Lo ngại về động thái hút tiền của NHNN đang lớn hơn thực tế
Các phiên giao dịch giảm điểm của TTCK vào cuối tuần trước và đầu tuần này đều liên quan tâm lý có phần lo ngại của nhà đầu tư xoay quanh biến động tỷ giá và động thái hút tiền của NHNN…
Thị trường chứng khoán (TTCK) liên tục giảm điểm trong các phiên giao dịch vừa qua. Tác động giảm trên thị trường đầu tuần này vẫn thể hiện với VN-Index giảm tiếp gần 20 điểm, sau 2 phiên sáng – chiều đỏ lửa. Trong phiên giao dịch sáng hôm nay, đà giảm của thị trường đã chững lại và vẫn đang trong trạng thái giằng co.
Những tác động giảm gần đây của chứng khoán liên quan đến tâm lý có phần lo ngại của nhà đầu tư xoay quanh câu chuyện về biến động tỷ giá, động thái hút tiền của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thông qua thị trường mở. Những điều này khiến nhà đầu tư có sự lo ngại nhất định về sự “xoay chiều” chính sách có thể sẽ tạo ra một môi trường bất lợi hơn cho việc đầu tư chứng khoán.
Dù vậy theo đánh giá của chúng tôi, các lo ngại này đang lớn hơn so với những gì thực tế diễn ra và mang yếu tố tâm lý ngắn hạn nhiều hơn.
Trong ngắn hạn, sẽ có thêm áp lực bị động từ việc bán giải chấp một phần đến từ những nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy quá cao.
Ngoài ra, với khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thêm một đợt tăng lãi suất nữa cộng với áp lực tỷ giá gần đây, chúng tôi cho rằng NHNN sẽ khó có thêm đợt giảm lãi suất điều hành nữa trong năm nay. Tuy nhiên, điều cần nhấn mạnh đây là những giải pháp tình thế trong điều kiện áp lực tỷ giá tăng cao, Còn về tổng quan chung, chính sách tiền tệ nới lỏng sẽ vẫn tiếp tục được duy trì để hỗ trợ kinh tế hồi phục.
Liên quan đến các động thái phát hành tín phiếu, hút ròng mạnh tay của NHNN trong các phiên qua, chúng tôi nhận định:
Thứ nhất, việc cân nhắc hút tiền trong hệ thống hiện nay của NHNN là một biện pháp để giảm áp lực tỷ giá, đưa tỷ giá về mức mục tiêu (+/-3% cho năm nay). Trong tháng 8-9, tỷ giá đã tăng nhanh và có dấu hiệu vượt khỏi ngưỡng mục tiêu (trên 3%). Vì vậy, để kiểm soát dần tỷ giá, NHNN đang có những động thái can thiệp cụ thể.
Trong các công cụ để can thiệp ổn định tỷ giá, NHNN sẽ có: 1) điều tiết cung tiền, bao gồm hút/bơm tiền VND, hoặc bán/mua USD từ dự trữ ngoại hối, 2) tăng lãi suất điều hành. Hiện tại, NHNN đang sử dụng việc hút tiền VND về qua việc bán tín phiếu.
Theo chúng tôi, đây là bước đi có tính toán kỹ từ việc quan sát thanh khoản của hệ thống (đang thừa) và bước đi khôn ngoan (chưa cần phải sử dụng đến công cụ bán ngoại hối như năm ngoái. Lưu ý là năm 2022, NHNN đã bán 25 tỷ USD từ dự trữ ngoại hối. Việc bán sớm quá khiến NHNN “hết đạn” sớm, giảm khả năng can thiệp linh hoạt về sau).
Thứ hai, lãi suất trúng thầu thấp như vậy cho thấy thanh khoản trong hệ thống ngân hàng vẫn dư nhiều (và lý do thì thị trường đã thấy là do tăng trưởng tín dụng còn chậm cho đến giữa tháng 9, mới có 5,7% so với mục tiêu 14-15% năm nay).
Thứ ba, chúng tôi quan sát và tin rằng, NHNN đang tính toán liều lượng hút tiền qua tín phiếu một cách thận trọng để đảm bảo liều lượng vừa đủ sao cho đạt các mục tiêu là: i) tăng lãi suất trên thị trường liên ngân hàng lên, từ đó giảm bớt áp lực cho tỷ giá, ii) không gây gián đoạn thanh khoản cho toàn bộ nền kinh tế, và iii) đảm bảo lãi suất thực của nền kinh tế (lãi suất cho vay) sẽ tiếp tục xu hướng giảm.
*Giám đốc Nghiên cứu-Phân tích, Khối khách hàng cá nhân, CTCK Maybank Investment Bank (MSVN)