“Lò” chống tham nhũng: Mừng lắm, nhưng vẫn còn trăn trở lắm
Không trăn trở sao được khi càng xử, càng làm lớn thì càng lòi ra thêm nhiều vụ tham nhũng.
Việt Nam như hình mẫu trong việc phòng chống tham nhũng, bởi những hành động quyết liệt và mạnh tay, không có “vùng cấm” trong việc trừng trị những đối tượng vi phạm pháp luật.
Hơn hai năm qua, đại dịch COVID-19 đã gây ra những mất mát, nỗi đau quá lớn, không thể bù đắp nổi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống người dân và ảnh hưởng đến cả sự phát triển kinh tế – xã hội.
Từ khi xảy ra cho tới thời điểm khống chế được dịch, cả nước có hơn 10 triệu ca mắc, hơn 43.000 người tử vong do COVID-19.
Đại dịch đã khiến hàng vạn trẻ em rơi vào cảnh mồ côi, lâm vào hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Hàng vạn doanh nghiệp cũng vì đại dịch mà rơi vào cảnh lao đao, khốn khó, không ít trong số đó buộc phải giải thể, phá sản. Cả triệu người lao động thất nghiệp, mất việc làm, nhất là người lao động yếu thế…
Trong bối cảnh nhiễu nhương, lại có những cán bộ, đảng viên “bắt tay” với một số đối tượng để trục lợi trên nỗi đau, mất mát của người dân. Hành vi phạm pháp đó đã gây bức xúc, khiến dư luận nhức nhối, phẫn nộ!
“Quả bom” Việt Á cực kỳ chấn động, đang dần lộ ra phần chìm của tảng băng lớn. Một vụ án có quy mô, phạm vi trải dài nhiều địa phương, ngành dọc. Hơn 60 cán bộ, lãnh đạo “gãy cánh” chỉ vì tiếp tay cho Việt Á trục lợi 4.000 tỷ đồng.
Mới đây, cơ quan điều tra Bộ Công an khởi tố bị can, bắt tạm giam cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh và nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ Phạm Công Tạc, vì có sai phạm liên quan vụ Việt Á.
Cay đắng nhất và không ít người vẫn còn bất ngờ về việc ông Nguyễn Thanh Long – người đứng đầu Bộ Y tế cũng dính vào vụ việc, bị khởi tố, bắt tạm giam.
Đáng nói, ông Nguyễn Thanh Long là người có chuyên môn rất giỏi, từng là bác sỹ đa khoa, học vị GS.TS. Với việc kinh qua nhiều vị trí lãnh đạo của Bộ Y tế thì ít nhiều cũng đánh giá được phần nào năng lực quản lý của ông. Nhưng sai phạm của ông Long không nằm ở lý do vì chuyên môn hay năng lực quản lý mà xuất phát từ chính lòng tham, bản chất tư lợi.
Đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim khẳng định: “Không phải do quản lý cũng không phải do chuyên môn, mà cũng không phải do một lúc nào đó xao lòng mà do có động cơ, có đạo đức không được rèn luyện thường xuyên. Chỉ rèn luyện một giai đoạn nào thôi, còn sau đó cứ nghĩ là tích cóp gia đình, bản thân, anh em dòng họ. Những tư tưởng đó có thể phát sinh ra trong một giai đoạn nào đó trong cuộc đời cán bộ chứ không phải tất cả”.
Từ những gì đang diễn ra trong thực tiễn cho thấy, “lò” chống tham nhũng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn “nóng” hầm hập cho thấy quyết tâm đấu tranh với “giặc nội xâm” của Việt Nam đã và đang rất quyết liệt, xuyên suốt, bền bỉ.
Do đó, hành động kiên quyết của Đảng, Nhà nước được dư luận chú ý, ủng hộ. Đáng nói, ngay cả truyền thông quốc tế cũng dậy sóng vì “lò” chống tham nhũng của Việt Nam.
Reuters – một trong những hãng thông tấn lớn nhất thế giới của Mỹ đã nhấn mạnh: “Công cuộc chống “giặc nội xâm” của Việt Nam đang tiếp tục được mở ra trên nhiều lĩnh vực mới, khó, tồn tại lâu dài như: y tế, chứng khoán, công nghệ… Những người đứng đầu Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam cũng thể hiện rõ quan điểm không bao che, dung túng, tiếp tay cho các hành vi sai phạm…”.
Tương tự, khi đánh giá công cuộc phòng, chống tội phạm tham nhũng của Việt Nam, trang Nikkei cũng nhìn nhận rằng, năm năm qua, Việt Nam đã vô cùng nghiêm túc quán triệt, triển khai thực hiện, tạo bước tiến rõ nét, đột phá trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Đây được xem là một công cuộc khiến các quốc gia khác cũng phải trầm trồ.
“Những thành quả quan trọng đạt được trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua đã góp phần giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội”, theo Nikkei.
Riêng trang Channel News Asia (CNA) của Singapore, Washington Post lại cùng chung nhận định: “Công cuộc chống tham nhũng cực kỳ mạnh tay của Việt Nam chính là hình mẫu mà các quốc gia Châu Á có thể học hỏi. Bởi “những con sâu làm rầu nồi canh” nên được trừng trị, như thế cuộc sống người dân mới có thể phát triển và an bình”.
Có thể nói, mấy chục năm nay chưa bao giờ có trường hợp xử lý nhanh, rát và bất ngờ đến thế. “Lò” chống tham nhũng đã hừng hực cháy từ năm 2016. Rất giòn giã, cả củi tươi lẫn củi khô khi tính sơ lược chỉ 5 năm mà đã có tới hơn 3.200 đảng viên bị kỷ luật. Một loạt mấy ông “cán bộ cỡ bự” cho tới sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang cũng đều xộ khám.
Lớp người hừng hực niềm tin vào một cuộc chiến chống tham nhũng không có điểm dừng. Và chúng ta cũng phần nào tự hào vì công cuộc phòng chống tham nhũng nhận được nhiều đánh giá tích cực từ cộng đồng quốc tế. Nhưng đâu đó vẫn còn những trăn trở: Sao càng xử, càng làm lớn thì càng lòi ra tham nhũng?
Ngay cả vụ Việt Á, những con người trục lợi “hút máu” hơn 4.000 tỷ vào năm 2020 khi lò chống tham nhũng vẫn hừng hực cháy. 61 cán bộ, lãnh đạo “việt vị” vì Việt Á – một con số chấn động chưa từng có trong lịch sử ngành Y. Và đây cũng sẽ là một minh chứng hùng hồn nhất cho thấy thực trạng, dù có làm mạnh nhưng người ta vẫn không sợ.
Thế nên mới nói, lòng tham con người là vô đáy, cái giá phải đắt, giữa mạng sống và tiền bạc thì may ra mới làm chùn chân họ được.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn