh nghiệp cho biết, đầu năm 2023 do dịch bệnh đã được kiểm soát, nên doanh thu từ các mặt hàng chống dịch giảm mạnh, làm cho doanh thu của doanh nghiệp giảm dẫn đến lợi nhuận sau thuế giảm mạnh.

Bên cạnh đó, công ty cũng đã đầu tư rất nhiều máy móc thiết bị để sản xuất các mặt hàng chống dịch trong giai đoạn dịch bùng phát nhằm đáp ứng như cầu của thị trường. Tuy nhiên, cho đến nay, dịch bệnh đã được kiểm soát, nhu cầu thị trường đối với trang phục chống dịch không còn, nhưng công ty vẫn phải trích chi phí khấu hao cho số lượng máy móc đã đầu tư, mặc dù không được tham gia vào hoạt động sản xuất kinh doanh trong kỳ dẫn đến giá thành tăng cao.

Ngoài ra, công ty đang tập trung chuyển đổi sang khai thác thị trường xuất khẩu, nghiên cứu sản xuất các mặt hàng khác để tăng doanh thu. Tuy nhiên, có một số mặt hàng doanh nghiệp đang phải chấp nhận chịu lỗ để thâm nhập vào thị trường quốc tế. Mặt khác, công ty cũng nâng cấp sửa chữa nhà máy để đáp ứng với yêu cầu của khách hàng quốc tế, đầu tư thêm máy móc thiết bị tự động để nâng cao năng suất sản xuất.

Không chỉ thua lỗ trong quý đầu năm 2023, kết quả kinh doanh của “ông lớn” ngành thiết bị y tế này cũng tuột dốc trong cả năm 2022. Theo tài liệu ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 mới công bố, doanh thu cả năm 2022 của DNM chỉ đạt hơn 321 tỷ đồng, giảm 42% so với năm trước. Doanh nghiệp lỗ sau thuế hơn 100 tỷ đồng, giảm hơn 500% so với năm 2021.

Cũng theo tài liệu ĐHĐCĐ, năm 2023, đặt mục tiêu doanh thu đạt 500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế ở mức 20 tỷ đồng. Tuy nhiên, với kết quả kinh doanh ảm đạm của quý đầu năm, xem ra, mục tiêu này dường như cũng sẽ là một nhiệm vụ khó khăn đối với doanh nghiệp ngành vật tư y tế này.

Ở một diễn biến khác, mới đây, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội đã đưa cổ phiếu DNM vào diện cổ phiếu bị hạn chế giao dịch do doanh nghiệp này chậm nộp báo cáo tài chính đã được kiểm toán năm 2022. Do đó, cổ phiếu DNM bị hạn chế giao dịch và chỉ được giao dịch vào phiên thứ Sáu hàng tuần.

Bài Viết Liên Quan

Back to top button