Lễ đón nhận danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và nghề truyền thống Hà Nội làng Dương Nội
Chiều ngày 12/4 tại di tích miếu Diều, xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng, Hà Nội đã diễn ra lễ đón nhận di sản văn hoá phi vật thể quốc gia “Hội Diều làng Bá Dương Nội”, đồng thời trao bằng công nhận “Nghề làm diều sáo làng Bá Dương Nội” là nghề truyền thống Hà Nội.
Buổi lễ với sự tham dự của lãnh đạo: Bộ Văn Hoá, Thể Thao và Du Lịch; Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn; Cục Di Sản Văn Hoá; Hội đồng nhân dân; Uỷ ban nhân dân; Uỷ ban MTTTQ Việt Nam, các Sở ban, ngành thành phố Hà Nội và Huyện Đan Phượng cùng đông đảo người dân địa phương, nghệ nhân làng nghề và du khách thập phương.
Đây không chỉ là sự kiện văn hoá có ý nghĩa sâu sắc với người dân địa phương, mà còn góp phần bảo tồn và làm giàu thêm bản sắc văn hoá Việt Nam trong tiến trình hội nhập và phát triển bền vững.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Đào Thị Hồng, miếu Diều và Hội diều làng Bá Dương Nội là nơi thờ Thần Linh Châu Thổ. Theo truyền thuyết, di tích này đã tồn tại từ rất lâu đời, gắn liền với Hội diều của cư dân nơi đây. Giá trị nổi bật của di tích là lĩnh vực phi vật thể. Đó là hội thi thả diều đã được các triều đại phong kiến ban sắc phong tặng.
Bà Hồng chia sẻ “Lễ hội là nét đẹp văn hoá tín ngưỡng của cư dân sinh sống ven sông Hồng, thể hiện ước vọng về một mùa màng bội thu “mưa thuận gió hoà”, đây là lễ hội dân gian với đầy đủ nghi lễ truyền thống nghiêm ngặt vô cùng độc đáo riêng biệt, chỉ có ở làng Bá Dương Nội”
Bà Đào Thị Hồng – Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng chia sẻ tại buổi lễ
Tại buổi lễ, ông Nông Quốc Thành, Phó Cục trưởng Cục Di Sản Văn Hoá đã công bố quyết định ghi danh Hội Diều Làng Bá Dương Nội vào di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Cụ thể, căn cứ vào Quyết định từ Bộ Văn Hoá, Thể Thao và Du Lịch Quyết định số 372/QĐ-BVHTTDL ngày 21/02/2024 “Đưa vào danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia lễ hội truyền thống, tập quán xã hội và tín ngưỡng hội diều làng Bá Dương Nội, xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội”
Trao tặng quyết định ghi danh Hội Diều Làng Bá Dương Nội vào di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.
Cũng tại buổi lễ, ông Lê Văn Hoà – Chánh văn phòng HĐND và UBND đã công bố quyết định của UBND thành phố Hà Nội công nhận “Nghề truyền thống Hà Nội – Nghề làng Diều Sáo làng Bá Dương Nội”.
Ông Lê Văn Hoà – Chánh văn phòng HĐND và UBND đã công bố quyết định tại buổi lễ
Trao tặng danh hiệu “Nghề truyền thống Hà Nội – Nghề làng Diều Sáo làng Bá Dương Nội”.
Hội thi thả diều làng Bá Dương Nội diễn ra trong 3 ngày, ngày 14-16/3 (âm lịch), trong đó chính hội là ngày 15/3, thời điểm bắt đầu một mùa vụ gieo trồng mới của người nông dân thời xưa.
Hội thi thả diều là một trong những hoạt động truyền thống quan trọng của lễ hội với sự tham gia của đông đảo người dân. Những chiếc diều sáo mang đậm nét văn hoá dân gian và nghệ thuật thủ công tinh xảo.
Hội thi là sợi dây kết nối từ quá khứ đến hiện tại, từ cội nguồn tới thế hệ ngày nay. Để nhắc nhở mỗi người về văn hoá sinh sống hài hoà giữa con người với tự nhiên. Đồng thời, gửi gắm thế hệ sau: hãy giữ gìn bảo vệ môi trường sống, đoàn kết, sẻ chia và giúp đỡ nhau trong cộng đồng.
Bên cạnh đó, chương trình còn mang đến chuỗi hoạt động văn hoá – làng nghề như: Trang trí con đường Diều sáo “Hành trình kết nối”; khu trưng bày giới thiệu sản phẩm làng nghề và sản phẩm OCOP tiêu biểu của Thủ đô như sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ, tò he, chuồn chuồn tre, ô mai, bánh cuốn Thanh Trì, giò chả ước lễ, nem phượng, phở Nam Nhất, tỏi đen, tinh dầu, sữa ba Vì….; trưng bày triển lãm Diều sáo, ảnh, thơ ca, các tác phẩm nghệ thuật có nội dung về Diều sáo; trưng bày giới thiệu các cây cảnh nghệ thuật; tổ chức Hội nghị tổng kết tu bổ, tôn tạo miếu Diều; tổ chức diễu hành quảng bá Diều sáo quanh huyện Đan Phượng bằng xe ô tô, xe máy; tổ chức Hội thi ẩm thực, hội thi giã bánh dày truyền thống; chương trình văn nghệ của các câu lạc bộ văn nghệ thôn biểu diễn; thi đấu cờ tướng; thi đấu bóng chuyền hơi mở rộng; thi diều thiếu niên…
Trong những năm tới, địa phương sẽ tiếp tục quảng bá, đẩy mạnh phát triển nghề diều sáo gắn với phát triển du lịch, các dịch vụ mới, hấp dẫn phục vụ lễ hội, mang tính biểu tượng văn hóa di sản, hướng đến mục tiêu Hội diều làng Bá Dương Nội và nghề làm diều sáo trở thành một điểm tham quan, du lịch góp phần bảo tồn giá trị văn hóa phi vật thể và ngày càng phát triển hơn nữa.
Một số hình ảnh thả diều tại buổi lễ
Nguồn: Thế Giới Ảnh